Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngôi nhà đặc biệt của các bạn trẻ khiếm thính

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình quán cafe đặc biệt với các nhân viên phục vụ đều là người khiếm thính bẩm sinh đang ngày càng quen thuộc hơn, thu hút nhiều khách hàng ghé thăm. Việc thành lập quán cafe theo mô hình này không chỉ đem lại trải nghiệm mới mẻ mà còn có thông điệp ý nghĩa đằng sau.

Không gian quán cafe kết hợp với xưởng thủ công tại KymViet.
Không gian quán cafe kết hợp với xưởng thủ công tại KymViet.

Quán cafe gọi món “bằng tay”

Chị Hoàng Thị Thu Thuỷ, 31 tuổi, quản lý và phụ trách về mảng marketing của quán cafe Flow-ee (Thể Giao, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ về mục tiêu thành lập quán: “Flow-ee được thành lập bởi một nhóm các bạn làm việc trong nhiều lĩnh vực xã hội, thậm chí có cả người khuyết tật nên phần nào hiểu được những khó khăn mà người khuyết tật gặp phải. Ngoài ra, với mong muốn giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng dễ dàng hơn, chúng mình lên ý tưởng với Flow-ee trong vòng 4 tháng”.

“Mình dạy các bạn cách thức pha chế, các bạn dạy mình ngôn ngữ ký hiệu. Nhiều khi cũng nghĩ tới chuyện bỏ cuộc vì thấy sao mà khó quá, phải học nhiều thứ mới quá! Nhưng, nghĩ tới mục đích ban đầu là tạo một môi trường giúp các bạn hòa nhập cộng đồng cũng như thể hiện và nâng cao năng lực nên bọn mình quyết tâm gây dựng nên Flow-ee” - Chị Thuỷ chia sẻ thêm.

Lưu ý khi khách hàng muốn gọi đồ uống được đặt tại quầy thu ngân tại Flow-ee.
Lưu ý khi khách hàng muốn gọi đồ uống được đặt tại quầy thu ngân tại Flow-ee.

Tọa lạc trên đường Trung Văn, Hà Nội, tổ hợp KymViet Space vừa là quán cafe, vừa là xưởng sản xuất đồ thủ công với các sản phẩm được làm ra từ bàn tay của những bạn trẻ khiếm khuyết. Không gian quán cafe đồng thời cũng là nơi trưng bày các sản phẩm thủ công đặc biệt này.

Cô Nguyễn Thị Đính, 57 tuổi, chịu trách nhiệm quản lý chung các công việc tại KymViet, nói rằng KymViet được hình thành với hy vọng đem lại cơ hội việc làm cho các bạn khiếm khuyết. Khách hàng đến đây có thể vừa thưởng thức đồ uống, vừa ngắm nhìn các sản phẩm thú nhồi bông đều từ các bạn nhân viên làm ra.

Các nhân viên tại Flow-ee vừa phối hợp làm đồ, vừa giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Các nhân viên tại Flow-ee vừa phối hợp làm đồ, vừa giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.

KymViet đã không ngừng nỗ lực để đem tới các công việc phù hợp với các bạn, tạo nên một cộng đồng bình đẳng, thân thiện và tràn ngập yêu thương.

Trao đi và nhận lại yêu thương

Ở Flow-ee, chị Thuỷ cũng như những quản lý khác đều cảm thấy dự án này đem lại nhiều niềm vui. Đặc biệt, chị Thuỷ nói thêm về niềm vui lớn nhất trong thời gian xây dựng và phát triển quán chính là việc được nhìn thấy các bạn ngày càng tiến bộ, tự tin hơn.

“Có những bạn thậm chí chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, tuy thời gian đầu vẫn còn nhầm lẫn, lóng ngóng nhưng các bạn đã làm việc trơn tru hơn, giao tiếp với khách hàng hay phóng viên đã tự tin hơn rất nhiều, kỹ năng làm việc cũng như tự quản lý nhau, tự vận hành quán vô cùng tiến bộ”.

Xưởng may - nơi cô Đính trực tiếp hướng dẫn các bạn nhân viên sản xuất các sản phẩm thủ công tại KymViet.
Xưởng may - nơi cô Đính trực tiếp hướng dẫn các bạn nhân viên sản xuất các sản phẩm thủ công tại KymViet.

Là người trực tiếp dìu dắt, hướng dẫn làm nghề cũng như chăm sóc sức khỏe cho các bạn nhân viên khiếm khuyết, cô Đính (quán cafe KymViet) dạt dào xúc động khi chia sẻ về các bạn khiếm thính nhưng không được đi học ngôn ngữ ký hiệu: “Các bạn muốn nói cái gì, không nói được. Cô nói với các bạn, các bạn lại không hiểu. Không có ngôn ngữ để diễn đạt lòng mình là điều bất hạnh”.

Các sản phẩm thủ công được trưng bày xung quanh không gian quán.
Các sản phẩm thủ công được trưng bày xung quanh không gian quán.

“Thời gian làm việc tại đây đủ để khiến cô đong đầy cảm xúc, vui có mà buồn có. Nhiều khi buồn đến mức phát khóc, phải trốn vào nhà vệ sinh khóc vì các bạn thấy sẽ khóc theo. Có hôm cô khóc các bạn còn xúm lại ôm chầm lấy cô. Các bạn yêu thương cô như cái cách cô yêu thương các bạn”.