“Ngôi nhà chung” qua lăng kính phóng viên quốc tế

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - SEA Games 31 là Đại hội thể thao cho các vận động viên 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á tranh tài để giành thành tích cao nhất, tỏa sáng tài năng. Công tác truyền thông cho các sự kiện diễn ra tại SEA Games 31 đã được đẩy mạnh trong suốt thời gian qua.

Thông qua đó, sẽ giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đến bạn bè quốc tế. Trung tâm báo chí chính (MPC) và Trung tâm truyền hình quốc tế (IBC) phục vụ SEA Games 31 "đóng đô" tại Hà Nội được coi là ngôi nhà của phóng viên tại SEA Games 31.

Trung tâm báo chí phục vụ SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú
Trung tâm báo chí phục vụ SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú

Để phục vụ cho SEA Games 31, Trung tâm báo chí, trung tâm truyền hình quốc tế được xây dựng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia và chính thức đi vào hoạt động đến hết ngày 23/5.

Trung tâm có khả năng phục vụ khoảng 600 phóng viên trong và nước ngoài làm việc cùng lúc. Trong đó, Trung tâm báo chí có đầy đủ các phòng chức năng đáp ứng nhu cầu tác nghiệp, sản xuất tin, bài của phóng viên trong nước và quốc tế. Ban Tổ chức đã bố trí 40 bàn với 40 máy tính laptop kết nối internet, hệ thống tai nghe phiên dịch 6 kênh.

Bên cạnh đó, còn có hệ thống 6 màn hình nhỏ và 2 màn hình lớn xung quanh, truyền hình trực tiếp các môn thi đấu. Các nút mạng internet tốc độ cao kết nối máy tính của phóng viên, hệ thống phát sóng wifi, 5G cũng được triển khai đồng bộ.

Trưởng ban biên tập Tin đối ngoại của Hãng thông tấn Campuchia (AKP) Chea Vannak đã tới tham quan, khảo sát kinh nghiệm tổ chức hoạt động của Trung tâm báo chí và Trung tâm truyền hình quốc tế, chuẩn bị để thực hiện nhiệm vụ của hãng thông tấn chủ nhà khi Campuchia tổ chức SEA Games 32.

Ông Chea Vannak cho biết, đã theo dõi lễ khai mạc SEA Games 31 và rất ấn tượng với công tác tổ chức tỉ mỉ, công phu, đầy sáng tạo của nước chủ nhà. Phần trình diễn nghệ thuật không chỉ làm nổi bật bản sắc văn hóa của Việt Nam, còn toát lên tinh thần đoàn kết, chung tay đóng góp của toàn ASEAN “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.

Ông Chea Vannak đã 2 lần đến Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên ông đến TP Hà Nội, trước đó là TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Ông nhận thấy con người Hà Nội thân thiện, cởi mở và hiếu khách.

Sau thời gian chống dịch khá dài trong khoảng 2 năm, Việt Nam ít có cơ hội để đón các bạn bè quốc tế, nhất là báo chí các nước đến trực tiếp tham dự các sự kiện và trải nghiệm cuộc sống cũng như tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam. Do đó, ngoài việc tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp SEA Games 31 theo chương trình tại Trung tâm báo chí chính và Trung tâm truyền hình quốc tế, Ban Tổ chức SEA Games cũng phối hợp với Tiểu ban Thông tin Truyền thông và Bộ VHTT&DL, TP Hà Nội giúp phóng viên nước ngoài tìm hiểu thêm về Việt Nam như tham gia các tour du lịch miễn phí, tham quan những danh lam thắng cảnh đặc sắc tại Hà Nội cũng như các tỉnh, TP có tổ chức các môn thi đấu.

Ratchannipong Vorasarin cũng chia sẻ thêm, mỗi lần trở lại, anh đều thấy rất nhiều công trình hiện đại được hoàn thiện, qua đó thấy Việt Nam đang phát triển đổi thay rất nhanh. Phố phường Hà Nội cũng trở nên nhộn nhịp hơn vào những ngày này, cờ, hoa và các pano, áp phích quảng bá SEA Games 31 xuất hiện trên nhiều tuyến phố trung tâm Thủ đô. Người dân Hà Nội cũng luôn hiếu khách để lại ấn tượng của một TP hòa bình và điểm đến lý tưởng trong con mắt của các phóng viên nước ngoài.