"Nóng" chuyện dự án ven biển và không gian công cộngTại phiên thảo luận với các nội dung liên quan đến đầu tư công, quản lý quy hoạch đầu tư các dự án ven biển; giám sát việc thực hiện quy hoạch và triển khai quy hoạch các dự án ven biển, khắc phục những bất cập trong quy hoạch các dự án này, đồng thời việc quản lý dự án ven biển và khai thác có hiệu quả các dự án ven biển…Các đại biểu đã chỉ ra nhiều mặt hạn chế cần nhìn nhận và khắc phục.
Theo đại biểu Trương Minh Hải, trong quá trình quy hoạch đầu tư xây dựng các dự án ven biển từ 2002 đến nay còn những tồn tại những hạn chế cần nhìn nhận nên cần có các giải pháp để phát huy hiệu quả các dự án ven biển, chống thất thu ngân sách, và để dành quỹ đất ven biển phục vụ nhu cầu của nhân dân. “Một trong những tồn tại bất cập lớn cần được xem xét là công tác lập, thẩm tra, đầu tư, giao đất và cho thuê đất ven biển. Đây là bất cập lớn nhất và để lại nhiều hệ lụy lâu dài trong công tác quản lý đất đai, gây bức xúc trong dư luận”- đại biểu Trương Minh Hải nói.
|
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh tổ đại biểu Liên Chiểu phát biểu ý kiến. |
Liên quan đến các dự án ven biển, đại biểu Trương Minh Hải cho biết thêm, trong 37 dự án ven biển nằm trong giám sát của HĐND thành phố thì có các dự án vi phạm về luật đất đai, đầu tư, xây dựng như giao đất không qua hình thức đấu giá mà giao trực tiếp cho các tổ chức kinh tế, xác định thời hạn cho thuê đất chưa chính xác. “Việc thẩm tra năng lực tài chính của chủ đầu tư không được chặt chẽ dẫn đến nhiều dự án chưa được dầu tư, gây lãng phí tài nguyên... Vấn đề này cần được đánh giá, xem xét”- đại biểu Hải nhìn nhận.
Cũng liên quan đến công tác quản lý đất đai, nhất là sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lê Thị Mỹ Hạnh cho rằng: “Từ năm 2015 trở lại đây, sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, thành phố cũng có rất nhiều nổ lực khắc phục hạn chế trong công tác quản lý đất đai nói chung và các dự án ven biển nói riêng. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn lại là hoạt động nào chúng ta làm được thì làm. Những hoạt động nào không thể làm được thì chúng ta phải cho người dân, đại biểu biết để kiến nghị với TƯ giải quyết triệt để. Việc xử lý các nhà đầu tư chậm triển khai dự án theo tiến độ thì phải công khai cho dân được biết”- đại biểu Lê Thị Mỹ Hạnh kiến nghị.
Phát biểu gợi ý, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cho rằng cần tổng hợp lại những lỗi mang tính hệ thống, lịch sử, những bất cập... và sớm kiến nghị TƯ có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực, cũng như đảm bảo tư vấn quản lý đất đai, đầu tư trên địa bàn thành phố. "Phải rà soát thu hồi các dự án sai phạm, dự án chậm tiến độ theo đúng quy định của pháp luật. Xây kế hoạch gắn với xây dựng các công trình công cộng, mở lối xuống biển, trả lại không gian công cộng bãi biển cho dân.
Trong năm 2018 hoàn thành 2 lối xuống biển tại quần thể du lịch Quốc tế Ariyana và cuối đường Hồ Xuân Hương. Sớm bổ sung cơ chế quản lý kiến trúc cảnh quan ven biển theo đúng chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ. Ban hành hành lang bảo vệ bờ biển theo Luật Tài nguyên – Môi trường biển"- Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nói.
|
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung phát biểu tại hội nghị. |
“Hơn nữa, do nguồn lực về vốn và con người để triển khai có hạn, thủ tục đầu tư khá phức tạp nên chúng ta phải phân kỳ có thứ tự ưu tiên và cụ thể mới có thể triển khai thành công. Chúng ta phải đi vào các công trình mang tính động lực thúc đẩy KT - XH của thành phố có gắn các yếu tố liên kết ngành, vùng đó là cảng Liên Chiểu"-đại biểu Nguyễn Đức Trị nói.
Dẫn chứng về việc cần xem xét các dự án động lực, vị đại biểu Nguyễn Đức Trị cho rằng, cảng Đà Nẵng vừa xác lập 2 kỷ lục về lượng hàng hóa thông qua và lượng container qua cảng, điều này cho thấy vấn đề quá tải hạ tầng cảng biển cũng như giao thông vào cảng đang hiện hữu, nên để làm tốt động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, việc đầu tư cảng Liên Chiểu là cần thiết.
Ngoài ra, đại biểu này cũng đề nghị nên đưa các dự án như: nút giao thông cầu Rồng, nút giao thông cầu Trần Thị Lý và các dự án của ngành Y tế như bệnh viện Sản - Nhi vào danh mục ưu tiên…
Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng gợi dẫn đối với các đại biểu cần đánh giá thế nào là tiêu chí động lực, thế nào là trọng điểm. Phải xác định ranh giới để bố trí nguồn vốn phù hợp. "Đề nghị UBND TP xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc trên tinh thần quyết tâm cao nhất, tập trung chỉ đạo tiến độ về thủ tục. Đặc biệt làm việc với các Bộ, ngành TƯ để đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn mà thành phố đang nghiên cứu như ga đường sắt, cảng Liên Chiểu"- ông Nguyễn Nho Trung nói.
Vẫn thiếu tầm nhìn chiến lượcPhát biểu tham gia thảo luận, đại biểu Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND Đà Nẵng cho rằng, quy hoạch chung phê duyệt năm 2013 của Đà Nẵng chưa đạt được tầm nhìn cần thiết, nên việc phát triển đô thị vẫn cón thiếu định hướng rõ ràng, không có chương trình và lộ trình cụ thể, khiến Đà Nẵng không khỏi băn khoăn cho về tầm nhìn cho tương lai thành phố.
“Đã đến lúc cần nhìn nhận vấn đề quy hoạch một cách nghiêm túc trước khi còn có thể, để tránh lặp lại “vết xe đổ”. Điều đáng nói là chúng ta chưa nhìn nhận một cách đầy đủ những bất cập và lại né tránh những tồn tại, cứ mãi đổ lỗi cho khách quan, kiểu như kẹt xe, tắc đường là do phương tiện giao thông tăng đột biến; thiếu công viên cây xanh, thiếu đất trường học là do áp lực tái định cư; Thiếu nước sinh hoạt là do du lịch phát triến nóng; Cá chết trên sông là do thiếu oxy và nước thải tràn ra bãi tắm là do mưa quá lớn..."- ông Tô Văn Hùng nói.
Theo ông Hùng, Đà Nẵng đang thiếu gần 400 ha đất cho cây xanh công cộng, nên cần nhanh chóng bố trí đất dành cho cây xanh, sớm khắc phục ô nhiễm sông hồ và các bãi tắm công cộng. “Muốn trở thành thành phố đáng sống thì sớm có đủ nước sinh hoạt cho người dân, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại các khu dân cư do xả thải của các nhà máy sản xuất công nghiệp, do hoạt động du lịch, ô nhiễm từ bãi chôn lắp rác thải; Muốn thành phố trở nên đáng nhớ thì hãy bảo tồn những di tích văn hòa, lịch sử truyền thống hiếm hoi còn lại.
Nếu muốn thành trung tâm Logistics thì phải cấp thiết tố chức tốt hoạt động vận tải, không thể mãi duy trì kiểu giao thông hỗn hợp trên các trục vận tải chính. Nếu vẫn còn tình trạng người dân ra đường sợ xe tải thì khó có thế hiện thực hóa đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của khu vực. Và quan trọng hơn, phải sớm chấm dứt tình trạng ô tô đỗ tràn lan, chiếm dụng lòng đường, thu hẹp phạm vi lưu thông”- Trưởng ban Đô thị HĐND Đà Nẵng nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị đại biểu này cũng cho rằng, chủ trương mời Singapore làm tư vấn điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2045 là quyết định đúng đắn. "Tuy nhiên sẽ đáng trân trọng hơn nếu chúng ta học tập cách quản lý quy hoạch, sự kiên định tầm nhìn quy hoạch của chính quyền Singapore. Làm được điều đó thì những mục tiêu nói trên không là quá xa vời khi chúng ta đang hội đủ tiềm năng, quyết tâm chính trị và sự đồng thuận rất cao của người dân”- ông Tô Văn Hùng nhấn mạnh.