Nghĩa Hành phát triển mạnh trồng ngô sinh khối

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì trồng ngô lấy hạt truyền thống, nhiều hộ nông dân ở huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) chuyển sang trồng ngô sinh khối, vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa hạn chế rủi ro do thời tiết.

Ngô sinh khối được thu hoạch sau khoảng 80 ngày kể từ lúc xuống giống
Ngô sinh khối được thu hoạch sau khoảng 80 ngày kể từ lúc xuống giống

Ngô có vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng của tỉnh Quảng Ngãi, là cây lương thực đứng thứ 2 sau cây lúa. Những năm trước, tỉnh Quảng Ngãi nói chung và huyện Nghĩa Hành nói riêng chủ yếu trồng ngô lấy hạt. 

Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất ngô lấy hạt còn thấp, nguyên nhân do chi phí giống, phân bón cao nên giá thành sản xuất cao, chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó cạnh tranh được với ngô nhập khẩu. 

Những năm gần đây, nhiều địa phương của huyện Nghĩa Hành chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô lấy hạt sang trồng ngô lấy thân (ngô sinh khối) làm thức ăn cho đại gia súc, trong đó chủ yếu liên kết sản xuất và tiêu thụ với Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Với ngô sinh khối, mỗi năm người dân có thể canh tác 3 vụ
Với ngô sinh khối, mỗi năm người dân có thể canh tác 3 vụ

Gia đình Nguyễn Thị Tuyến (xã Hành Phước) trồng ngô sinh khối trên diện tích 3 sào (mỗi sào 500m2). Chị Tuyến cho biết, trồng ngô sinh khối có thuận lợi là rút ngắn thời gian, mỗi vụ chỉ mất khoảng 80 ngày. Hơn nữa, người trồng chẳng phải quá lo lắng về thời tiết, bệnh hại làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng ngô hạt, lại tăng hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập.

“Làm theo cách này khỏe, liên kết với doanh nghiệp nên họ thu mua một loạt luôn, từ cây đến quả, mình đỡ tốn công dọn ruộng nữa”, chị Tuyến nói.

Theo chia sẻ của các hộ nông dân, trồng ngô sinh khối giảm được đáng kể công chăm sóc và chi phí đầu vào. Đặc biệt, do sản phẩm thu hoạch ở dạng tươi, do vậy nông dân không mất thêm chi phí tách hạt, phơi khô và bảo quản.

Gia đình chị Võ Thị Thu Nhi (xã Hành Phước) trồng 6 sào ngô sinh khối với năng suất bình quân mỗi sào 2,5 tấn. Với giá bán 1,3 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận gần 1,5 triệu đồng mỗi sào.

“Ngô để khô lấy hạt tốn mất 3 tháng 10 ngày, còn ngô sinh khối chỉ tốn 2 tháng rưỡi nên mỗi năm có thể trồng được 3 vụ. Hạt ngô vừa khô sữa, chín sáp là bên công ty đến thu hoạch, trả tiền. Tính ra làm ngô sinh khối ít tốn công, sướng hơn là để khô lấy hạt vì làm được nhiều vụ, thu nhập cao hơn. Để khô phải thêm chi phí chăm sóc, rồi còn phải tách hạt, xay thành bột mới bán được”, chị Nhi so sánh.

Huyện Nghĩa Hành đang có khoảng 180ha ngô sinh khối
Huyện Nghĩa Hành đang có khoảng 180ha ngô sinh khối

Tại thôn Nhơn Lộc 1 (xã Hành Tín Đông), phong trào trồng ngô sinh khối cũng đang phát triển mạnh, giúp người dân cải thiện kinh tế.

“Trồng hơn 2,5 sào, thu hoạch được 5,1 tấn. Mình bán cho nhà máy được 1,3 triệu đồng/tấn. Còn như bán cho tư thương thì 1 triệu đồng/tấn”, ông Huỳnh Văn Thiệt (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) cho hay. 

Theo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hành, phong trào ngô sinh khối đã bắt đầu cách đây hơn 3 năm. Hiện toàn huyện có khoảng 180ha trồng ngô sinh khối, tập trung nhiều ở các xã: Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Phước, Hành Thịnh. 

Huyện Nghĩa Hành cũng khuyến khích các địa phương có điều kiện nên chuyển đổi từ trồng ngô truyền thống sang trồng ngô sinh khối vì mang lại thu nhập tốt hơn, giảm nguy cơ rủi ro do điều kiện thời tiết, thiên tai.

Đặc biệt, trồng ngô sinh khối giúp làm giảm đáng kể lượng phân bón, do thời điểm cây ngô từ chín sáp đến chín hoàn toàn là giai đoạn sử dụng rất