Nghịch lý: Dân Trung Quốc không muốn sinh con thứ ba dù chính phủ khuyến khích

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chi phí nhà ở và giáo dục cao, cũng như thiếu chính sách bảo vệ việc làm cho phụ nữ... là những hạn chế mạnh mẽ đối với việc sinh con.

Trung Quốc sẽ cho phép mỗi cặp vợ chồng ở nước này có tối đa 3 con. Một quyết định cho thấy khác biệt rõ rệt so với giới hạn hai con trước đây, tuy nhiên giới quan sát cho rằng chính sách này sẽ không giúp đối phó tình trạng già hóa dân số của Trung Quốc nếu không đi kèm với các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ.
Sau thông báo về chính sách trên hôm 31/5, nhiều người Trung Quốc cho biết, việc sinh thêm con vẫn không nằm trong dự liệu trước chi phí sinh hoạt cao và các áp lực khác. Quyết định được công bố sau cuộc họp của Bộ Chính trị do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, trong đó các đề xuất khác như hoãn tuổi nghỉ hưu, cải thiện dịch vụ chăm sóc trẻ em và chính sách nghỉ thai sản cũng được thảo luận.
 Trẻ con chơi trong một công viên ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, bàn về chủ đề này trên truyền thông xã hội, nhiều tài khoản cho rằng cho biết chi phí nuôi dạy con cái cao ở các đô thị Trung Quốc, nơi nhà đất đắt đỏ và phí học thêm trong bối cảnh hệ thống giáo dục cạnh tranh khốc liệt, là những yếu tố ngăn cản việc có con.
SCMP dẫn lời Dan Wang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc), cho biết chính sách ba con sẽ có tác động tích cực đến tỷ lệ sinh của Trung Quốc, nhưng không nhiều như các nhà chức trách hy vọng. “Chi phí nhà ở và giáo dục cao, cũng như thiếu chính sách bảo vệ việc làm cho phụ nữ, là những hạn chế mạnh mẽ đối với việc sinh con”, nữ chuyên gia cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng chi phí sinh con thứ ba sẽ quá cao đối với hầu hết các gia đình trung lưu. "Chính phủ cần đưa ra các khoản trợ cấp để giải quyết các vấn đề đó, đồng thời thiết lập một hệ thống thuế mới để tạo động lực cho các công ty thuê phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ."
Bên cạnh đó, theo một báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson năm ngoái, phụ nữ ở Trung Quốc đang phải đối mặt với khoảng cách giới ngày càng lớn về mức độ tham gia lực lượng lao động và thu nhập, đồng thời phải gánh vác phần lớn trách nhiệm chăm sóc trẻ em khi dịch vụ chăm sóc trẻ em do nhà nước hỗ trợ đã giảm xuống.
"Phụ nữ đi làm ở các thành phố lớn sẽ bị phân biệt đối xử nhiều hơn và phụ nữ trên 30 tuổi sẽ khó tìm được việc làm hơn", Reuters dẫn lời một người dùng Weibo cho biết.
Theo SCMP, quyết định được đưa ra chỉ vài tuần sau khi công bố bản tóm tắt dữ liệu điều tra dân số cho thấy tỷ lệ sinh ở Trung Quốc tiếp tục giảm. Yi Fuxian, một chuyên gia về nhân khẩu học của Trung Quốc, cho biết thời điểm thông báo ngay sau bản tóm tắt điều tra dân số cho thấy dữ liệu chi tiết sắp tới có thể cực kỳ đáng lo ngại. “Có thể là do dữ liệu dân số thực quá đáng sợ. Ngay cả khi không được công bó, nó có thể khiến những người ra quyết định sợ hãi, ”Yi nói.
Theo điều tra dân số quốc gia được thực hiện vào cuối năm ngoái, tổng dân số của Trung Quốc đã tăng lên 1,412 tỷ người vào năm 2020, từ 1,4 tỷ người một năm trước đó. 12 triệu trẻ em đã được sinh ra năm ngoái, so với mức 14,65 triệu vào năm 2019, đánh dấu mức giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1,3 trẻ em trên một phụ nữ - dưới mức thay thế 2,1 cần thiết để có một dân số ổn định.
Su Jian, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia của Đại học Bắc Kinh, cho biết lực lượng lao động giảm và dân số già đang kìm hãm sự tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc, và nước này có thể đi xuống con đường giống như Nhật Bản, nơi dân số đã giảm kể từ năm 2011, khiến nền kinh tế đình trệ. Trong hơn ba thập kỷ kể từ những năm 1980, Bắc Kinh đã thực thi chính sách một con với nỗ lực kiểm soát dân số đang tăng nhanh. Do văn hóa ưu tiên con trai, chính sách này đã khiến nam giới nhiều hơn nữ giới tới 34,9 triệu người vào năm 2020.
Số lượng phụ nữ giảm cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sinh giảm. Theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt đỉnh vào năm 2011 và đã giảm dần kể từ đó. Kết quả là, Trung Quốc đang già đi nhanh hơn nhiều so với các nước có thu nhập thấp và trung bình khác.