Ngồi "xe tù" sau nghỉ lễ cầu cứu đường dây nóng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyện khóc cười sau kỳ nghỉ lễ dài: hành khách ngồi trên “xe tù” nhắn tin cầu cứu đường dây nóng tố tội chủ xe; về đến bến lại phải cầu cứu người thân vì xe ôm… sang chảnh.

Xe giường nằm 40 ghế, nhồi 100 khách

Dịp nghỉ 30/4 - 1/5 kéo dài gần một tuần lễ khiến không ít người lên kế hoạch đoàn viên cùng gia đình. Thế nhưng, câu chuyện xe cộ khiến không ít người mệt mỏi, và khiến đường về quê càng thêm xa xôi.

 
Hành khách vạ vật bên lề đường chờ người nhà đến... giải cứu khỏi xe ôm sang chảnh chê khách.
Hành khách vạ vật bên lề đường chờ người nhà đến... giải cứu khỏi xe ôm sang chảnh chê khách.
Không ít nhà xe, nhất là nhà xe tư nhân đã tự ý điều chỉnh giá, nhồi nhét khách để kiếm thêm ngày lễ. Điều này đã gây ức chế cho không ít hành khách nóng tính.

Sáng nay, ngày cuối cùng của dịp nghỉ lễ, lượng hành khách ngoại tỉnh trở lại Thủ đô đã khiến các xe quá tải, và các nhà xe “bội thực”.

Có mặt trên chuyến xe BKS 29B-026… chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, một hành khách là nạn nhân của chiếc “xe tù” đã bức xúc phản ánh đến đường dây nóng báo VietNamNet.

Theo bạn đọc này, chiếc xe có 40 giường nằm nhưng chủ xe đã nhét lên đến gần… 100 người.

“Đây là xe giường nằm thiết kế rất kín, trên xe nhiều trẻ con, xe vốn đã to, trọng tải lớn nên việc chở quá tải như thế này rất nguy hiểm. Mình bị nhét xuống tận cuối xe và không thể nhúc nhích được” - bạn đọc số điện thoại 016746515xx phản ánh.

 
Đoạn trường xe cộ dịp lễ khiến đường về quê của nhiều hành khách thêm... xa xôi.
Đoạn trường xe cộ dịp lễ khiến đường về quê của nhiều hành khách thêm... xa xôi.
Theo bạn đọc, “giường nằm” đã được chuyển thành… giường ngồi. Một chiếc giường lẽ ra dành cho một hành khách, thế nhưng, chủ xe xếp 5 - 6 người ngồi.

“Chúng tôi thắc mắc, một ghế dành cho một người, ngần ấy người cùng chất lên thì tiền cước phải giảm. Anh phụ xe không những không xin lỗi, còn nói rất khó nghe: "xăng cao, "luật" cao, ai không đi thì xuống". Nghĩ cái cảnh có len qua được ngần ấy người chật như nêm cối để xuống xe, cũng chết mệt, hơn nữa lại cảnh giữa đường cao tốc vắng người, nắng nôi, đành bấm bụng mà đi” - một hành khách cho biết.

Chúng tôi đề nghị hành khách gửi tin nhắn tố nhà xe chụp lại hình ảnh nhồi nhét của chủ xe để làm căn cứ chuyển tới lực lượng chức năng xử lý, bạn đọc trên thành thật: “Em có giơ điện thoại lên chụp cũng không trông thấy gì, vì người nọ sát người kia, không làm sao mà chụp được”.

Lại một nỗi khổ khác, em Phạm Thu Diệu - sinh viên năm thứ 2 ĐH Lao động Xã hội than phiền: “Em từ Thái Bình lên Hà Nội, có bao gạo, ít rau mẹ em chuẩn bị cho mang lên, nhưng cũng không mang được. Họ bảo xe chật quá, không cho chở hành lý, em đành phải để lại”.

Xe ôm... chê khách

Hành trình từ quê lên Hà Nội đã là cả một đoạn trường khó nhọc, thế nhưng, lên đến bến xe cũng là một nỗi khiếp đảm.

 
Ngồi "xe tù" sau nghỉ lễ cầu cứu đường dây nóng - Ảnh 1

 
Nguyễn Mạnh Hùng, quê Thái Bình - sinh viên năm 2 ĐH Giao thông Vận tải rầu rĩ: “Em lên đến bến xe Giáp Bát, hỏi xe ôm từ Giáp Bát về Cầu Giấy, họ nói 120 ngàn đồng. Mức ấy cao hơn so với ngày thường 50 ngàn. Sinh viên tụi em làm gì có tiền, nhưng nhiều đồ, không đi xe buýt được”.

Không chấp nhận để “chặt chém”, Hùng gọi điện cho bạn ra đón, chấp nhận ngồi lê dưới vỉa hè, lòng đường dưới cái nắng đầu hè oi bức, bên cạnh lỉnh kỉnh đống đồ, bao gạo, túi rau…

Không chỉ chặt chém, nâng giá, áp giá, nhiều lái xe ôm còn “sang chảnh” chê những “cuốc” gần.

Anh Phạm Văn Chính (Ninh Bình) có cửa hàng sửa chữa xe máy ở ngay đường Đồng Bông (quận Cầu Giấy). Đoạn đường ngày thường từ bến xe Mỹ Đình về cửa hàng, anh Chính đi taxi hay xe ôm chỉ mất chừng 20 ngàn đồng. Tuy nhiên, hôm nay hỏi đi, không xe nào nhận vì… đường ngắn quá, xe ôm chê khách.

Hết người nọ “đùn đẩy” người kia, khiến khách hàng có cảm giác bị xem thường, “đá bóng”, anh Chính đành gọi bạn ra đón.

Bác Nguyễn Văn Hạnh, quê Nam Định, làm nghề xe ôm nhiều năm ở Giáp Bát cho hay, cảnh tượng nhồi khách, chặt chém, chê khách… của cả xe ô tô, xe ôm, taxi… là những chuyện không hiếm vào những dịp lễ. Chính bản thân bác Hạnh là người chở khách thuê, cũng thấy bức xúc vì những chuyện… không giống đâu chỉ có ở Việt Nam!!!

“Chúng tôi cũng chẳng muốn như vậy. Nhưng những người mưu sinh có lương tâm, không lợi dụng chặt chém khách vào những dịp này cũng chẳng có nhiều. Chỉ trông đợi vào sự phát triển hạ tầng của xã hội, và thay đổi trong nhận thức mỗi người thì may chăng mới khác” - bác Hạnh nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần