Người bạn tin cậy đồng hành với thanh niên trong học tập, khởi nghiệp

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong khuôn khổ Đại hội đoàn toàn quốc XII, Diễn đàn số 3 với nội dung Tổ chức Đoàn - người bạn đồng hành với thanh niên là một trong những diễn đàn nhận được nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi của các đại biểu tham dự.

Các đại biểu tham dự tại Diễn đàn Tổ chức Đoàn - người bạn đồng hành với thanh niên.
Các đại biểu tham dự tại Diễn đàn Tổ chức Đoàn - người bạn đồng hành với thanh niên.

Tại phiên làm việc thứ hai, chiều 14/12, các đại biểu tham gia 6 diễn đàn thảo luận, với các chủ đề: “Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên”; “Thanh niên xung kích, sáng tạo dựng xây đất nước”; “Tổ chức Đoàn - Người bạn đồng hành với thanh niên”; “Xây dựng Đội vững mạnh - Vì đàn em thân yêu”; “Thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập”; “Xây dựng Đoàn vững mạnh, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng”.

Tại diễn đàn với chủ đề “Tổ chức Đoàn - người bạn đồng hành với thanh niên”, các đại biểu đã cùng nhìn nhận, đánh giá cụ thể, sâu sắc thêm về kết quả triển khai các chương trình đồng hành với thanh niên giai đoạn 2017-2022 của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; giới thiệu mô hình hiệu quả, cách làm hay để cùng chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời đề xuất với Đoàn một số giải pháp để thực hiện chương trình 3 Đồng hành tốt hơn trong giai đoạn tới.

Vấn đề đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận sâu. Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn đại biểu tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, câu chuyện hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên là một bài toán khó cho các tỉnh, thành đoàn, nhất là đối với các tỉnh thành gặp khó khăn về ngân sách.

Theo đại biểu Diễm, muốn chương trình đồng hành hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp thành công thì cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, chứ chỉ riêng cán bộ Đoàn thì chưa thể có những giải pháp thực sự hiệu quả. Muốn đồng hành cùng với thanh niên thì phải tổ chức các nội dung phù hợp, có trọng tâm trọng điểm; trong đó chú trọng giao cơ chế trách nhiệm, tăng phân cấp phân quyền để các địa phương, cơ sở chủ động phát huy thế mạnh của mình.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh (đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương) cho biết, đề án đồng hành với thanh niên của tỉnh triển khai được 15 năm. Nguồn kinh phí từ UBND tỉnh giao cho tỉnh đoàn để tổ chức bộ máy thực hiện; có hệ thống cán bộ hợp đồng để thực hiện Đề án, nhằm tập hợp để thành lập các chi đoàn trong công nhân tại nhà trọ, doanh nghiệp. Vì vậy, hỗ trợ khởi nghiệp cần cả về nguồn lực và kinh phí. 

Quang cảnh Diễn đàn thảo luận. 
Quang cảnh Diễn đàn thảo luận. 

Câu chuyện đồng hành với thanh niên đã gúp đỡ thanh niên vượt khó, khởi nghiệp. Tuy nhiên, người trẻ phát triển không chỉ quan tâm đến vấn đề năng lực, hỗ trợ vốn mà còn phát có sự phát triển vững vàng về mặt tâm lý. Đại biểu Nguyễn Dương Thiên Thanh (đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai) bày tỏ sự đáng ngại khi tỷ lệ người trẻ mắc các bệnh tâm lý, trầm cao đang có xu hướng tăng lên. Mặc dù nhiều tỉnh đoàn đã có chương trình tư vấn tâm lý học đường nhưng chưa đủ sự cởi mở để các bạn trẻ có thể chia sẻ và trải lòng, từ đó có hướng giải quyết. Vì vậy theo đại biểu cần tổ chức Đoàn cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Trung Hiếu (đại biểu đoàn tỉnh Vĩnh Long) ghi nhận tổ chức Đoàn đã có rất nhiều chương trình hay, hiệu quả nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Nhưng thực tế đối với những bạn khởi nghiệp chưa thành công thì chưa được quan tâm đúng mức.

Theo đại biểu Trung Hiếu, tổ chức Đoàn nếu xác định đồng hành với thanh niên thì phải xác định là những “người bạn” tốt, luôn đồng hành cùng thanh niên trong cả lúc thành công cũng như lúc khó khăn. Từ đó, đề xuất những phương án hỗ trợ để giúp những thanh niên đó tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ, tiếp tục có những ý tưởng sáng tạo, bởi “thất bại là mẹ thành công”.

Nhấn mạnh vào ý nghĩa của sự “đồng hành”, đại biểu Hồ Thị Ánh Tuyết (đoàn đại biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, đồng hành thì phải có độ thấm về thời gian và lặp đi lặp lại, để từ đó chính tổ chức Đoàn cũng tìm được những người bạn thanh niên gắn bó với tổ chức. Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới, tỉnh đoàn sẽ đưa ra chương trình “đồng hành” cùng thiếu nhi để những bạn này có thời gian gắn bó sâu sắc với tổ chức Đoàn.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cũng đã chia sẻ những mô hình, kinh nghiệm tổ chức hoạt động tại đơn vị, đồng thời đề xuất những hướng, giải pháp cụ thể trong đồng hành cùng thanh niên học tập. Trong đó, nhấn mạnh đến việc đoàn phải chủ động là cầu nối kết nối giữa trường học với các doanh nghiệp để tạo cơ hội việc làm cho thanh niên. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng, nắm bắt thường xuyên, kịp thời tâm tư nguyện vọng của đoàn viên thanh niên, để đoàn viên gắn bó với tổ chức và đơn vị.

 

Chương trình Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được các cấp bộ đoàn quan tâm triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, thu được những kết quả tích cực. Công tác bồi dưỡng tập huấn kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho cán bộ đoàn và đoàn viên, thanh niên triển khai đồng bộ ở các cấp. Các hoạt động tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp, kết nối thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp với nhà đầu tư được nhiều đơn vị tổ chức.

Công tác hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế được Đoàn thanh niên triển khai hiệu quả. Dư nợ của Đoàn thông qua Chương trình ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội và nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm qua Trung ương Đoàn liên tục gia tăng đạt hơn 39.800 tỷ đồng qua 24.600 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (tính đến 31/10/2022). Nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm qua Trung ương Đoàn với hơn 75 tỷ đồng đã giải ngân cho 923 dự án, giải quyết việc làm cho 2.369 thanh niên.