TP Hồ Chí Minh:
Nghiên cứu xây dựng đường trên cao hai tầng kết nối sân bay Long Thành
Kinhtedothi - TP Hồ Chí minh đang nghiên cứu xây dựng tuyến đường trên cao 2 tầng kết nối TP Hồ Chí Minh với sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai)
Ngày 19/5, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Vương Quang Hưng cho biết, TP đang nghiên cứu phương án xây dựng tuyến đường trên cao hai tầng nhằm hình thành trục giao thông tốc độ cao, tối ưu hóa quỹ đất và giảm thiểu công tác giải phóng mặt bằng cho dự án cầu Phú Mỹ 2, tuyến kết nối chiến lược giữa khu Nam Sài Gòn và sân bay quốc tế Long Thành.
Theo ông Hưng, ý tưởng xây dựng đường hai tầng đang trong giai đoạn nghiên cứu sơ bộ và sẽ được cụ thể hóa trong thời gian tới.
“Giải pháp này tuy lần đầu được TP Hồ Chí Minh tiếp cận, nhưng đã được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả, điển hình như Trung Quốc” - ông Hưng nhấn mạnh.
Dự án cầu Phú Mỹ 2, do UBND TP Hồ Chí Minh làm cơ quan chủ quản, là một trong những công trình trọng điểm nhằm mở rộng liên kết vùng giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.

Phối cảnh tuyến đường trên cao được xây dựng 2 tầng. Ảnh: Sở Xây dựng
Tuyến đường có điểm đầu từ đường Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7), chạy về hướng Đông qua đường Hoàng Quốc Việt, Đào Trí, vượt sông Đồng Nai và kết nối với đường Liên Cảng, đường 25C tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), hướng tới sân bay Long Thành.
Theo kế hoạch, dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 16,7 km, bao gồm cả cầu và đường với quy mô 8 làn xe (trong đó 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ). Dự toán tổng mức đầu tư sơ bộ gần 21.500 tỷ đồng.
Do lộ giới hạn chế tại một số đoạn trên tuyến, đặc biệt là khu vực đường Hoàng Quốc Việt (Quận 7), phương án xây dựng đường trên cao hai tầng được xem là giải pháp hợp lý nhằm tăng năng lực thông hành, đồng thời hạn chế tác động đến các khu dân cư hiện hữu.
Trước đó, tại cuộc làm việc hồi tháng 4/2025, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai đã thống nhất giao Sở Xây dựng hai địa phương phối hợp rà soát, cập nhật vị trí cầu Phú Mỹ 2 và tuyến kết nối vào các đồ án quy hoạch liên quan.
Đồng thời, các Sở Xây dựng và Tài chính hai bên sẽ chủ trì đề xuất phương án đầu tư, bao gồm hình thức, nguồn vốn và tiến độ triển khai. Kế hoạch dự kiến hoàn tất trong quý III năm nay, nhằm trình thông qua chủ trương đầu tư trong quý IV/2025 và khởi công công trình vào năm 2027.
Theo nhận định của các chuyên gia hạ tầng, việc xây dựng đường trên cao nhiều tầng là giải pháp kỹ thuật hiện đại, giúp tận dụng hiệu quả không gian đô thị và giảm thiểu nhu cầu sử dụng đất, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Đồng thời, phương án này còn góp phần hạn chế tối đa việc giải tỏa, đền bù, bảo vệ sự ổn định của các khu dân cư hiện hữu.
Trước đó, TP Hồ Chí Minh cũng đã đề cập đến kế hoạch xây dựng 5 tuyến đường trên cao nhằm giải tỏa tình hình kẹt xe. Tuy nhiên, đến nay các dự án vẫn chỉ nằm trên giấy bởi hiện TP Hồ Chí Minh đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, các tuyến đường trên cao chưa được đầu tư trong giai đoạn này sẽ có một số tuyến sẽ thay đổi một chút so với dự kiến ban đầu và thực hiện sau khi điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, trong giai đoạn này, TP Hồ Chí Minh đang ưu tiên đầu tư những dự án trọng điểm liên vùng, cao tốc liên vùng, mang lại hiệu quả cao.

Bắc Ninh: phê duyệt dự toán điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng một số huyện
Kinhtedothi-UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có các văn bản về việc phê duyệt dự toán chi phí lập điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lương Tài và huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Huyện Phúc Thọ: quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp 34ha tại xã Hát Môn
Kinhtedothi - Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, huyện Phúc Thọ đã đưa vào quy hoạch phát triển cụm công nghiệp với quy mô 34ha tại xã Hát Môn.

Lạng Sơn: phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Đình Lập
Kinhtedothi- UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có Quyết định số 1419/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Đình Lập đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.