Nghiêm trị việc tung tin giả về dịch bệnh

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch, hàng loạt tin giả liên quan tới dịch Covid-19 vừa qua nổi lên càng khiến cộng đồng hoang mang. Một lần nữa, vấn đề chống tin giả lại được đặt ra.

Ma trận tin giả
Mới đây, ngày 17/8, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin “Ngõ 68 Đội Cấn có 1 F0 bị phong tỏa mà dân cứ cho trẻ con ra sân chung chơi. Giờ hơn 10 cháu từ 2 đến 10 tuổi bị F0. Đội Cấn phong tỏa mạnh”. Cùng đó là hình ảnh xe cứu thương và nhiều người mặc đồ bảo hộ phòng chống Covid-19.

Liên quan thông tin đăng tải trên mạng xã hội, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến khẳng định, nội dung thông tin là sai sự thật. Từ khi ngõ có F0 và bị phong tỏa, trong ngõ 68 Đội Cấn có 3 cháu bé dưới 10 tuổi là F0 chứ không phải hơn 10 cháu. Hình ảnh bên trong ngõ 68 Đội Cấn được theo dõi thường xuyên, bên trong khu vực này không có hiện tượng tập trung đông người. Việc phong tỏa, cách ly được thực hiện nghiêm theo quy định. Liên quan vụ việc, Công an quận Ba Đình đang vào cuộc xác minh, truy tìm kẻ tung tin giả.
 Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội xử phạt các cá nhân vi phạm cung cấp thông tin sai về PCD Covid-19. Ảnh: Ngọc Anh
Chiều 13/8, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC) phát hiện, nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán nội dung thông tin về “Quận 12 thông báo tiêm vaccine Trung Quốc, dân bỏ về hết”. Qua kiểm tra, xác minh từ cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, VAFC khẳng định nội dung thông tin trên là tin giả, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. VAFC khuyến cáo, người dân nên thận trọng, tỉnh táo, không tiếp nhận và chia sẻ các thông tin không chính thống trên mạng xã hội. Vụ việc đang được VAFC chuyển cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ngày 12/8 vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền thông tin lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chỉ đạo “không cho người dân di chuyển trong 7 ngày”. Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh khẳng định, đây là thông tin giả. Cơ quan chức năng đã khẩn trương xác định và xử lý đối tượng tung tin giả mạo trên theo đúng quy định của pháp luật.

Tỉnh táo trước thông tin giả

Trước tình trạng nhiều thông tin giả về tình hình dịch Covid-19 gây hoang mang dư luận, mới đây Bộ Công an đã hướng dẫn người dân các kỹ năng để nhận biết thông tin không đúng trên không gian mạng. Theo đó, Bộ Công an khuyến cáo người dân khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp chia sẻ, phát tán, bịa đặt thông tin sai sự thật, vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 đã bị xử phạt nghiêm minh, thậm chí có thể xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An cho rằng, khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn tin phi chính thống buộc chúng ta phải cảnh giác, đề phòng, đặc biệt không nên chia sẻ một cách tùy tiện, nếu không cẩn thận, ai cũng có nguy cơ mắc phải lỗi phát tán tin giả. Hãy tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, bình tĩnh trước những thông tin trên mạng xã hội, không vội bình luận và chia sẻ. Hãy theo dõi thông tin chính thống của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình thay vì tiếp cận với các nguồn thông tin phi chính thống. Mỗi cá nhân hãy có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội, có cách ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội, đề cao ý thức thượng tôn pháp luật. Thực hiện đúng Luật An toàn thông tin mạng, mọi hoạt động an toàn thông tin mạng của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

“Mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung tin giả, sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội từ 5 - 10 triệu đồng (đối với cá nhân), 10 - 20 triệu đồng (đối với tổ chức), quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Căn cứ theo Công văn số 45/TANDTC-PC của TAND Tối cao và Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, tùy theo mức độ từ việc đăng tin sai sự thật lên mạng mà đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền với mức phạt tối đa là 1 tỷ đồng hoặc phạt tù với mức phạt tối đa là 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm” - luật sư Phạm Thị Bích Hảo nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần