Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

 Ngôi làng 90% người may áo dài là đàn ông

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hà Nội vừa có 5 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghề may Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa. Có một điều đặc biệt, gần 90% số người làm may vá trong làng Trạch Xá là đàn ông.

“Nam nhi sinh ra để may

Ở làng Trạch Xá (Ứng Hoà), trước đây có một quy tắc bất di bất dịch là chỉ truyền nghề cho con trai. Người dân làng nghề thường nói “nam nhi sinh ra để may” vì thực tế là trong nghề may những khâu cắt tỉa, tạo mẫu chủ yếu là đàn ông thực hiện.

Nghệ nhân Lê Văn Thuỳ trong quá trình làm áo dài Trạch Xá. Ảnh: Minh An
Nghệ nhân Lê Văn Thuỳ trong quá trình làm áo dài Trạch Xá. Ảnh: Minh An

Theo các cụ trong làng cho biết việc truyền nghề cho con gái đi lấy chồng sẽ mang bí quyết nghề may truyền ra ngoài. Thêm vào đó, ngày xưa đường sá đi lại khó khăn, kinh tế chưa phát triển, khách may quần áo, trang phục chưa nhiều. Những bộ trang phục truyền thống như áo dài tứ thân, ngũ thân thường chỉ được may để mặc khi có lễ hội hoặc những dịp quan trọng buộc người làng Trạch Xá phải đi khắp nơi để làm nghề.

Vì vậy, sau khi “khai kim, khai kéo” vào dịp đầu năm, những người đàn ông khỏe mạnh trong làng nghề lại tay nải, hòm đồ gồng gánh đi xa chỉ trở về làng trong ngày giỗ tổ làm lễ tổ nghề, ăn Tết với gia đình. Do đó, người phụ nữ làm công việc đồng áng, chăm lo cha mẹ, con cái và quán xuyến nhà cửa. Điều này lý giải cho việc ở làng Trạch Xá nam giới lại thạo nghề kim chỉ cắt may nhiều hơn nữ giới.

90% số người làm may vá trong làng Trạch Xá là đàn ông. Ảnh: Minh An
90% số người làm may vá trong làng Trạch Xá là đàn ông. Ảnh: Minh An

Có một điểm đặc trưng khác, làng nghề Trạch Xá là làng nghề khâu tay dọc, trong khi hầu hết nơi khác là khâu tay ngang. Theo kinh nghiệm của những nghệ nhân trong làng kỹ thuật may tay dọc có điểm tì kim khỏe và tạo nên tốc độ đưa mũi kim may nhanh, đều và đẹp mắt.

Ngoài ra, kỹ thuật khâu kim tay dọc giúp cho người thợ giấu được các đường kim, mũi chỉ ở dưới bên trong đường khâu khác với khâu kim tay ngang thường bị lộ mũi chỉ ở phía bên trong của vạt áo. Với kỹ thuật này, người Trạch Xá đã khâu giấu hoàn toàn đường kim mũi chỉ vào phía bên trong.  Người thợ làng Trạch Xá luôn thuộc lòng câu khẩu quyết: “Trong thì dán hồ, ngoài thì phô trứng nhện” đây là bí quyết kinh nghiệm khâu may gia truyền để tạo nên những sản phẩm đẹp.

Đổi thay, phát triển nghề truyền thống

Nằm trên vùng đất không xa đô thị nhưng vẫn còn nguyên dáng dấp của làng quê Việt Nam, Trạch Xá thanh bình với những hồ sen đẹp, khung cảnh nên thơ và con người chất phác, cần cù, siêng năng lao động sản xuất.

Áo dài Trạch Xá được lan toả đi nhiều tỉnh, TP, được lựa chọn làm trang phục tham gia các sự kiện trình diễn thời trang lớn. Ảnh: Minh An
Áo dài Trạch Xá được lan toả đi nhiều tỉnh, TP, được lựa chọn làm trang phục tham gia các sự kiện trình diễn thời trang lớn. Ảnh: Minh An

Ngày nay phụ nữ, kể cả ở nơi khác về làng làm dâu cũng được truyền nghề. TP Huế có một ngôi làng mang tên Phó Trạch là do người dân Trạch Xá vào truyền dạy nghề may. Thời kỳ kinh tế thị trường, người Trạch Xá đã thay đổi tư duy khi truyền dạy nghề cho rất nhiều người nơi khác để nghề may nói chung và nghề may áo dài nói riêng phát triển.

Với các tỉnh, thành trong cả nước, chỉ tính riêng ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc đã có tới trên 30 cửa hàng may áo dài của người Trạch Xá có thể kể đến: Áo dài Tiến Đạt Trạch Xá, Áo dài Tuấn Hằng, Áo dài Vinh Trạch, Áo dài Thanh Châu... (Hà Nội); Áo dài Nghĩa Trạch, Minh Hạnh (Lạng Sơn); Áo dài Quang Toàn (Thái Bình); Nhà may Xuân Hiển (Hà Giang); Áo dài Quang Thiện (Hưng Yên)... Làm nghề, sinh sống bằng nghề, những người con làng Trạch Xá đã và đang từng bước khẳng định thương hiệu của nghề may và nghề may áo dài Trạch Xá đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền chia sẻ: Trong dòng chảy của lịch sử, vị trí, thương hiệu của nghề may Trạch Xá đã được khẳng định qua ngàn năm lịch sử. Qua bao biến thiên, thời nào làng nghề cũng có nghệ nhân thợ giỏi. Lớp trước dạy lớp sau, tre già măng mọc, lớp trước yêu nghề ra sao thì lớp trẻ kế cận cũng yêu nghề như thế, lại thêm sự năng động, sáng tạo của thế hệ trẻ, mà nghề may ở Trạch Xá dù ở phố hay ở làng vẫn giữ được nhịp điệu sôi động.

Theo Phòng VH&TT huyện Ứng Hoà: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 19 DN ngành may, với khoảng gần 2.000 lao động. Liên đoàn Lao động huyện Ứng Hòa thường xuyên phát động phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” và tổ chức thi công nhân giỏi trong khối DN để lựa chọn công nhân tiêu biểu xuất sắc đề nghị tuyên dương danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”.