Trong tương lai không xa, đây sẽ là giống cây chủ lực trên vùng đất bãi của huyện Ba Vì.
Hiệu quả kinh tế caoNhững năm gần đây, sản xuất ngô tại các địa phương trên địa bàn huyện Ba Vì không ngừng phát triển. Đặc biệt là đối với các xã ven sông đã tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên phù hợp, nên cây ngô được trồng quanh năm với diện tích trung bình 1.200ha/vụ. Tuy nhiên, với cơ cấu giống chủ yếu là các giống NK6654, LVN4, LVN61... dù cho năng suất, chất lượng, nhưng khả năng chống chịu sâu bệnh còn rất hạn chế là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của sản xuất ngô của Hà Nội nói chung và huyện Ba Vì nói riêng. Do đó, để khuyến khích người dân phát triển sản xuất và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là về công nghệ chuyển gen tạo ra các giống ngô mới kháng sâu bệnh, kháng thuốc trừ cỏ là hết sức quan trọng và cần thiết. Vụ Đông năm 2016 và vụ Xuân năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai xây dựng mô hình ngô biến đổi gen NK4300 Bt/Gt do Công ty Syngenta Việt Nam cung cấp với quy mô thực hiện 10ha tại xã Sơn Đà vào vụ Đông năm 2016 và 15ha tại xã Phú Châu vào vụ Xuân năm 2017.
|
Mô hình ngô biến đổi gen tại Ba Vì. |
Sau quá trình canh tác trên 2 vùng đất thuộc 2 xã khác nhau, kết quả cho thấy giống ngô biến đổi gen NK4300 Bt/Gt có nhiều ưu điểm vượt trội. Đặc biệt là khả năng chống chịu cao với thuốc trừ cỏ Glyphosate, từ đó giúp cho việc quản lý cỏ dại thuận tiện hơn. Sau khi phun thuốc trừ cỏ một lần duy nhất lên toàn bộ diện tích, cỏ được diệt trừ cơ bản đến khi thu hoạch. Điều này đã giúp cây ngô hấp thu hoàn toàn chất dinh dưỡng mà không bị cỏ dại cạnh tranh. Trong khi đó, các giống ngô thường phải làm cỏ bằng tay, nên việc quản lý cỏ dại không triệt để, cỏ dại vẫn tiếp tục tái sinh cạnh tranh thức ăn với ngô.
Qua so sánh từ giai đoạn trổ cờ đến khi thu hoạch cho thấy, ruộng trồng ngô biến đổi gen NK4300 Bt/Gt sinh trưởng, phát triển đồng đều, có bộ rễ khỏe mạnh, cây ngô to mập, số lá xanh trên cây dầy cứng và nhiều hơn. Trong khi đó, ruộng trồng ngô đối chứng thân cây nhỏ, lá đã khô vàng. Mặt khác, giống ngô biến đổi gen NK4300 Bt/Gt còn có ưu điểm vượt trội là không bị sâu đục thân suốt từ đầu vụ đến lúc thu hoạch, nên cho bắp to, dài, đóng hạt kín đầu bắp, có năng suất khoảng 7,2 tấn/ha, so với giống ngô đối chứng chỉ đạt 6,4 tấn/ha. Nếu tính giá bán như nhau thì lợi nhuận từ giống ngô biến đổi gen tăng từ 6,9 - 8,4 triệu đồng/ha. Như vậy, năng suất đã cho cao hơn khoảng 15% so với các giống ngô trước đây.
Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì Trần Đức Tĩnh cho biết: “Qua khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen ở 2 xã và ở 2 vụ khác nhau cho thấy, giống ngô NK4300 Bt/Gt hoàn toàn phù hợp với khí hậu và chất đất ở Ba Vì, nên cây ngô sinh trưởng và phát triển tốt. Giống ngô đã thể hiện rõ nhiều ưu điểm vượt trội nổi bật so với giống ngô đối chứng. Đặc biệt, việc sử dụng giống ngô ngày sẽ giúp giảm thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm mỗi trường và đảm bảo sức khỏe cho người nông dân tham gia sản xuất”.
Nông dân tin tưởngTheo Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Châu Nguyễn Văn Nhượng, vụ Đông năm nay, Phú Châu đã gieo trồng 27ha giống ngô NK4300 Bt/Gt trên vùng đất bãi của địa phương. Sau khi hoàn thành việc gieo trồng, đến nay, cây ngô đều sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Nhượng cho biết thêm, kể từ khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì triển khai thí điểm mô hình “Trồng ngô biến đổi gen” vào vụ Xuân năm 2017, xã viên đã được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, được cung cấp về giống, phân bón với một giống ngô mới cho chất lượng cao. Từ những hiệu quả mà mô hình ngô biến đổi gen đem lại, hiện nay 100% các hộ dân ở Phú Châu đều trồng giống ngô này.
Đồng quan điểm, ông Trương Quốc Toán - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đan Thê, xã Sơn Đà cũng khẳng định những ưu điểm của giống ngô biến đổi gen NK4300 Bt/Gt. Theo ông Toán, giống ngô này giúp cho người dân giảm thiểu rất nhiều công lao động trong quá trình sản xuất. Hơn hết, chất lượng giống ngô mới này đem lại cao hơn, được các thương lái ưa chuộng hơn bởi độ đồng đều và bóng mẩy của hạt, nhờ đó người nông dân vừa bán được giá, lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hiện tại, người dân vẫn còn một khó khăn là giá thành giống ngô biến đổi gen này còn khá cao so với các giống cũ. “Tôi cũng như những người dân ở Sơn Đà mong muốn Trung tâm Khuyến nông có nhiều chương trình khuyến nông hơn nữa để hỗ trợ bà con nông dân. Qua đó, đưa nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất để nâng cao nhận thức cho người nông dân góp phần cải thiện cuộc sống” - ông Toán nói.
Là một hộ trực tiếp trồng và chăm sóc ngô biến đổi gen, chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Phú Xuyên, xã Phú Châu hiểu rõ hơn ai hết về hiệu quả kinh tế cũng như tiềm năng của giống ngô này. Chị Hoa chia sẻ, gia đình chị được tham gia trồng thí điểm ngô từ vụ Xuân năm 2017. Sau quá trình theo dõi, chăm sóc rồi đến lúc thu hoạch, chị đã rất ngạc nhiên bởi năng suất của giống ngô này đem lại thực sự rất cao. “Đặc biệt là từ khi trồng đến lúc thu hoạch, chúng tôi không tốn nhiều công chăm sóc như các giống ngô khác, nên giảm được rất nhiều chi phí. Vụ Đông năm nay, gia đình tôi tiếp tục trồng 5 sào ngô biến đổi gen này”, chị Hoa cho biết thêm.
Không chỉ các xã Phú Châu và Sơn Đà, với những ưu điểm như trên, giống ngô biến đổi gen NK4300 Bt/Gt đang dần được người dân ở các xã lân cận ưa chuộng và đưa vào sản xuất. Theo nhận định, chỉ trong thời gian ngắn nữa, giống ngô biến đổi gen NK4300 Bt/Gt sẽ trở thành giống cây chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn ở Ba Vì.
Ban đầu, việc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật của một số hộ dân còn hạn chế, nên khi trồng đã không bón phân, không vun gốc ngay phần nào đã ảnh hưởng đến tác dụng của phân bón. Cùng với đó, người dân còn băn khoăn về giống và chất lượng giống ngô đem lại. Thế nhưng, sau quá trình canh tác và hiệu quả thực tế thì nhận thức của người dân trong xã đã thay đổi. Họ tin tưởng vào giống ngô biến đổi gen này bởi hiệu quả đã đem lại. Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Châu Nguyễn Văn Nhượng
Thực tế cho thấy, năng suất và chất lượng của giống ngô biến đổi gen NK4300 Bt/Gt là rất cao, đặc biệt phù hợp với đất và khí hậu của huyện Ba Vì. Hiện nay, huyện cũng đang xây dựng cơ chế hỗ trợ về giống cho người nông dân để mở rộng diện tích gieo trồng. Cùng với đó, huyện sẽ đề nghị Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục hỗ trợ nông dân về kỹ thuật và đưa các giống mới cho năng suất cao hơn nữa để giúp người dân huyện Ba Vì phát triển kinh tế từ nông nghiệp một cách bền vững. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần |