Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy-đào tạo phải được thực hiện với quyết tâm cao, có sự tiếp thu, quán triệt phương châm: “Kỷ cương, đồng bộ, đổi mới, hiệu quả".

Ngày 16/8, Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (19/8/1987 - 19/8/2017) đã được tổ chức tại Hà Nội,
Thay mặt Đảng ủy, Ban giám đốc, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chúc mừng và biểu dương những đóng góp, nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Những đóng góp này góp phần vào sự phát triển chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và sự nghiệp đổi mới đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1/1967).
Kỷ niệm 30 năm thành lập là dịp các thế hệ cán bộ của Viện ôn lại truyền thống tốt đẹp của mình, nhìn nhận một cách toàn diện, sâu sắc, khách quan hơn những thành tích đạt được, từ đó rút ra những kinh nghiệm quý thực hiện ngày càng có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao trong thời kỳ mới, với những yêu cầu ngày càng cao.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cần tập trung cụ thể hóa các nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, đặc biệt chú trọng công tác tham mưu, đưa vào thực tiễn các nội dung Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không ngừng đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đào tạo, trong đó gắn nghiên cứu với giảng dạy, lấy kết quả nghiên cứu để phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy.
Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy-đào tạo phải được thực hiện với quyết tâm cao, có sự tiếp thu, quán triệt phương châm: “Kỷ cương, đồng bộ, đổi mới, hiệu quả".
Cùng với đó, Viện coi trọng kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh ở trong và ngoài nước.
Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cần tích cực, chủ động trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của đơn vị, đặc biệt chú trọng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đội ngũ này phải đủ về số lượng, hội đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, phong cách làm việc; sâu về trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn, khoa học, sáng tạo về phương pháp, kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy.
Tiến sĩ Lý Việt Quang, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cho biết năm 1987, trước đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới và yêu cầu của công tác tư tưởng, lý luận, Trung ương Đảng đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 19/8/1987, Viện trưởng Viện Mác-Lênin đã ký quyết định số 577/QĐ-ML thành lập Viện nghiên cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh tụ khác của Đảng - cơ quan duy nhất của quốc gia có nhiệm vụ nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Đây là tiền thân của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Hiện nay, Viện có 24 cán bộ đang làm việc với cơ cấu trình độ là 6 phó giáo sư, tiến sĩ; 7 tiến sĩ; 6 nghiên cứu sinh; 2 thạc sĩ; 2 cử nhân. Viện đang đảm nhiệm chủ trì tất cả các loại đề tài từ cấp Nhà nước, Ban Bí thư giao đến cấp Bộ trọng điểm, cấp bộ, cấp cơ sở với những nội dung phong phú mang tính lý luận, thực tiễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Viện còn phụ trách giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh ở tất cả các hệ lớp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tham gia đào tạo cao học, nghiên cứu sinh Hồ Chí Minh học, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Sự trưởng thành và những thành tựu của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng Viện như: Huân chương Độc lập hạng Nhì và hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Ba; Bằng khen của Chính phủ.