Nghịch lý trên thị trường chứng khoán: Doanh nghiệp thua lỗ, giá cổ phiếu vẫn tăng

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục lập những kỷ lục mới về chỉ số và khối lượng giao dịch.

Trong đó, đáng chú ý, hàng loạt cổ phiếu thị giá tăng bằng lần, thậm chí cả mấy chục lần dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan, khiến nhà đầu tư dù đặt nhiều câu hỏi vẫn hăng hái lao vào đặt mua.

Những vùng đỉnh lịch sử

Tiếp diễn xu hướng tăng điểm từ cuối tháng 10, VN-Index đang liên tục tạo lập những vùng đỉnh cao lịch sử. Điều này cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đang rất hưng phấn. Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần 15/11, VN-Index tăng 3,2 điểm (0,22%) lên 1.476,57 điểm. Toàn sàn có 261 mã tăng, 202 mã giảm và 40 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,65 điểm (0,6%) lên 444,28 điểm. Toàn sàn có 172 mã tăng, 92 mã giảm và 43 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,08 điểm (0,98%) lên 111,74 điểm.
 Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh Công Hùng
Thanh khoản thị trường tăng vọt so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 41.161 tỷ đồng, tăng 30,7%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 33,3% lên 32.738 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 100 tỷ đồng trên HoSE.

Theo chuyên gia công ty Chứng khoán MB (MBS), thị trường truung tuần qua tăng 16.86 điểm (+1.16%) so với tuần trước đó, thanh khoản trong 2 tuần vừa qua ở mức kỷ lục, bình quân đạt 1 tỷ cổ phiếu/phiên khớp lệnh trên sàn HOSE. Đáng chú ý là dòng tiền vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là cổ phiếu mang tính đầu cơ cao ở sàn UPCoM khi biên độ rất rộng ở sàn này tạo sức hấp dẫn lớn. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang ở đỉnh cao mới, dòng tiền vẫn rất dồi dào khi các nhịp điều chỉnh diễn ra rất nhanh.

Có thể thấy, tâm lý của nhà đầu tư đang rất hăng hái. Tuy nhiên, ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm phân tích chiến lược Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, cần lưu ý tâm lý này sẽ đi kèm với việc thị trường có thể xuất hiện những diễn biến “thái quá” ngoài mong đợi. Ví dụ như xuất hiện những phiên tăng/giảm mạnh mà không rõ nguyên nhân hay thị trường có thể đột ngột tăng mạnh cũng như giảm mạnh trở lại trong một phiên. Điều này có thể xảy ra thường xuyên hơn khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự tâm lý quanh mốc 1.500 điểm. Vì thế, để đạt được mục tiêu giá với xu hướng tăng hiện tại sẽ cần thời gian và quá trình tăng trưởng có thể gặp khó khi tiếp cận vùng 1.500 điểm.

Nhiều dấu hiệu bất thường

Trong xu thế đi lên của TTCK, nhiều hiện tượng đáng ngạc nhiên cũng diễn ra. Nhiều cổ phiếu tình hình kinh doanh thiếu khả quan, thậm chí thua lỗ nặng, giá cổ phiếu vẫn tăng gấp nhiều lần.

Mã cổ phiếu CEO của Công ty CP Tập đoàn C.E.O cũng là một mã có sự tăng giá đáng ngạc nhiên. Tuần trước, cổ phiếu này liên tục kịch trần, đưa thị giá tăng đến 50% chỉ sau một tuần giao dịch. Dù sóng bất động sản thực tế đã bắt đầu từ đầu năm nhưng CEO vẫn bơi bên lề con sóng này. Tuy nhiên, quý III, bất chấp tình hình kinh doanh thua lỗ nặng, giá cổ phiếu này lại miệt mài lên dốc. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu CEO đạt 406 tỷ đồng, giảm 40,5%. Khấu trừ chi phí, CEO lỗ sau thuế 224 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng gấp đôi con số lỗ cùng kỳ năm ngoái. Năm 2021, CEO đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng. CEO cho biết năm nay tập trung triển khai và kinh doanh các dự án trọng điểm như: Dự án River Silk City Hà Nam, CEO Mê Linh (CEOHomes Hana Garden), Sonasea Vân Đồn Harbor City...
Dù vậy, với tình hình 9 tháng lỗ nặng, khả năng đạt được kế hoạch kinh doanh của CEO là thử thách lớn. Quý III/2021 cũng là quý thứ ba liên tiếp CEO thua lỗ. Trước đó, khi kết quả kinh doanh thua lỗ nửa đầu năm, cổ đông đã đặt nghi vấn: "Làm sao để biết tập đoàn không chuyển lợi nhuận cho công ty sân sau?". Trả lời, Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình cho biết: Công ty không có công ty sân sau, CEO sẽ cố gắng hết sức mình để đảm bảo lợi ích tối đa cho các cổ đông.
Một mã khác là SDA của Công ty Cổ phần Simco Sông Đà cũng tăng gấp 14 lần trong 3 tháng trở lại đây dù kết quả kinh doanh của DN này không có gì khả quan. Hồi đầu tháng 8, cổ phiếu SDA còn loanh quanh ở mức 4.485 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên sang đến tháng 11 mã này tăng phi mã lên 64.500 đồng/cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Từ một cổ phiếu gần như không có thanh khoản, hiện khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của SDA nâng lên mức hàng trăm nghìn đơn vị. Năm 2020, tình hình kinh doanh của công ty có khởi sắc hơn khi ghi nhận doanh thu giảm về 27,6 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế đạt 4,6 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 62 tỷ đồng.
Cần nói thêm, khoản lãi này chủ yếu đến từ việc công ty tăng cường bán các khoản đầu tư. Kết quả kinh doanh của SDA trong quý III/2021 cũng không có gì đột biến để hỗ trợ giá cổ phiếu. Trong quý III/2021, doanh thu SDA đi ngang ở mức 6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế DN chỉ đạt vỏn vẹn 923 triệu đồng.

Tại báo cáo 10 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 11, về quản lý các thị trường tài chính, đại diện Bộ Tài chính cho hay, Bộ sẽ thực hiện giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; kịp thời phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán có đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định. Xem xét hồ sơ công ty đại chúng; hướng dẫn, nhắc nhở, yêu cầu các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo quy định...
Ngoài ra, Bộ này cũng tăng cường giám sát việc phát hành trái phiếu DN, đặc biệt đối với các DN có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành không có tài sản đảm bảo, tình hình tài chính yếu.

Về công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng và tổ chức kiểm toán được chấp thuận, trong 10 tháng đầu năm, Ủy ban Chứng khoán đã ban hành 308 quyết định xử phạt, với tổng số tiền xử phạt 12,5 tỷ đồng.


"Việc thị trường đã bứt phá nhanh kể từ cuối tháng 10/2021 đã khiến cho định giá ở nhiều ngành trở nên kém hấp dẫn hơn, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu cẩn trọng hơn kết hợp với một kỳ hạn đầu tư dài hơn để giảm thiểu rủi ro biến động thị trường trong ngắn hạn." - Báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Rồng Việt