Tuy nhiên khi Mệnh lệnh 02 của Giám đốc Công an TP Hà Nội có hiệu lực, hình thức này tạm thời bị xóa bỏ, khiến nhiều người phải chạy ngược, chạy xuôi để được... nộp phạt.
Để đơn giản hóa thủ tục giải quyết vi phạm luật giao thông, giảm bớt thủ tục hành chính, nhiều năm qua, lực lượng CSGT đã tiến hành xử phạt tại chỗ, xé phiếu thu đối với những hành vi vi phạm có mức xử phạt dưới 250.000 đồng. Tuy nhiên, từ tháng 3/2018, với quy định tại Mệnh lệnh 02, khi phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng phải yêu cầu tất cả các trường hợp về bộ phận tiếp nhận, giải quyết vi phạm... đang tạo phiền hà đối với những người có vi phạm lỗi nhỏ. Một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, việc Công an TP yêu cầu tất các trường hợp vi phạm phải được chuyển về bộ phận tiếp nhận, giải quyết vi phạm là chưa thực sự thỏa đáng, đặc biệt là trong thời điểm các cấp, các ngành đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính.Anh Đặng Thành Công (phường Láng Thượng, Đống Đa), một trong những người bị lực lượng CSGT xử lý với hành vi không đội mũ bảo hiểm trong một lần khi tham gia giao thông cho biết, theo quy định, lỗi vi phạm của anh bị phạt 150.000 đồng và được phép nộp phạt tại chỗ bằng hình thức xé biên lai do Sở Tài chính ban hành. Tuy nhiên, khi anh đề nghị nộp phạt tại chỗ theo quy định, lực lượng CSGT lại hướng dẫn ra kho bạc để nộp phạt. “Tôi có thắc mắc thì lực lượng CSGT giải thích họ làm theo quy định của Công an TP Hà Nội. Tôi không hiểu quy định đó cụ thể ra sao, nhưng việc bắt người dân đến kho bạc để nộp phạt 150.000 đồng, rồi quay về xử lý để nhận lại giấy tờ là rất phiền phức, đặc biệt đối với những người ngoại tỉnh” – anh Công cho biết.Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bị xử phạt khi vi phạm giao thông dưới mức 250.000 đồng. Việc người nộp phạt phải chạy ngược, chạy xuôi đang tạo tâm lý không tốt trong Nhân dân đối với vấn đề cải cách hành chính. Về vấn đề này, đại diện Phòng Pháp chế, Công an TP Hà Nội giải thích, việc đưa tất cả trường hợp vi phạm về bộ phận tiếp nhận, giải quyết vi phạm là không trái với quy định tại Thông tư số 02/2016/TT-BCA. Nhưng một số luật sư cho rằng, việc không cho người dân được phép nộp phạt tại chỗ là sai quy định. Bởi, quy định nộp phạt tại chỗ đã được thể hiện trong Luật Giao thông và cả Điều 56 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, Thông tư 01/2016/TT-BCA... Hơn nữa, Mệnh lệnh 02 của Giám đốc Công an TP là một văn bản chỉ có hiệu lực trong nội bộ và không có hiệu lực với người tham gia giao thông. Việc Công an TP yêu cầu đưa tất cả người vi phạm, kể cả các lỗi được phép xử phạt tại chỗ về bộ phận tiếp nhận, giải quyết vi phạm tại trụ sở Phòng CSGT, Công an các quận, huyện, thị xã là không hợp lý. Do vậy, để Mệnh lệnh 02 phát huy hiệu quả cao hơn trong công tác duy trì, bảo đảm trật tự đô thị, trật tự ATGT, nên xem xét sớm có những sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.