“Ngó lơ” tin tốt, cổ phiếu ngân hàng bất động

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hôm nay, áp lực bán gia tăng và lan rộng trên thị trường, đặc biệt hướng vào nhóm công ty chứng khoán. Nhóm ngân hàng, dù giữa mùa Đại hội cổ đông, liên tục đón nhận tin tức mới, có tính hỗ trợ, nhưng diễn biến vẫn không mấy tích cực.

Cổ phiếu đi lùi

Kết phiên 25/4, VN-Index xác lập phiên thứ 3 liên tiếp giảm điểm về mức 1.034,85 điểm. HNX-Index giảm 2.07 điểm (1%) xuống 204,69 điểm. Khối ngoại bán ròng 136 tỷ đồng, tập trung vào VIC, STB, BMP, VNM...

Dù có nhiều tin tốt hỗ trợ, cổ phiếu ngân hàng vẫn diễn biến không mấy tích cực (Trong ảnh: Giao dịch tại KienLongBank)
Dù có nhiều tin tốt hỗ trợ, cổ phiếu ngân hàng vẫn diễn biến không mấy tích cực (Trong ảnh: Giao dịch tại KienLongBank)

Hôm nay, loạt ngân hàng tiếp tục tổ chức ĐHCĐ gồm Sacombank, PGBank và MB. Trong ngày Đại hội, cổ phiếu STB của Sacombank giảm tới 2%. Một số mã khác có mức giảm khá sâu gồm LPB giảm 2,2%, HDB giảm 2,1%, MSB giảm 2%.

Kienlongbank của KLB, VPB của VPBank cũng giảm trên dưới 1%. Tuần trước, 26/27 cổ phiếu ngân hàng đi lùi. Một số cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn khác như CTG, VCB, TCB, BID chịu áp lực ít hơn khi mức điều chỉnh đều dưới 2%. Thanh khoản toàn ngành giảm đáng kể trong tuần qua khi chỉ có 600 triệu cp được giao dịch, thấp hơn 26% so với tuần trước đó; giá trị giao dịch tương đương ở mức 11.387 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, tại cuộc họp toàn ngành về tăng trưởng tín dụng giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại chiều 25/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã gọi tên và yêu cầu một số ngân hàng có lãi suất cho vay cao giải trình. Ông Tú cho biết, báo cáo cho thấy, lãi suất cho vay bình quân của một số ngân hàng vẫn cao. Lãi bình quân đến nửa đầu tháng 4/2023 có ngân hàng lên đến gần 15%, 12%, 13,25%,... “Vì sao, lãi suất bình quân cao thế này? Có những ngân hàng như Kienlongbank, hệ số chênh lệch độc lập lên đến 9,9%”- ông Tú nói.

Từ đầu cầu Kiên Giang, đại diện KienLongbank cho hay, ngân hàng chấp hành các quy định của Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất đầu vào để tạo nguồn vốn cho hoạt động. “Mức huy động của Kienlongbank theo đúng quy định. Lãi suất đầu ra phụ thuộc vào lãi suất đầu vào để đảm bảo giao dịch của Ngân hàng Kiên Long ổn định. Còn tăng trưởng tín dụng quý 1 không cao do khách hàng của KienLongbank chủ yếu vay nhỏ lẻ, khách hàng khó khăn, thu hẹp sản xuất kinh doanh nên khách hàng mới hạn chế. Mặt khác, kết thúc vụ Đông Xuân, nên thời điểm này người dân trúng mùa trúng giá nên tập trung trả nợ khiến dư nợ giảm sút. Quý 2, ngân hàng sẽ tiếp tục tái đầu tư, cung cấp vốn dần để khôi phục tái sản xuất cho nông nghiệp, nông thôn cũng như các cơ sở kinh doanh”- đại diện Kienlongbank cho biết.

Thận trọng nối dài

Bên cạnh nhóm ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán cũng bị chốt lời với mức giảm khá mạnh so với thị trường chung, một số cổ phiếu nằm sàn. CTS, VDS, ORS, AGR giảm hết biên độ, khớp từ hơn 2 triệu đến hơn 4 triệu đơn vị, FTS -5,4% xuống 26.350 đồng, BSI -4,8% xuống 27.800 đồng, VCI -3,7% xuống 30.000 đồng, HCM -3% xuống 24.600 đồng, VIX -2,7%, VND -2,3%, với VIX và VND khớp lệnh hàng đầu khi có 14,2 triệu và 13,4 triệu đơn vị. Cả nhóm chứng khoán không có cổ phiếu nào giữ được sắc xanh. Đây là phiên điều chỉnh mạnh của các cổ phiếu khoán sau chuỗi phiên tăng tốt.

Chứng khoán SHS nhận định, theo góc nhìn ngắn hạn, VN-Index vẫn có thể trở lại xu hướng tăng nếu chỉ số này có những nỗ lực phục hồi trong các phiên tới, trong trường hợp thị trường tiếp tục xấu đi thì khả năng duy trì xu hướng tăng ngắn hạn sẽ không còn được duy trì.

Trong ngắn hạn, rủi ro mất kênh tăng đang gia tăng nhưng không quá bi quan bởi thị trường vẫn đang duy trì được xu hướng tích lũy trung hạn chặt chẽ.

Chứng khoán Tiên Phong thì cho rằng, sự thận trọng trên thị trường tiếp tục nối dài sau khi VN-Index rơi khỏi mức 1.050 điểm. Cụ thể, chỉ số chung liên tục duy trì xu hướng đi xuống trong biên độ hẹp cùng thanh khoản biến động dưới mức trung bình 20 phiên, phản ánh lực cầu suy yếu trong bối cảnh chỉ số đã tìm về vùng chiết khấu thấp hơn.