Ngôn từ nhạc rap sần sùi nhưng không được thiếu nhân văn

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cùng với âm thanh, ngôn ngữ trong âm nhạc là phương tiện để biểu đạt tư tưởng, tình cảm của người sáng tác, biểu diễn. Khó có thể quy định các rapper không được sử dụng ngôn ngữ sần sùi, gây sốc. Tuy nhiên, để phát triển trên con đường dài, nhạc rap cũng cần “nhập gia tuỳ tục”, ngôn ngữ thể hiện cá tính cần sử dụng một cách khôn ngoan và nhân văn.

Ngăn chặn ngôn từ nhạy cảm

Từ khi xuất hiện tại Việt Nam, nhạc rap trở thành một nét văn hóa được nhiều người yêu thích. Cộng đồng rapper tại Việt Nam ngày một đông đúc với những cái tên tiên phong như LK, Kimmese, Đạt Maniac, Suboi, Cam. Những năm gần đây, nhạc rap cho thấy sự gần gũi và đi vào đời sống từ những sản phẩm của Đen, Binz, Da Lab… Thậm chí, những câu rap của Đen không chỉ vào đề thi văn mà còn sử dụng cho cả đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán (của Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2021 - 2022). Và hẳn đến nay, chúng ta vẫn chưa quên đoạn đối thoại cùng màn rap cả tiếng Việt và Anh của Suboi trước Tổng thống Obama năm 2016 khiến thế giới chú ý.
 Rap Việt được yêu thích với nhiều ca khúc với nội dung nhân văn.

Cùng với đó, sau sự bùng nổ của hai chương trình truyền hình “Rap Việt” và “King of Rap”, danh tiếng và độ phủ sóng của thể loại này tăng cao với nhiều cái tên mới: MCK, Tlinh, Dế Choắt, G-Ducky. Sau thành công và sự lan tỏa của hai chương trình nói trên, nhạc rap cũng trỗi dậy và phổ biến trong nhiều hoạt động văn hóa giải trí từ khônh chuyên đến chuyên. Từ đó, rap dần có chỗ đứng cũng như sức ảnh hưởng lớn hơn trong cộng đồng nhạc Việt.

Đi kèm độ phủ sóng lớn cùng sự quan tâm của cộng đồng khán giả, các tranh cãi trái chiều xung quanh vấn đề nội dung nhạy cảm cũng xuất hiện với tần suất cao hơn. Nhiều bản nhạc rap được người nghe, cộng đồng mạng “đào xới”, với ngôn ngữ trái với thuần phong mỹ tục, gây bức xúc dư luận. Mới đây, Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL ký văn bản xử phạt 45 triệu đồng nhóm Rap Nhà Làm vì có hành vi lưu hành sản phẩm “xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo” theo khoản 4 điều 13 Nghị định 38/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Trong bối cảnh đó, chương trình Rap Việt mùa 2 lên sóng tối 16/10 thu hút đông đảo sự quan tâm của khán giả, người xem, tập trung vào nội dung kiểm duyệt nội dung. Theo đại diện truyền thông Vie Channel & VieON, đơn vị sản xuất "Rap Việt" mùa 2, cho biết: “Giống như những gì khán giả thấy trong các bản rap của mùa 1, chúng tôi sẽ luôn đảm bảo những nội dung và ngôn ngữ ca từ xuất hiện trong chương trình không có các yếu tố dung tục, phản cảm”.

Văn minh trong âm nhạc

Từ khi rap được du nhập vào Việt Nam và phổ biến trong giới underground (hoạt động ngầm), sự đa dạng về nội dung ngôn ngữ là một phần mang tính bản chất của thể loại nhạc này, được những rapper lẫn người nghe chấp nhận một cách rộng rãi. Và không thể phủ nhận, đôi khi, chính sự tự do trong sáng tạo đó đã giúp rap Việt có những sáng tác đinh, được khán giả công nhận và yêu mến. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tần suất xuất hiện của các sản phẩm có nội dung phản cảm, “vượt ngưỡng an toàn” của tự do nghệ thuật dần tăng cao.

Những tác phẩm này không thể xem là tác phẩm nghệ thuật bởi nó không thể đáp ứng bất kì yêu cầu nghệ thuật nào, gồm cả yếu tố kĩ thuật lẫn yếu tố văn minh. Theo nhạc sĩ Thế Hiển – Thành viên Hội nhạc sĩ TP Hồ Chí Minh những bài rap có nội dung phản cảm là rác và cần phải loại trừ. Mỗi cá nhân có quyền tự đăng tải sản phẩm, không bị kiểm duyệt nên phải tự chịu trách nhiệm với “đứa con” của mình.
 Rapper Đen Vâu được nhiều khán giả yêu thích với ngôn ngữ âm nhạc văn minh.

Theo các nhạc sĩ, vẫn đề kiểm duyệt cũng chỉ giải quyết được phần ngọn, khi người nghệ sĩ có một nền tảng tốt thì sẽ tạo ra những tác phẩm giá trị và tác động tích cực đến xã hội. “Nghe nhạc Đen Vâu từ lâu, tôi nhận ra sáng tác của rapper này đã thay đổi nhiều kể từ khi độ nổi tiếng tăng cao. Nó không chỉ văn minh hơn mà còn thể hiện rõ sự đầu tư chất xám với các thuật ngữ trong lĩnh vực lịch sử, sinh học và những thông điệp về nhân văn, sự tử tế” – ca sĩ Yanbi chia sẻ.

Nhìn chung ngôn ngữ trong nhạc rap được sử dụng thế nào cũng khó có thể kiểm soát, vì nếu không công khai, minh bạch thì nhạc rap vẫn có thể dành riêng cho cộng đồng của mình. Rapper có quyền lựa chọn giữa việc thỏa mãn cái tôi của mình hay tận dụng cơ hội này để khẳng định tính nghệ thuật của rap cũng như đưa rap Việt vươn ra thế giới. Nếu nhạc rap không thể trở nên thân thiện hơn, góp thêm màu sắc cho âm nhạc đại chúng, đó là thiệt thòi với cộng đồng âm nhạc Việt Nam và bản thân những rapper.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần