Nghiên cứu xây dựng trung tâm giao dịch nông sản công suất 3 triệu tấn/năm tại Quảng Ninh

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/12, Bộ NN&PTNT có cuộc làm việc với đại diện tỉnh Quảng Ninh liên quan đến dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Giao dịch nông lâm thủy sản châu Á Thái Bình Dương tại TP Móng Cái. Trung tâm giao dịch có quy mô khối lượng hàng hóa thông quan dự kiến khoảng 3 triệu tấn/năm.

Hàng hóa thông quan tại lối mở K3+4 Hải Yên (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).
Dự án Trung tâm Giao dịch nông lâm thủy sản châu Á Thái Bình Dương có vị trí tại khu vực lối mở Km3+4 Hải Yên (TP Móng Cái). Đây là địa điểm trung chuyển hàng hóa, nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, đã đi vào hoạt động từ tháng 3/2018. Khu vực tiếp giáp với cửa khẩu Đông Hưng được phê duyệt là 1 trong 16 trung tâm logistic lớn nhất của Trung Quốc. Cửa khẩu Đông Hưng cũng được nước bạn xác định là 1 trong 5 cửa khẩu nhập hoa quả chính yếu của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, tình trạng ùn ứ nông sản thời gian qua đặt ra bài toán cần phải có một tổ hợp có chức năng là chợ đầu mối thực hiện giao dịch, tập kết, bảo quản, sơ chế, bao gói phục vụ xuất khẩu trực tiếp sản phẩm nông nghiệp sang thị trường Trung Quốc. Đây cũng là điều kiện cần thiết để năng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu không có một trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản đa chức năng dễ dẫn đến tình trạng càng sản xuất, càng rủi ro lớn do hàng hoá bị ùn ứ như đang diễn ra tại các cửa khẩu. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung này.
Liên quan đến dự án Trung tâm Giao dịch nông lâm thuỷ sản châu Á Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành cho biết, Quảng Ninh có cửa khẩu trên bộ sát với thị trường rộng lớn Trung Quốc. Những năm qua, mạng lưới hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung, TP Móng Cái nói riêng đã được nâng cấp, đáp ứng đa dạng phương thức giao thương.
“Quảng Ninh cũng xác định Trung Quốc là thị trường lớn, nhưng hiện nay việc tiếp cận của thương nhân Việt Nam còn bị động. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, nước bạn kiểm soát dịch chặt chẽ, nếu không có tính toán để hoàn thiện hệ thống logistic thì khó có thể chủ động việc xuất khẩu và bảo đảm giá cả nông sản cho người nông dân...” - ông Phạm Văn Thành bày tỏ quan điểm.
Được biết, tiểu dự án Trung tâm Giao dịch nông lâm thủy sản châu Á Thái Bình Dương thuộc Dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) đã được Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh xin ý kiến Bộ NN&PTNT từ tháng 4/2021. Sau đó, Bộ NN&PTNT đã có văn bản về việc xem xét, tiến hành các thủ tục cần thiết để phê duyệt đề xuất Dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam vay vốn WB. Theo Bộ NN&PTNT, dự án này cũng phù hợp với mục tiêu và yêu cầu của Đề án “Phát triển hệ thống trung tâm cùng ứng nông sản hiện đại của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá việc xây dựng một trung tâm giao dịch nông lâm thuỷ sản với chức năng là chợ đầu mối là cần thiết, trong bối cảnh tiêu thụ hàng hoá chịu những rào cản ngày một lớn về tiêu chuẩn chất lượng cũng như dịch bệnh Covid-19 phức tạp trên toàn cầu. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và các bộ ngành liên quan sớm triển khai các bước xin ý kiến Chính phủ, tiến tới cụ thể hoá dự án trong thời gian tới.