Kinhtedothi - Ngày 28/10, 27 mẫu linh vật Việt với rất nhiều hình tượng tiêu biểu như rùa, long mã, rồng, kỳ lân, ngựa có cánh… được giới thiệu tại phòng trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
Sau cuộc chiến loại bỏ linh vật ngoại lai năm 2014, đây là lần đầu tiên kho tàng nghiên cứu về hình tượng linh vật Việt được mở ra, bổ sung cho sự đơn điệu đang hình thành trong chế tác của nhiều nhà mỹ thuật đương đại.
Những câu chuyện văn hóa
Trong không gian trưng bày khoảng 200m2, những hình tượng linh vật Việt như chim lạc, rồng, kỳ lân, rùa, phượng, long mã, tích tà, tiêu đổ, thao thiết, bổ lao, si vẫn, chim thần Garuda, cá hóa rồng, hạc, uyên ương, voi và 12 con giáp… lần lượt được giới thiệu đến công chúng.
Theo ông Nguyễn Văn Đoàn – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam: “Mỗi linh vật trong quá trình hình thành, phát triển vừa thể hiện bản sắc riêng phù hợp với truyền thống văn hóa, vừa mang đặc điểm, phong cách nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kỳ lịch sử. Chính vì vậy, đi kèm với việc trưng bày cũng là những câu chuyện văn hóa có liên quan được giới thiệu”.
Đặc biệt, trưng bày chuyên đề lần này còn thí điểm ứng dụng công nghệ trình chiếu, tương tác 3D một số hiện vật đặc sắc nhưng không có điều kiện thể hiện bằng hiện vật. Bên cạnh đó, triển lãm trưng bày nhiều bảo vật quốc gia như: Tượng rồng vàng thời Nguyễn thế kỷ XIX - XX hay tượng rồng trên ấn vàng Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo. Ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết: “Những hiện vật này có thể là bảo vật quốc gia trong tương lai”.
Giao thoa hay ngoại lai?
Nếu không có lần trưng bày này, ít ai biết được rằng cá hóa rồng là một loại hình linh vật ở Việt Nam xuất hiện phổ biến ở thời Trần và thời Lê sơ (từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV). Ngựa có cánh là biểu tượng linh vật thời Mạc và Lê Trung Hưng. Tuy nhiên, bên cạnh những linh vật thuần Việt như nghê, 12 con giáp… phía những nhà nghiên cứu cũng thừa nhận 27 mẫu linh vật Việt lần này có nhiều hình tượng đã được phát triển dựa trên sự giao thoa văn hóa như tượng bò thần Nandin, chim thần Garuda…
Để giảm tránh tình trạng nhầm lẫn linh vật ngoại lai, TS Nguyễn Văn Đoàn giải thích: “Chúng tôi đã có sự tham chiếu, tham khảo hồ sơ, tài liệu liên quan, việc lựa chọn các hiện vật có sự suy nghĩ thận trọng, trên cơ sở ý kiến của các hội đồng và chuyên gia, trưng bày lần này là những linh vật đặc sắc của Việt Nam”.
Trong bộ sưu tập linh vật Việt lần này đặc biệt gây tranh cãi với hình tượng sư tử. Nhiều ý kiến cho rằng, sư tử đá canh cổng không phải là linh vật Việt. Đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho hay, sư tử có trong nghệ thuật tạo hình của Việt Nam, tuy nhiên trước đó đã được truyền vào nước ta thông qua con đường Phật giáo. Sở dĩ vẫn còn ý kiến đó là do hình tượng này thường được đặt gác đền ở Điện Thái Hòa (Bắc Kinh).
Ở Việt Nam, sư tử vẫn được đặt gác cổng lăng và có phong cách nghệ thuật riêng. Hình tượng sư tử sớm nhất được biết hiện nay bắt đầu từ thời Lý, chủ yếu trong nghệ thuật Phật giáo. Theo thời gian, đặc biệt từ thời Trần – Lê sơ, hình tượng sư tử xuất hiện dày đặc trên nhiều loại hình nghệ thuật, vô cùng đa dạng về đặc điểm hình dáng.
Để minh chứng cho việc sư tử đá là một mẫu linh vật Việt, những người làm công tác nghiên cứu đã giới thiệu đến công chúng các hiện vật: đầu sư tử, đất nung, ổ bệ tượng Phật chạm hình sư tử chầu ngọc, đá, thời Lý; mảnh bình trang trí sư tử hí tiền, gốm, thời Lê sơ; lư hương chân đắp nổi mặt sư tử, gốm, thời Mạc, ấn có núm hình sư tử thời Nguyễn…
Triển lãm linh vật Việt tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang được đánh giá là triển lãm công phu nhất về cả loại hình đến hình thức thể hiện các mẫu linh vật Việt. Triển lãm kéo dài từ 28/10 đến khoảng tháng 2 năm 2016.
Du khách tham quan một số mẫu linh vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam sáng 28/10. Ảnh: Phạm Hùng
|