Nghĩa vụ tiến hành điều tra khi cho rằng có hành vi tra tấn được thực hiện

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quốc gia có nhĩa vụ phải tiến hành các hoạt động điều tra nhanh chóng, không thiên vị và có hiệu quả khi có cơ sở hợp lý để tin rằng hành động tra tấn và việc đối ử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người...

Ảnh minh hoạ

Điều 12 Công ước Chống tra tấn quy định quy định: “Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng các cơ quan có thẩm quyền của mình sẽ tiến hành điều tra khẩn trương và khách quan mỗi khi có cơ sở hợp lý để tin rằng việc tra tấn đã xảy ra trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình”.

Theo đó, các quốc gia có nhĩa vụ phải tiến hành các hoạt động điều tra nhanh chóng, không thiên vị và có hiệu quả khi có cơ sở hợp lý để tin rằng hành động tra tấn và việc đối ử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người xảy ra trong lãnh thổ của mình. Cùng đó, việc điều tra phải bảo đảm được tính “nhanh chóng” và “vô tư, không thiên vị”.

Đây là hai đặc điểm rất quan trọng đối với các cuộc điều tra liên quan đến hành vi tra tấn, trừng phạt, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo bởi vì các hành vi tra tấn thường gây nên những hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần cho nạn nhân nên càng phải chấm dứt sớm.

Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 phê chuẩn Công ước chống tra tấn của Liên Hợp quốc. Việc ký kết, phê chuẩn Công ước có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam; cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người.

Trước khi tham gia Công ước chống tra tấn, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối cơ bản và đầy đủ cơ chế bảo đảm quyền không bị tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc bị hạ nhục. Sau khi Quốc hội phê chuẩn Công ước đã tạo điều kiện để rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, cụ thể là quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người cho phù hợp hơn với Công ước và các quy chuẩn chung của pháp luật quốc tế về quyền con người.

Để phòng chống tra tấn, Công ước đã đề ra các nhóm giải pháp về lập pháp, hành pháp, tư pháp và nhiều biện pháp khác. Việt Nam đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp này, nổi bật là trong lĩnh vực lập pháp. Trong đó, Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về than thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (Khoản 1, Điều 20).

Thời gian qua, Hà Nội cũng đã tích cực triển khai việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Công ước, góp phần đưa chính sách bảo vệ quyền con người đi vào cuộc sống ngày càng thực chất, hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ, văn minh, kiến tạo, phục vụ.