Nghĩa vụ hình sự hóa các hành vi tra tấn

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Công ước chống tra tấn, pháp luật Việt Nam có quy định cụ thể về nghĩa vụ hình sự hóa các hành vi tra tấn...

Ảnh minh họa

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm nói chung cũng như các tội phạm có tính chất tra tấn được quy định tại Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Các quy định liên quan đến tội phạm tra tấn trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng:

Sửa đổi tội “Dùng nhục hình” (Điều 373) như sau: Bổ sung hành vi đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác là hành vi cấu thành tội phạm này để có thể bao gồm hành vi tra tấn về tinh thần; Mở rộng phạm vi chủ thể tội dùng nhục hình là bất cứ người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Cụ thể hóa các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự và bổ sung một khoản mới (khoản 4) 32 để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với trường hợp làm nạn nhân chết với mức hình phạt là tù có thời hạn từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Sửa đổi tội “Bức cung” (Điều 374) như sau: Mở rộng phạm vi chủ thể của tội này: Không chỉ là người có thẩm quyền trong hoạt động hỏi cung bị can, bị cáo trong vụ án hình sự mà còn là người có thẩm quyền trong hoạt động lấy lời khai đối với nhân chứng, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự, dân sự, lao động, hành chính…; Cụ thể hóa các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong đó có hành vi dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung; bổ sung một khoản mới (khoản 4) để tăng nặng trách nhiệm hình sự với mức hình phạt là tù có thời hạn từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu thuộc một trong các trường hợp: làm người bị bức cung chết; làm oan người vô tội; dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Sửa đổi, bổ sung tội “Mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu” (Điều 384) như sau: Sửa đổi tình tiết định tội không chỉ là cưỡng ép, mua chuộc để khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, mà còn cưỡng ép, mua chuộc để các đối tượng không khai báo, không cung cấp tài liệu phục vụ cho việc giải quyết vụ án, vụ việc. Mở rộng phạm vi người bị mua chuộc, bị cưỡng ép khai báo, cung cấp tài liệu: người làm chứng, người bị hại, đương sự trong các vụ án hình sự, hành chính, dân sự, kinh tế, lao động, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật.

Bổ sung hậu quả dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Các tội danh liên quan khác cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định tình tiết: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, gồm các tội: “Đe dọa giết người”(Điều 133), “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134). Đồng thời, tại cấu thành tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (Điều 157) cũng được bổ sung tình tiết: “Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân”.

Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi đồng phạm hoặc tham gia vào tội phạm tra tấn hoặc các tội phạm có liên quan nêu trên: Đồng phạm được quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người đồng phạm phải chịu trách nhiệm về tội phạm, tuy nhiên, không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành. Các loại người đồng phạm bao gồm: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Như vậy, người thực hiện hành vi đồng phạm hoặc tham gia vào tội phạm có tính chất tra tấn và các tội phạm có liên quan phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình, tùy theo tính chất, mức độ tham gia của người đó.

Valid: True