Sự ổn định của PNJ
Thị trường chứng khoán đảo chiều mạnh mẽ nhờ lực kéo đến từ nhóm VN30. Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 23/8, VN-Index tăng 10,38 điểm (0,82%) lên 1.270,81 điểm, HNX-Index tăng 4,41 điểm (1,5%) đạt 299,14 điểm, UPCoM-Index tăng 0,56 điểm (0,61%) lên 92,78 điểm.
Thanh khoản tiếp tục suy giảm trên HOSE với giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 12.524 tỷ đồng. Tính chung toàn thị trường thì giá trị giao dịch đạt hơn 17.010 tỷ đồng, giảm gần 4% so với phiên trước.
VN-Index đã lấy lại được sắc xanh nhờ lực kéo mạnh cuối phiên của nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng. Tại nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường, BID tăng 2,7% lên 39.500 đồng/cp đây cũng là mã duy nhất tăng trên 2% trong rổ VN30. Sắc xanh còn lan tỏa tại nhiều cổ phiếu khác như: LPB (1,9%), STB (1,2%), NVB (1,1%), HDB (1%), SHB (1%), VAB (1%),....
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu dầu khí cũng duy trì đà tăng đến cuối phiên với PVB, PVC và TDG tăng kịch trần, theo sau là PVO (10,1%), PVT (4,3%), PVS (4,1%), PLX (3,9%), BSR (3,7%), OIL (3,1%),...
Đáng chú ý trong phiên giao dịch này, ngược chiều thị trường PNJ của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận chìm trong sắc đỏ toàn bộ phiên. Chốt phiên PNJ giảm 0,26% về mốc 114.500 đồng/cổ phiếu. Đây là một trong số ít những mã cổ phiếu giữ được mặt bằng giá khá ổn định khi tính chung qua 1 quý đã tăng hơn 6% giá trị. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay PNJ đã tăng tới hơn 20% giá trị bất chấp nhiều mã cổ phiếu khác thuộc nhóm vốn hoá lớn lao dốc.
Không chỉ giữ được đà tăng cổ phiếu ổn đinh, tình hình kinh doanh của PNJ nửa đầu năm 2022 cũng khá khởi sắc. Mới đây, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 7 tháng đầu năm với những con số tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, doanh thu thuần lũy kế từ đầu năm đạt khoảng 20.721 tỷ đồng, tăng gần 71% so với con số 7 tháng năm ngoái. Như vậy, tính bình quân mỗi ngày, nhà bán lẻ trang sức này thu về gần 100 tỷ đồng.
Được biết, năm 2022, PNJ đặt ra mục tiêu doanh thu 25.835 tỷ và chỉ tiêu lãi sau thuế 1.320 tỷ đồng. Như vậy, kết quả đến nay đã hoàn thành 80% mục tiêu doanh thu và hơn 88% tiến độ về lợi nhuận.
Tính đến hết tháng 7, hệ thống kinh doanh trang sức này có có 351 cửa hàng độc lập bao gồm 332 PNJ Gold, 8 PNJ Silver, 3 CAO Fine Jewellery, 4 PNJ Style, 1 PNJ Watch và 3 PNJ Art.
Áp lực rung lắc sẽ còn tiếp diễn
Có thể thấy, thị trường trong nước nối lại đà tăng sau 3 phiên điều chỉnh liên tiếp, đà tăng diễn ra trên diện rộng khi nhờ sự trở lại của nhóm cổ phiếu vừa vừa nhỏ. Mặc dù nhu cầu bắt đáy gia tăng và đẩy giá lên tốt, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, dầu khí… tuy nhiên thanh khoản ở phiên tăng này vẫn ở mức thấp trong 7 phiên vừa qua.
Trước diễn biến này, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mặc dù áp lực rung lắc sẽ còn tiếp diễn trong những phiên tới, VN-Index đang có nhiều cơ hội thử thách lại ngưỡng cản gần quanh 128x.
Nhà đầu tư được khuyến nghị bán trading khi chỉ số tăng chạm kháng cự và chỉ kê mua trở lại tại các vùng hỗ trợ nhưng khống chế tỷ trọng ở mức an toàn.
Công ty Chứng khoán Chứng khoán BIDV (BSC) cũng nhận định, trong ngắn hạn, VN-Index vẫn có thể sẽ có những phiên giằng co khi cố vượt qua đường MA100.
Còn Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cho rằng, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, dòng tiền ngắn hạn có dấu hiệu suy yếu cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn còn thận trọng với diễn biến hiện tại, đặc biệt lực cầu suy giảm tại các mức giá cao cho thấy đà hồi phục khó có thể kéo dài trong phiên kế tiếp.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn vẫn suy yếu cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng với xu hướng hiện tại và thị trường có khả năng sẽ đi ngang với biên độ hẹp ở những phiên giao dịch tới. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng.
“Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng và quan sát diễn biến thị trường ở phiên giao dịch kế tiếp”, FSC khuyến nghị.