Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngổn ngang thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo mục tiêu Chính phủ đề ra, năm 2015 là năm cuối thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trong đó có thoái vốn đầu tư ngoài ngành giai đoạn 2011 - 2015.

Đích đến đã cận kề, tuy nhiên, kết quả thoái vốn 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm tài chính - ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản vẫn rất khiêm tốn.

Cuộc đua nước rút

Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, tính từ ngày 26/11/2011, tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm mà các tập đoàn, tổng công ty cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng. Lũy kế số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực này từ năm 2012 đến 20/10/2015 mà các DNNN đã thoái được là 9.866 tỷ đồng (bằng 42% số vốn cần phải thoái cuối năm 2011). Số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp đến cuối năm 2015 là 16.193 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực chứng khoán là 233 tỷ đồng, ngân hàng tài chính là 9.112 tỷ đồng, bảo hiểm là 553 tỷ đồng, bất động sản là 6.078 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 215 tỷ đồng.
Tổng Công ty Khí Việt Nam PV Gas đã đăng ký thoái toàn bộ 8,23 triệu cổ phần SeABank trong quý IV/2015.  	Ảnh: Duy Khánh
Tổng Công ty Khí Việt Nam PV Gas đã đăng ký thoái toàn bộ 8,23 triệu cổ phần SeABank trong quý IV/2015. Ảnh: Duy Khánh
Có thể thấy, kết quả việc thoái vốn ngoài ngành của các DNNN đến nay vẫn rất khiêm tốn. 60% vốn phải thoái trong 2 tháng cuối năm là nhiệm vụ khó khăn mà các tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện để đạt mục tiêu. Vì vậy, cuộc đua nước rút đang trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Dự kiến, ngày 2/12, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đấu giá trên 10,7 triệu cổ phần tại SaigonBank với giá khởi điểm là 9.756 đồng/cổ phần, tương đương 3,49% vốn điều lệ của ngân hàng này. Nếu chào bán thành công toán bộ cổ phần, Saigontourist sẽ thu về xấp xỉ 105 tỷ đồng. Trước đó, Tổng Công ty Khí Việt Nam PV Gas cũng đã đăng ký thoái toàn bộ 8,23 triệu cổ phần SeABank với giá 10.167 đồng/cổ phần ngay trong quý IV/2015 nhằm thực hiện quyết định của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhằm tái cơ cấu PVGas. Từ nay đến hết năm 2015, nhiều DNNN sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh việc thoái vốn. Cụ thể, PVN thoái vốn tại PVcombank; EVN còn khoảng 40 triệu cổ phần tại ABBank; Mobifone thoái vốn khỏi TPBank, SeABank...

Gian nan về đích

Tại Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thừa nhận, Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015 bắt đầu từ năm 2011, tuy nhiên, việc cổ phần hóa, thoái vốn DNNN chỉ được thực hiện mạnh trong hai năm 2014 - 2015. Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đã thảo luận và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến là thoái vốn phải có trật tự. “Thoái vốn phải có lộ trình, không thể để thất thoát vốn Nhà nước. Những khoản vốn nào đầu tư vào các DN mà càng để càng lỗ không thể xử lý được thì phải bán càng nhanh càng tốt. Trường hợp DN để tái cơ cấu lại rồi bán, cam kết không mất vốn, thậm chí còn thu lợi cao hơn, thì không nhất thiết phải thoái bằng mọi giá” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thoái hơn 16.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành trong thời gian khoảng 2 tháng là một nhiệm vụ rất gian nan, và khó đạt mục tiêu. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, về lâu dài, việc thoái hết 100% vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN là cần thiết. Nhưng không nên thoái vốn bằng mọi giá. “Theo tôi, chúng ta có thể phân loại các DN, các lĩnh vực cần thoái vốn. Trước mắt cần ưu tiên thoái các khoản đầu tư ngoài ngành không đạt hiệu quả hoặc hiệu quả kém. Đó là lộ trình để việc thoái vốn đạt hiệu quả thực chất chứ không chạy theo thành tích. Còn lâu dài, các DNNN cần bằng mọi cách thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào chuyên môn chính” - ông Kiêm khẳng định.

Để đẩy nhanh tiến trình thoái vốn của các DNNN, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều chính sách như quy định về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN, quy định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài không hạn chế, bán cổ phần theo lô. Ngày 19/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phân theo lô tại Sở Giao dịch Chứng khoán nhằm hiện thực hóa quyết định này. Bên cạnh đó, với vai trò giám sát việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ liên quan kịp thời hỗ trợ DN xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính.