Nghịch lý bánh trung thu

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay là Rằm Trung thu. Trên mâm cỗ đón trăng của mỗi gia đình, chắc rằng không thể thiếu những tấm bánh Trung thu truyền thống.

Từ gần chục năm nay, cứ đến mùa Trung thu là các nhà hàng, khách sạn có tiếng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… lại vào cuộc chạy đua đưa ra thị trường các sản phẩm bánh Trung thu cao cấp, có giá cao, thậm chí rất cao. Thấp nhất cũng phải ngót triệu bạc một hộp bánh. Cao thì vô kể, có hộp bánh lên tới hơn chục triệu đồng với hình thức cầu kỳ, bắt mắt và tên gọi kêu như chuông.

Có thể thấy thị trường bánh Trung Thu, trong đó có bánh Trung Thu cao cấp là một mảnh đất màu mỡ. Ở Việt nam chưa có một thống kê cụ thể, nhưng ở nước láng giềng Trung Quốc, nơi người dân cũng có tục đón Tết Trung thu, một báo cáo của gần đây cho thấy quy mô thị trường bánh Trung Thu tại quốc gia này từ năm 2016 tới 2021 đã tăng từ 1,7 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD.

Điều đáng nói là từ những chiếc bánh truyền thống với nhân đậu đỏ, hạt sen, trứng muối… bánh Trung Thu đã thay đổi khá nhiều, theo chiều hướng ngày càng trở nên xa xỉ.

Thậm chí, có loại bánh Trung Thu còn được làm bằng vàng khối, bọc bằng lụa quý. Tất nhiên giá cả của các loại bánh này không hề rẻ và tác dụng của chúng chỉ là hợp thức hóa các hành vi tham nhũng, hối lộ.

Cũng chính vì vậy, cách đây gần chục năm, từ mùa Trung Thu 2013, Chính phủ Trung Quốc đã có quy định cấm các quan chức nước này mua bánh Trung Thu để ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lãng phí trong dịp Rằm tháng Tám. Mới đây, trong tháng 8/2022, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã thông báo Cục quản lý thị trường sẽ thanh tra, xử phạt các DN, nhà hàng, khách sạn và nền tảng thương mại điện tử sản xuất hoặc bán bánh Trung Thu xa xỉ với "giá trên trời".

Nhà nước cũng có quy định bánh Trung Thu không được đặt trong hộp làm bằng kim loại quý, gỗ lim hay các vật liệu đắt tiền, trong hộp cũng không được đặt kèm mặt hàng khác. Đơn vị sản xuất bánh Trung Thu không được sử dụng nguyên liệu đắt tiền như vây cá mập, yến sào làm nhân.

Nếu có bất kỳ hộp bánh nào được bán với giá trên 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu đồng) thì chính quyền sẽ tiến hành khảo sát giá cả và có biện pháp xử lý.

Đó là chuyện nước người. Còn ở Việt Nam dù chưa xuất hiện những chiếc bánh bằng vàng, nhưng bánh Trung Thu đang biến tướng từ một sản phẩm truyền thống, thành những món quà đắt tiền là một thực tế. Và ai dám chắc, thực tế đó không tạo cơ hội cho tệ tham nhũng và lãng phí?

Có một nghịch lý là cùng với loại bánh Trung Thu cao cấp, đắt giá, trên thị trường bánh Trung Thu Việt Nam mấy năm gần đây cũng lại tràn ngập các loại bánh Trung Thu giá rẻ, nhập lậu.

Ngày 15/8, kiểm tra một cửa hàng kinh doanh bánh kẹo tại thôn Chùa Tổng, xã La Phù, Hoài Đức, lực lượng chức năng đã phát hiện tại đây đang bày bán hơn chục nghìn chiếc bánh Trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài với giá 2.500 đồng/chiếc. Đây không phải trường hợp duy nhất.

Theo thông tin trên các chợ mạng xã hội, loại bánh này được nhập từ nội địa Trung Quốc, đều có màu sắc sặc sỡ, đa dạng về kiểu dáng và bao bì in chữ Trung Quốc. Ngoài giá rẻ bất ngờ, loại bánh này có đặc điểm chung là không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Bánh Trung Thu giá trên trời cùng với bánh Trung Thu giá rẻ bất ngờ không phải đến năm nay mới xuất hiện trên thị trường. Tình trạng đó vô hình trung đã tạo ra một nghịch lý về bánh Trung Thu rất đáng lo ngại. Dù là những hộp bánh xa xỉ với giá cao ngất ngưởng, hay những tấm bánh giá rẻ bất ngờ không xuất xứ, thì những sản phẩm nói trên đều đang có những tác động tiêu cực về nhiều mặt đến đười sống xã hội, cộng đồng.

Nghịch lý đó cũng đang thách thức các cơ quan chức năng với sự tồn tại của nó và cần được ngăn chặn, xóa bỏ, để không tái diễn vào những mùa Trung Thu sắp tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần