Nghịch lý chuyện nhà, đất ở cho người thu nhập thấp

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước hết, phải nói Việt Nam là một trong những nước quan tâm nhiều đến nhà ở cho người thu nhập thấp, chủ yếu là công nhân trong các công ty, nhà máy và người lao động tự do. Đây là câu chuyện được bàn đến nhiều trên diễn đàn từ T.Ư tới địa phương, trên báo chí…

Cũng từ đó, đã có nhiều giải pháp đã được đề ra và thực hiện. Như ở Bình Dương, cách nay mấy năm, tỉnh này đã cho xây nhà giá rẻ, ưu tiên bán cho công nhân lao động trong tỉnh với mức giá vài trăm triệu đồng một căn. Hay ở Đồng Nai, tỉnh khuyến khích các công ty dành phần đất xây nhà ở cho công nhân…

Đặc biệt, gần đây, Vinhomes có kế hoạch xây dựng 500.000 căn hộ trong 5 năm tới với giá 300 - 950 triệu đồng mỗi căn. Đây là dự án cực kỳ lớn, nếu thực hiện tốt sẽ làm giảm khó khăn về nhà ở cho người thu nhập thấp.
Tuy nhiên, dường như đang có hai khái niệm về “người thu nhập thấp” trong xã hội.

Trong đời sống thường nhật, người thu nhập thấp thì chỉ làm ra khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng, thậm chí thấp hơn. Với số tiền này, cùng với việc phải chi tiêu cho việc ăn, mặc… thì người thu nhập thấp chưa đủ để sống chứ đừng nói để tích lũy mua nhà và làm sao có thể tích lũy đến 300 triệu đồng hoặc hơn nữa.

Thêm nữa, nhà giá rẻ cũng đồng nghĩa không thể đòi hỏi chất lượng khá. Một khu chung cư lúc đó sẽ chen chúc nhiều căn hộ nhỏ tầm 30m2, thậm chí nhỏ hơn và lúc đó rất có thể dạng… “khu ổ chuột” ra đời sau mấy năm bị xuống cấp.

Như đã nói, việc nỗ lực cung cấp căn hộ giá rẻ hoặc cho thuê giá rẻ cho người lao động thu nhập thấp là đáng quý của các cấp chính quyền, của các DN có tâm, biết nghĩ đến cuộc sống của những người nghèo. Tuy nhiên, nhà ở là một phần của “an cư lạc nghiệp” không thể chỉ là căn hộ đơn giản, nghèo nàn.

Hơn nữa, chủ sở hữu nó không thể có một “cục tiền” để trả ngay mà phải vay ngân hàng, với lãi suất nói chung là thả nổi, sẽ tăng khi nền kinh tế lạm phát. Vậy có “an cư” nổi không trong hoàn cảnh nợ nần, nhà cửa xuống cấp...

Nhìn sâu xa, đa số công nhân và người lao động có gốc gác từ nông thôn, trừ một số người đã bán nhà bán ruộng, bỏ quê lên phố làm công nhân hay buôn bán nhỏ, đa số còn lại là vẫn giữ “cái gốc” ở quê. Tức, họ vẫn giữ hộ khẩu ở quê, nơi đó còn bố mẹ, họ hàng…

Và quan trọng là tâm lý của họ vẫn sau khi lên phố kiếm được một số tiền thì về quê làm ăn, sinh sống cho đến cuối đời. Vậy, cái nhà họ cần (nếu không ở chung với bố mẹ) vẫn là nhà ở quê. Nếu có nhà trên phố (giá rẻ) họ sẽ sang nhượng lại cho người khác.

Nhưng nghịch lý ở chỗ, giờ đây đất ở quê nhiều nơi cũng đắt đỏ. Hầu hết, các địa phương không còn khoanh đất giãn dân như trước kia.

Một công nhân lao động quê vùng ven Hà Nội nói: “Chỗ tôi đã mấy chục năm xã “quên” khoanh đất giãn dân. Giờ mua đất ở phải tham gia đấu giá do huyện tổ chức. Và người trúng đấu giá đất lại là người ở đâu đến không phải là người trong xã. Thế là đất đã hẹp, người lại càng đông khi con cháu lần lượt ra đời còn thêm người ở nơi khác đến. Khi đó, đất lại càng hiếm và giá lại càng tăng, ngoài tầm với của chúng tôi”.

Nghịch lý nhà cửa cho người thu nhập thấp không chỉ đến từ khan hiếm căn hộ giá rẻ (và khái niệm “rẻ” rất mơ hồ) mà còn thiếu đất ở của nhiều vùng nông thôn do chính sách quy hoạch đất ở không theo kịp nhu cầu của xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần