Với mong muốn căn nhà vừa mang nét hiện đại, tinh giản nhưng vẫn giữ được nét của quê hương, gần gũi. Trong kí ức của người con trai, hình ảnh thân quen nhất chính là bụi chuối sau nhà. Hồi ức này truyền cảm hứng cho đội ngũ thiết kế công trình, dệt nên sợi dây nối kết giữa hiện tại và quá khứ trong cùng một mái nhà.
Thiết kế căn nhà gồm 3 gian chức năng chính nằm trên cùng một trục, nhằm thuận tiện cho việc sinh hoạt của người mẹ lớn tuổi. Bên trong có các khoảng không gian linh hoạt nhằm tạo tiện nghi cho con cháu trong mỗi mùa lễ, Tết sum vầy.
Điểm đặc biệt của công trình này chính là sự chi tiết, tỉ mỉ và việc ứng dụng vật liệu vào công trình. Do điều kiện tự nhiên ở đây thường phải đối mặt với các cơn bão lớn và diễn biến khó lường nên mặt tiền của ngôi nhà được thiết kế 3 lớp linh hoạt.
Lựa chọn gạch bông gió Bát Tràng ở lớp ngoài được xem là một sự độc đáo bởi màu sắc bắt mắt và hoạ tiết đặc trưng của chúng, nhằm đưa ánh sáng và không khí trong lành vào nhà. Lớp thứ hai là cây xanh tạo nên một môi trường hoà hợp với thiên nhiên mát lành, dễ chịu.
Đây cũng có thể coi là “bước chuyển” trong không gian để đi vào căn nhà, vừa cách nhiệt tốt lại có tác dụng lọc không khí hiệu quả. Thiết kế cửa kính ở lớp thứ ba giúp căn nhà được bảo vệ mỗi khi có bão lớn cũng như đảm bảo an toàn, tăng tính bền bỉ trong cấu trúc.
Các kỹ thuật xây dựng địa phương được ứng dụng theo lối tinh chỉnh hơn, vừa để tạo dấu ấn truyền thống vừa nâng cao hiệu quả công suất. Ví dụ như bức tường dựng bằng đá tổ ong (được khai thác từ khu vực Sơn Tây) dùng để che chắn cho phòng ngủ, trông vừa mộc mạc mà lại còn “duyên”.
Để hoàn thiện bức tường với vòm cửa thanh tú, kiến trúc sư đã phối hợp cùng những thợ đá địa phương để đảm bảo tính chính xác về tỉ lệ và độ “chắc tay” trong cách thi công.
Các vật liệu đá tự nhiên khác cũng được chọn để ngôi nhà có sự ấm cúng, thân thiện, và bền bỉ với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Chẳng hạn như, đá ong từ Sơn Tây được dùng làm vách ngăn và điểm nhấn không gian giữa nhà, đá slate từ Sơn La được sử dụng để lát sàn và lợp thay mái ngói, đá hộc và đá tấm khai thác ở địa phương được dùng làm lối đi và tiểu cảnh sân vườn ngoài nhà...
Ngoài ra, để đem đến cảm giác thôn quê chân thực, đội xây dựng còn sử dụng lá chuối để in vân lá lên mặt tường xi măng ướt. Chi tiết giản đơn này không chỉ phản ánh cho bối cảnh nông thôn dịu dàng mà còn khắc hoạ chân thực một vùng hoài niệm dĩ vãng, nơi gia chủ hạnh phúc tận hưởng khoảng thời gian tuổi thơ của mình.
Maison A kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống nông thôn và tiện nghi hiện đại trong nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu để tạo ra một không gian sinh hoạt cho người mẹ và là “nơi để trở về” của những đứa con. Từ đây, ký ức về gia đình được ghi lại trong từng thiết kế và lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiếp tục xây đắp kỉ niệm trong ngôi nhà.