Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người 5 lần nhận danh hiệu “Dũng sĩ”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trực tiếp tham gia hàng chục trận chiến, 5 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng, diệt tàu chiến, diệt Mỹ…

Người 5 lần nhận danh hiệu “Dũng sĩ” - Ảnh 1Trực tiếp tham gia hàng chục trận chiến, 5 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng, diệt tàu chiến, diệt Mỹ…, có thể nói, cuộc đời binh nghiệp của Trung tá Bùi Xuân Đãng (nguyên cán bộ Sư đoàn 325A) là một điển hình tiêu biểu cho sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Từ Dũng sĩ diệt tàu chiến…

Sinh năm 1948, quê Trực Khang, Nam Ninh, Nam Định, Trung tá Bùi Xuân Đãng nhập ngũ năm 1967, công tác qua nhiều đơn vị, ban đầu ở đại đội (C) 1, Tiểu đoàn (D) 4, Trung đoàn (E) 57, sau ở Trung đội trinh sát, D9, E 101, sau phiên hiệu là E101A, E16 chủ lực Miền Đông Nam Bộ (1965 – 1975), thuộc Sư đoàn 325A… Ông nghỉ hưu năm 1991, thuộc cơ quan Bộ Tư lệnh Thông tin.

Ôn lại những kỷ niệm trong cuộc đời binh nghiệp, ông nhớ nhất năm 1968, khi đơn vị ém quân ở sông Cửa Việt (Quảng Trị), với nhiệm vụ “quấy rối” để kéo địch ra mà đánh, đánh tỉa, đánh chớp nhoáng để tiêu hao sinh lực địch… Theo phương châm trên, hàng tối, du kích địa phương dẫn đường cho bộ đội vào phục kích địch. Ông nhớ lại: Một tối,  2 tổ phục kích B41 của đơn vị men theo bờ sông chờ địch, gần tới nơi thì gặp phải dây thép gai rải suốt đoạn sông, chúng tôi tìm mãi mới chọn được vị trí ém chờ… Lúc đó, trên sông xuất hiện 3 chiếc tàu chiến của địch, tôi được phân công bắn chiếc tàu lớn nhất đi ở giữa (2 chiếc kia là tàu hộ tống). Nâng súng ngắm, chiếc tàu choán hết kính ngắm, đợi cho thật gần, tôi nhấn cò. Một tiếng nổ lớn, kèm theo một quầng lửa bùng lên, sáng rực cả đoạn sông, cùng tiếng lính Mỹ gào rú, la thét - “Vi xi – Vi xi” (Việt cộng)…

Sau này, chiếc tàu đó được xác minh chở 135 lính Mỹ chi viện cho mặt trận Khe Sanh. 2 chiếc tàu hộ tống còn lại bắn vãi đạn về phía tổ chặn đường rút của ta. Trong lúc hỗn độn, tôi lao ra, người vắt qua hàng rào. Người tôi trở thành tấm phản, tay nắm chặt dây thép gai, để anh em lần lượt dẫm lên lưng vượt hàng rào…”. Sau trận này, ông được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt tàu chiến địch.

... đến diệt xe tăng địch

Ông tiếp tục kể về những trận đánh mình đã tham gia với niềm xúc động chất chứa. “Tôi còn nhớ, buổi sáng một ngày tháng 8/1968, chiếc trinh sát U2 của địch bay ngang qua địa phận đơn vị, 5 phút sau, 3 chiếc máy bay B52 rải thảm bom; rồi đạn pháo, cối ở Dốc Miếu, Quán Ngang, Cửa Việt của địch bắn cấp tập vào đội hình tiểu đoàn, báo hiệu trận đánh khốc liệt. Sau đó, địch túa ra, với hàng trăm xe bọc thép M113, xe tăng M41, M48 cùng một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn “Anh Cả đỏ” dàn hàng ngang tiến vào trận địa đơn vị chúng tôi. Bất chợt, một chi đội xe M41 địch phát hiện trên đồi 28 cát trắng (Quảng Trị), nơi có một tiểu đội của ta chốt trên đó đang bắn về phía chúng 2 quả B40… Tốp xe tăng M41 được đà lao thẳng lên nghiến nát hầm, trận địa…, rồi chúng lôi xác các chiến sĩ của ta đã hy sinh giơ cao lên đắc thắng man rợ…” - ông kể mà mắt đỏ hoe, nhòe nước.

Ngừng một lát, ông kể tiếp: “Lệnh của đơn vị là phải thắng trận này, từ chân đồi, tôi vác khẩu B41 và xạ thủ phụ Đỗ Văn Kỷ mang theo 3 quả đạn, bò dần lên đồi, đến nơi cách mục tiêu khoảng 200m, tôi nâng súng ngắm thật trúng chiếc M41, siết cò, viên đạn bay trúng tâm khiến chiếc xe tăng đứng khựng lại, bốc cháy dữ dội. Địch bắn vãi đạn, tôi kịp lăn người xuống chân đồi, nhưng dính mảnh đạn, bị thương ở quai hàm. Với tôi, đây là trận đánh nhớ đời, bởi vào trận nghĩ rằng, “một đi không trở lại”, vì địch quá đông, nhiều vũ khí, địa hình trống trải”. Nhưng ông bảo mình “vẫn sống như một kỳ tích”. Trận này, ông được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới, báo cáo thành tích tại đại hội chiến sĩ thi đua điển hình ở Quân khu 4…

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc

Hơn 24 năm trong quân đội, trên mình Trung tá Bùi Xuân Đãng mang nhiều thương tật (thương binh hạng 3/4), tháng 2/1975, đơn vị cử ông đi học tài chính quân đội, về Hà Nội công tác tại Binh chủng Thông tin, làm Trưởng ban Tài chính cơ quan. Ông chia sẻ: Với ông, Hà Nội là quê hương thứ hai. Kể từ khi nghỉ hưu năm 1991 đến nay, ông liên tục hoạt động ở địa phương, nhiều năm làm Phó Bí thư Chi bộ khu dân cư, Trưởng ban Quản trị khu tập thể D8 (xã Tứ Hiệp), Hội thẩm Tòa án huyện Thanh Trì... Ông được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tòa án; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (2009)...

Ông luôn tâm niệm rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi của dân tộc ta là vô cùng vĩ đại. Ông cũng đã từng được mang những câu chuyện của mình tới các hội nghị cựu chiến binh, các trường học… Ông luôn coi đây là những dịp để ôn lại, giáo dục truyền thống hào hùng chiến thắng của dân tộc cho các thế hệ tự hào, giữ vững niềm tin, không sợ bất cứ kẻ thù xâm lược nào… Trong dịp đất nước kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất này, ông sẽ trở lại chiến trường xưa ở Quân khu 7, tri ân những đồng đội đã hy sinh để có đất nước hòa bình và phát triển như hôm nay.
Tái hiện tinh thần Thủ đô chống Mỹ
Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 20/4, Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Vì phối hợp với Bảo tàng Chiến thắng B-52 đã tổ chức triển lãm lực lượng vũ trang Thủ đô trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước tại trường THPT Quảng Oai, huyện Ba Vì. Triển lãm trưng bày hơn 100 bức ảnh, hiện vật tái hiện tinh thần của quân và dân Hà Nội chung tay với cả nước đóng góp sức người, sức của trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, đáng chú ý là phong trào chiếc gậy Trường Sơn, Ba đảm đang, Ba sẵn sàng... Đặc biệt là chiến công hiển hách của quân và dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 pháo đài bay B-52. (Hồng Đạt)