Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngoại trưởng Qatar: Yêu cầu của các nước Ả Rập là "không thể chấp nhận được"

Nguyễn Phương (Theo RT, CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kênh truyền hình Al Jazeera dẫn lời Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani ngày 27/6 chỉ trích các yêu sách của 4 quốc gia vùng Vịnh yêu cầu Doha thực hiện là thiếu thực tiễn và “không thể chấp nhận được”.

Ngày 27/6, kênh truyền hình Al Jazeera trích dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani khẳng định các yêu cầu của các nước khối Ả Rập đặt ra đối với Doha là thiếu thực tiễn, không khả thi và “không thể chấp nhận được."
Ngoại trưởng Al Thani cho biết Qatar nhất trí với quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng các điều kiện được đặt ra để giải quyết mâu thuẫn cần phải hợp lý.
Tuyên bố của Bộ trưởng Al Thani được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir tái khẳng định quan điểm không nhượng bộ của Riyadh.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh giữa Qatar và các nước Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã kéo dài hơn 3 tuần qua và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thực hiện nỗ lực nhằm giải quyết căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh, ngày 27/6, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani tại thủ đô Washington.
 Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên với người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani tại Washington. Ảnh: Reuters
Ông Tilelrson cũng gặp Bộ trưởng Bộ nội vụ và Quyền Bộ trưởng Bộ Tư pháp Kuwait Sheikh Mohammad Abdullah Al-Sabah.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert ngày 27/6 cho biết, trong cuộc gặp gỡ, các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định tính cần thiết nhằm kiềm chế các mâu thuẫn giữa các quốc gia vùng Vịnh.
“Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu các bên trao đổi mở và tìm hướng tốt nhất hóa giải mâu thuẫn vùng Vịnh”, người phát ngôn Nauert nói.
Nhận định về lập trường cứng rắn của Ả Rập Saudi, Ngoại trưởng Tillerson bày tỏ hy vọng tất cả các bên liên quan trong tình hình căng thẳng vùng Vịnh sẽ tiếp tục đối thoại với nhau theo tinh thần thiện chí.

Ngày 5/6, Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập đã đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và cáo buộc nước này ủng hộ các chiến binh Hồi giáo.
Sau đó các nước vùng Vịnh đã đưa ra một "tối hậu thư", bao gồm 13 yêu sách, trong đó yêu cầu Doha đóng cửa một căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera và giảm quan hệ với Iran. Qatar phủ nhận cáo buộc chống lại họ và cho rằng các yêu cầu nhằm mục đích hạn chế chủ quyền của nước này.