Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an có một điều khoản rất đáng chú ý. Đó là đưa hành vi thay đổi phụ tùng xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi đăng kiểm vào hành vi bị nghiêm cấm, nhằm phù hợp với tình hình thực tế và góp phần ngăn chặn tình trạng trên.
Đề xuất này đang nhận được sự đồng tình của số đông, bởi lâu nay, với chiêu trò thuê, mượn phụ tùng lắp vào phương tiện của mình rồi mang đi đăng kiểm, không ít chủ xe đã qua mặt được đăng kiểm viên dù thực tế nhiều bộ phận phụ tùng của phương tiện đã cũ, hỏng, không đảm bảo điều kiện an toàn để lưu thông trên đường.
Trên thực tế, hành vi thay đổi phụ tùng xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi đăng kiểm đã được liệt vào danh sách hành vi bị cấm trong Nghị định 100/2019. Nghị định này còn quy định cụ thể hình phạt đối với hành vi trên từ 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 8 - 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe vi phạm.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, bất chấp bị cấm, nhiều chủ phương tiện vấn cố tình đi thuê, mượn phụ tùng hòng qua mặt đăng kiểm viên. Chính bởi thế, việc luật hóa quy định trong Nghị định 100/2019 là cần thiết đề có thêm chế tài xử phạt không chỉ với chủ phương tiện mà ngay cả với gara ô tô cung cấp dịch vụ trên.
Không những thế, việc luật hoá hành vi thay đổi phụ tùng xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi đăng kiểm sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân, các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô biết được đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật, nếu thực hiện sẽ bị xử lý, từ đó, tăng tính răn đe.
Về phía Cục Đăng kiểm Việt Nam, cơ quan này cho biết đang nghiên cứu xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư này theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người dân, sẽ miễn lập hồ sơ thiết kế cải tạo một số hạng mục đơn giản để phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ trong kiểm định xe, tăng cường lưu trữ hình ảnh các bộ phận, linh phụ kiện của xe.
Theo đó, sẽ có hệ thống camera chạy dọc dây chuyền kiểm định, xe đi đến vị trí nào sẽ lập tức được lưu giữ hình ảnh ở vị trí đó, từ thân vỏ, buồng lái, gầm bệ với chất lượng ảnh sắc nét, từ đó có thể dễ dàng phát hiện xe độ không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi thuê, mượn linh kiện thay thế để qua mắt cơ quan kiểm định nhằm mục đích đăng ký kiểm định sẽ bị phạt từ 4 - 6 triệu với cá nhân và từ 8 - 12 triệu với tổ chức là chủ xe ô tô vi phạm. Trường hợp việc độ linh kiện xe dẫn đến xe hoạt động không đúng với chức năng ban đầu, điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả nghiêm trọng thì người điều khiển phương tiện độ linh kiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, BLHS 2015.