“Ngọn Chung Linh” - Khơi dậy hào khí Thăng Long

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình nghệ thuật “Ngọn Chung Linh” tại Nhà hát Âu Cơ Hà Nội do Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và Giáo sư, Viện sĩ Ngô Xuân Bính phối hợp tổ chức đã để lại nhiều ấn tượng với công chúng yêu nhạc Thủ đô.

“Ngọn Chung Linh” định hướng giá trị truyền thống cho tuổi trẻ Thủ Đô. Ảnh AT
“Ngọn Chung Linh” định hướng giá trị truyền thống cho tuổi trẻ Thủ Đô. Ảnh AT

Chương trình nghệ thuật “Ngọn Chung Linh” là câu chuyện âm nhạc được chia làm 4 chương, đưa người xem đến với tất cả miền ký ức đồng quê, núi rừng của các dân tộc anh em với những những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nếu không có giới thiệu của MC thì khán giả khó có thể biết đâu là ranh giới giữa các chương: Cánh đồng tiềm thức; Chợ quê; Cánh đồng tri ân; Khát vọng.

Men say tri ngộ

Các nhạc phẩm tham gia “Ngọn Chung Linh” đều được phổ từ thơ của Giáo sư, Viện sĩ, họa sĩ Ngô Xuân Bính, một người con đất Việt tài hoa, lịch lãm. Đến với đêm nghệ thuật chúng ta sẽ được tận mắt thấy nhạc và lời cuộn chặt với nhau, bàn tay tài ba của nghệ sĩ Nguyễn Hải Linh, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã đưa người xem vào cõi mê âm thanh, giai điệu.

Các biên đạo múa: NSƯT Thanh Nam, NSƯT Quỳnh Dương và Phương Linh đã giúp người xem cảm nhận được cõi linh của nhà thơ bằng những hình ảnh thật. Ngắm nhìn sân khấu trước mặt, người xem tha hồ tưởng tưởng được những khát vọng trên cao mà tác giả họ Ngô đã nhiều năm theo đuổi như niềm đam mê không có điểm dừng. Dàn múa minh họa Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đông mà không rối, trang phục đa màu sắc nhưng vẫn thấy được sự tinh tế trong đó.

Dàn múa minh họa đông mà không rối, đa màu sắc nhưng vẫn thấy được sự tinh tế trong đó. Ảnh AT
Dàn múa minh họa đông mà không rối, đa màu sắc nhưng vẫn thấy được sự tinh tế trong đó. Ảnh AT

So với "Ân khúc - Giao hòa" được thực hiện cách đây 7 năm (tháng 1/2015) tại Nhà hát Lớn Hà Nội hội tụ các nghệ sỹ biểu diễn hàng đầu làng nhạc Việt như Trọng Tấn, Anh Thơ, Tùng Dương… do nhạc sĩ Nguyễn Cường, Đức Trịnh, Nguyễn Huy Thông, Phú Quang, Trần Phú Cử, Trần Xuân Phương… phổ nhạc thì không gian “Ngọn Chung Linh” nhưng sân khấu được thiết kế 3D đặc biệt hơn.

Sự ấm cúng của không gian sân khấu khiến các nghệ sĩ và khán giả gần gũi nhau hơn, phiêu linh hơn trong ánh sáng, âm thanh và giai điệu cùng ca từ mộc mạc nhưng chứa được nhiều thông điệp của “kỳ nhân xứ Nghệ” họ Ngô mà ta đã biết trong  lĩnh vực võ thuật, y học và điêu khắc.

Là người Nghệ An nhưng tác giả đã cảm Hà Nội theo cách riêng của mình: "Anh hát cùng em tình ca Hà Nội/ Gieo hạt tơ vàng quấn quanh dải lụa Hồ Tây/ Anh hát cùng em men say tri ngộ/ Thiên tích Hồ Gươm tương hợp tương cầu/ Ngút trời lộng xanh muôn cánh hoa bay".

Trong “men say tri ngộ” đó, nhạc sĩ Quang Huy của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cảm nhận được tình yêu da diết của người đàn ông xứ Nghệ dành cho mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến, nên đã chọn âm hưởng dân gian Ca trù để phổ thành tác phẩm Hồn thiêng Hà Nội. Khán giả lại “men say tri ngộ” với chương trình, với nhạc, với lời thơ được trau chuốt đến khôn cùng. Hồn thiêng Hà Nội sẽ còn sống mãi với thời gian.

Như chia sẻ của nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong đêm nghệ thuật: “Tôi không có may mắn gặp nhà thơ Ngô Xuân Bính nhiều. Nhưng những con chữ trong anh đã mở ra một khung trời làng quê Việt với cuộc sống muôn màu, muôn cuộc và khiến cho chúng ta luôn muốn trở về với quê hương.

Với Ngô Xuân Bính, người con đã nhiều năm sống ở châu Âu, quê dù đồng bằng hay miền núi, dù khó khăn hay sung túc vẫn là mảnh đất ấm nồng, ngọt dịu nhất. ''Tôi cảm nhận được điều đó để viết 2 nhạc phẩm “Những ngôi sao luôn bên nhau”, “Đồng quê” công diễn ngày hôm nay” - Giáo sư, Viện sĩ Ngô Xuân Bính nói.

Lắng nghe “Đồng quê” với những hình ảnh thân quen hiện ra trên 5 màn hình LED được bố trí trên sân khấu, lòng người chợt chùng lại. Đã gần đến những ngày Xuân, những người con xa quê, dù làm gì và ở nơi đâu đều nôn nao nhớ về quê hương. Nhớ dáng hình hao gầy của mẹ, của những người thân thương và đều mong được trở về quê hương, nằm trong vòng tay mẹ.

Những tác phẩm âm nhạc của đêm nghệ thuật được dàn dựng theo thể liên hoàn, phức điệu, dưới các hình thức ca, diễn xướng, múa, nhạc, kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, sân khấu phức hợp. Các tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật được trình diễn bởi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cả ba miền Bắc - Trung - Nam, với phần âm nhạc do các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến, Quang Vinh, Đức Trịnh, Tuấn Phương, Trần Phú Cử, Đức Nghĩa, Hồ Trọng Tuấn, Xuân Phương, Cao Xuân Dũng, Quang Huy, Xuân Hùng… phối khí.

Nhiều nhà quản lý văn hóa tham dự buổi biểu diễn. Ảnh NA
Nhiều nhà quản lý văn hóa tham dự buổi biểu diễn. Ảnh NA

Hào khí Thăng Long

Tiến sĩ Phạm Đức Bảo chia sẻ: “Thơ Ngô Xuân Bính đã có nét riêng, lại được các nhạc sĩ hàng đầu của Việt Nam trau chuốt, khiến cho “Ngọn Chung Linh” mang dấu ấn riêng, so với "Ân khúc - Giao hòa" gồm 15 tác phẩm thì chương trình này đúng là “vượt thời gian” cả về nội dung, âm thanh, ánh sáng”.

Em Nguyễn Quý Đông Hùng, học sinh 11A2 trường THPT Đống Đa (Hà Nội) sau khi xem chương trình đã chia sẻ: “Quả tình nhiều thông điệp ẩn ý của nhà thơ Ngô Xuân Bính thì thế hệ trẻ bọn em chưa thấu hiểu nhưng cái hào khí Đông A, Hào khí Thăng Long, Hào khí Chung Linh… về tinh thần và khát vọng dân tộc lớn lao thì lớp trẻ đã cảm nhận được”. Rất nhiều bạn trẻ Hà Nội cũng có chung cảm nhận này.

Khán giả Thủ đô vừa được thưởng thức một đêm nhạc đặc sắc với sự tổng hòa của các nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu Việt Nam hiện nay, là sự tri ngộ, giao hòa giữa thơ và nhạc trong những ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần. Thông điệp nghệ thuật của Giáo sư, Viện sĩ Ngô Xuân Bính “Dân tộc muốn vươn lên, phải có sức mạnh văn hóa.

"Thiên tích Hồ Gươm tương hợp tương cầu". Ảnh NA
"Thiên tích Hồ Gươm tương hợp tương cầu". Ảnh NA

Nhờ vào tinh thần, chúng ta đã tạo nên một hào khí, hào khí tựa Chung Linh. Hào khí Chung Linh, Hào khí Thăng Long không phải xuất phát từ những gì cao sang, xa lạ mà ở chính những gì sâu thẳm trong mỗi con người, bằng tình yêu, bằng khát vọng con người mong muốn vươn lên đã được công chúng khó tính Hà Nội đón nhận. 

Thiên tích Hồ Gươm tương hợp tương cầu

 Ngút trời lộng xanh muôn cánh hoa bay”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần