Nghịch lý giá thịt lợn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau cái bắt tay của các “ông lớn” trong ngành chăn nuôi, giá lợn hơi đã quay đầu giảm về mức 75.000 đồng/kg. Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra là trong khi giá lợn hơi đã giảm, giá thịt lợn ở các chợ, siêu thị vẫn ở mức cao.

 Người tiêu dùng lựa chọn mua thịt tại siêu thị T - Mart Dương Nội, Hà Đông.

Giá thịt ở chợ không “nhúc nhích”
Theo khảo sát, sau khi các DN chăn nuôi đầu ngành như C.P, Dabaco giảm giá lợn hơi về mức 75.000 đồng/kg, một số siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu giảm giá thịt lợn bán ra. Cụ thể, tại siêu thị Vinmart trong Khu đô thị The Spark Dương Nội (Hà Đông), giá thịt lợn C.P đang được niêm yết theo các gói đóng sẵn như: Thịt vai 41.500 đồng/300g; thịt nạc đùi 42.500 đồng/300g; thịt ba chỉ 55.500 đồng/300g; sườn non 62.500 đồng/300g; nạc vai 56.500 đồng/300g; bắp giò 48.500 đồng/300g… Siêu thị T-Mart bán thịt lợn của thương hiệu MeatDeli với giá niêm yết trên từng sản phẩm như: Thịt nạc đùi 151.900 đồng/kg; nạc vai 153.900 đồng/kg; nạc dăm 203.900 đồng/kg… Theo phản ánh của người tiêu dùng, giá thịt lợn trong các siêu thị đã giảm hơn so với mấy ngày trước, song mức giảm không đáng kể và vẫn quá cao so với trước đây.
Các DN chăn nuôi đầu ngành phải biết bảo vệ thị trường, sản xuất bền vững. Giá thịt lợn phải ở mức độ hợp lý, hài hòa. Nếu giữ giá thịt lợn quá cao sẽ khiến người tiêu dùng quay lưng vì họ có rất nhiều lựa chọn khác.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Trong khi đó, tại các chợ dân sinh, giá thịt lợn vẫn giữ nguyên, thậm chí cao hơn giá đang bán tại siêu thị. Tại chợ Hoàng Ngọc Phách (quận Đống Đa), giá thịt mông sấn đang được tiểu thương bán với giá 160.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, bắp giò có giá 170.000 đồng/kg; sườn non, nạc vai có giá 210.000 đồng/kg… Tương tự, tại chợ Hà Đông, giá thịt lợn cũng chưa giảm, từ 150.000 - 200.000 đồng/kg…
Lý giải việc chưa giảm giá thịt, chị Trần Thu Hạ, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Hà Đông cho hay: “Giá thịt móc hàm chúng tôi nhập từ các lò mổ giảm rất ít, chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Vì vậy, chúng tôi khó giảm giá khi bán lẻ. Hơn nữa, buôn có bạn, bán có phường, nếu một mình mình tự ý giảm sẽ bị coi là phá giá nên chúng tôi còn chờ động thái từ các hàng bên cạnh” – chị Hạ giải thích.
Lượng tiêu thụ giảm
Trên thực tế, việc phân phối sản phẩm thịt lợn hiện đang có quá nhiều khâu trung gian. Vì thế, sản phẩm thịt lợn khi đến tay người tiêu dùng đã bị đẩy lên mức cao bất hợp lý so với giá thu mua ban đầu từ người chăn nuôi. Với nghịch lý giá như hiện nay, không chỉ người chăn nuôi chịu thiệt mà người tiêu dùng cũng đang thiệt thòi khi phải mua thịt lợn với mức giá cao. Phần chênh lệch giữa giá bán tại chuồng với giá bán đến tay người tiêu dùng đang chảy vào túi bộ phận trung gian là các thương lái, tiểu thương.
Việc giá lợn đang ở mức quá cao khiến sức tiêu thụ mặt hàng này giảm rõ rệt. Theo chị Trương Thị May, tiểu thương bán thịt tại chợ Yên Nghĩa (quận Hà Đông), trước đây mỗi ngày chị bán cả tạ thịt nhưng nay chỉ dám lấy 40 – 50kg mà vẫn không bán hết. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường học nghỉ học ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ thịt lợn. Trong khi đó, sau Tết, giá thịt gia cầm, thủy cầm, trứng, cá… giảm mạnh nên người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang lựa chọn các loại thực phẩm này.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh (phố Triều Khúc, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) cho biết: “Mặc dù thịt lợn là món khoái khẩu của cả nhà, tuy nhiên từ đợt thịt tăng giá, tôi đã chuyển dần sang ăn thịt bò, thịt gà, thịt vịt…, mỗi tuần chỉ ăn 1 – 2 bữa thịt lợn thôi”. Theo chị Quỳnh, với mức giá lợn hơi khoảng 75.000 đồng/kg, thì giá thịt lợn bán ra khoảng 130.000 – 140.000 đồng/kg là hợp lý và có lãi. Thế nhưng, các tiểu thương vẫn bán lẻ với mức giá 150.000 – 200.000 đồng/kg là quá cao, dễ gây tâm lý bức xúc trong người tiêu dùng và dẫn đến mất ổn định thị trường.