Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Ngôi nhà nghệ thuật” cho học sinh khiếm thị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/10, trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành “Ngôi nhà nghệ thuật” dành cho các em học sinh khiếm thị.

“Ngôi nhà nghệ thuật” được xây dựng trên diện tích 100m2, gồm các hạng mục: khu lớp học, phòng trưng bày, nhà kho và khu vệ sinh. 

Dự án do Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hasmea) kêu gọi từ phía cộng đồng DN thành viên trong Hiệp hội và các nhà hảo tâm tài trợ cho nhà trường 380 triệu đồng; Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tài trợ 150 triệu đồng; bà Elisabeth Persson - nghệ sĩ gốm và là nhà hoạt động văn hóa Thụy Điển tài trợ 50 triệu đồng…
Các đại biểu cắt băng khánh thành ngôi nhà.
Các đại biểu cắt băng khánh thành ngôi nhà.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hasmea cho biết, nhận thấy mục đích nhân văn cao đẹp từ dự án của nhà trường và để tiếp nối các hoạt động thiện nguyện, Hiệp hội đã kêu gọi các đơn vị DN thành viên, các nhà hảo tâm ủng hộ nhà trường xây dựng công trình cùng những trang thiết bị lắp đặt bên trong các hạng mục, phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày của các em học sinh. Điều này không chỉ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho thầy trò trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, mà còn có tác dụng không nhỏ đến việc thúc đẩy phong trào thiện nguyện vốn là truyền thống tốt đẹp đã được cộng đồng doanh nhân Thủ đô triển khai trong nhiều năm qua. 
“Ngôi nhà nghệ thuật” cho học sinh khiếm thị - Ảnh 1
Năm 1997, nhận lời mời của họa sĩ Thẩm Đức Tụ - nguyên Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Hà Nội, bà Elisabeth Persson đến Hà Nội lần đầu tiên. Năm 1999, bà quay trở lại và đến thăm trường Nguyễn Đình Chiểu với dự định thực hiện một dự án nghệ thuật cho trẻ khiếm thị, khởi đầu với ý tưởng “Nghệ thuật vượt qua thị giác”, tiếp đó là “Giao lưu nghệ thuật: Một con đường nhân văn dẫn đến tình bạn và sự hiểu biết”. Ý tưởng xuyên suốt của dự án là mang lại cơ hội cho trẻ em khiếm thị được tiếp cận với nghệ thuật, để nghệ thuật trở thành một phương tiện giúp các em nhìn sâu vào bản thân, thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình với cuộc sống muôn màu xung quanh các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời mở rộng cơ hội nghề nghiệp sau này. Các hoạt động của dự án gồm giảng dạy nghệ thuật (gốm, vẽ), giao lưu, hội thảo và triển lãm.