Mặc dù các chuyên gia dịch tễ khẳng định loại hóa chất này không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng tại Hà Nội cũng như cả nước đã xảy ra nhiều trường hợp bị ngộ độc khi hít phải thuốc diệt muỗi. Để đảm bảo an toàn, người dân cần tuân thủ đúng khuyến cáo của ngành y tế khi thực hiện phun hóa chất.
Sau khi thực hiện chiến dịch phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng tại địa bàn thôn Lưu Phái (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì), Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hà Nội đã ghi nhận 5 trường hợp bị ngộ độc loại hóa chất này. Trước đó, Trạm Y tế xã đã đọc loa thông báo yêu cầu người dân sơ tán người già và trẻ nhỏ tránh xa khỏi khu vực phun thuốc nhưng nhiều người vẫn chủ quan. Như trường hợp của cụ Trần Văn Hiệp (75 tuổi), mặc dù đã đứng cách khu vực phun thuốc khoảng 100m nhưng do bản thân mắc bệnh hen phế quản nên khi ngửi thấy mùi thuốc, cụ đã bị sốc, khó thở, nôn ọe rồi xỉu dần, người thân phải đưa đi cấp cứu.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Loan đã rời khỏi nhà khi đội phun hóa chất đến làm việc. Tuy nhiên, khi đội phun vừa bước ra khỏi cổng, chị lại ùa vào để kiểm tra nhà cửa, bị mùi thuốc sộc vào mũi gây kích ứng, ho sặc sụa. Ngay sau đó, chị phải đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Ngoài 2 trường hợp này, chỉ trong một buổi sáng phun thuốc diệt muỗi tại thôn Lưu Phái cũng đã ghi nhận 3 trường hợp bị ảnh hưởng do hít phải hóa chất, được sơ cứu ngay tại hội trường thôn. Cả 3 trường hợp này đều là những người có tiền sử bệnh hen phế quản nhưng lại chủ quan đứng gần khu vực phun hóa chất.
Không để người già, trẻ nhỏ ở gần khu vực phun thuốc là điều mà ngành y tế đã khuyến cáo trong mỗi đợt phun thuốc dập dịch. Vậy nhưng, nhiều người dân vẫn “coi nhẹ” điều này dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Đề cập đến vấn đề này, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ sử dụng là thuốc hàng đầu, thuộc thế hệ mới nhất và đã qua thử nghiệm ở cả 3 miền cho kết quả an toàn. Hiện, các nước trên thế giới cũng đang sử dụng loại thuốc này. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, cần sơ tán người già và trẻ nhỏ ra khỏi khu vực phun thuốc.
Mặc dù đến thời điểm hiện tại, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc nặng nào do thuốc diệt muỗi gây ra. Tuy nhiên, tại các lần phun hóa chất diện rộng trên địa bàn vẫn xuất hiện một vài trường hợp bị kích ứng nhẹ. Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khẳng định, phun thuốc phòng chống dịch SXH là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương nhưng có hiệu quả tối đa. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian, nên người dân không nên quá lo lắng về ảnh hưởng của thuốc tới sức khỏe. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người dân không nên vào nhà khi vừa phun thuốc, cần chờ cho thuốc khô khoảng 30 phút đến 1 tiếng mới vào nhà. Với một số người có bệnh đường hô hấp hoặc trẻ nhỏ dễ bị kích ứng (có thể bị ho) thì nên tránh ra ngoài lâu hơn từ 2 - 3 tiếng.
Cũng theo ông Cảm, thời tiết Hà Nội đang dần chuyển lạnh, số ca mắc SXH trên địa bàn có chiều hướng giảm nhưng trong thời gian tới, các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi phòng SXH vẫn sẽ được TP duy trì để có thể dập dịch hoàn toàn. Ông Cảm khuyến cáo, để dập được dịch SXH, người dân cần đồng loạt chung tay phòng bệnh. Nếu chỉ một hộ gia đình phun thuốc, có ý thức diệt lăng quăng, bọ gậy nhưng xóm ngõ vẫn để nhiều phế thải đọng nước mưa, các hộ gia đình khác không có ý thức phòng bệnh thì đàn muỗi mang mầm bệnh vẫn bay từ nhà này qua nhà khác và truyền bệnh.
Phun thuốc diệt muỗi tại một hộ gia đình huyện Thanh Trì. Ảnh: Trần Nga
|