Trước khi rời nhiệm sở, chị đã để lại cho Bảo tàng Lịch sử quân sự (LSQS) Việt Nam hàng ngàn kỷ vật vô giá về chiến tranh. Đặc biệt là tài liệu, kỷ vật của hơn 700 tướng lĩnh QĐND Việt Nam. Đó là điều mà từ trước tới nay chưa một nhà sưu tầm nào làm được! “Công việc của một cán bộ bảo tàng là làm sống dậy một kỷ vật. Với chị Hằng còn hơn thế nữa. Chị là người “bắt” kỷ vật” cất lên “tiếng nói” - Tướng Lê Mã Lương - nguyên Giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam từng nói như vậy về cấp dưới của mình - Thượng tá Trần Thanh Hằng. Cuộc đời luôn là những chuyến đi Có thể nói, những năm tháng làm công tác bảo tàng của Thượng tá Trần Thanh Hằng là những chuyến đi. Có chuyến đi ngắn dăm ba ngày, chuyến dài thì cả tháng trời. Đi thì với đủ loại phương tiện: Tàu hỏa, xe đò, xe máy, xe thồ, xe lôi và thậm chí là cuốc bộ. Nhiều khi chị phải gửi con nhỏ cho hàng xóm để đi. “Đi và tìm và đi” đã “ăn vào máu” rồi, không đi là ốm ngay” - Có lần trong lúc “trà dư tửu hậu”, nhà báo Lại Vĩnh Mùi, chồng chị đã nói thế. Có ngồi nghe chị kể lại những chặng đường chị đã đi qua, những cuộc hẹn hò, gặp gỡ với các vị tướng hoặc thân nhân của các vị tướng mới thấy, công việc của một cán bộ bảo tàng thật gian nan. Để có một danh sách tướng lĩnh, ngoài những cái tên đã có trong bảo tàng, chị phải lục lọi tìm tòi. Không hiểu vô tình hay hữu ý mà một lần đi thư viện, chị bỗng phát hiện ra rằng có thể đi tìm tung tích những vị tướng đã mất ở ngay trên báo chí. Thế là chị vào thư viện lục tìm các báo quân đội Nhân dân, Nhân dân từ năm 1955 đến nay ở mục... Cáo phó. Chính vì thế, “dân” bảo tàng và cánh báo chí gọi chị là “Hằng cáo phó”. Hỏi chị kỷ niệm nhớ nhất về một chuyến đi, chị bảo nhiều lắm, nhớ sao hết. Tỷ như chuyến đi một tháng trời ở TP Hồ Chí Minh, chị gặp được tới 200 vị tướng và thân nhân các vị tướng. Chị kể: “Đầu tiên, tôi đến Hội Cựu chiến binh của TP xin danh sách và số điện thoại của các vị tướng theo từng khu vực quận, huyện. Tối đến gọi điện theo danh sách đặt vấn đề, hẹn lịch đến xin hiện vật. Hôm sau dựa vào đấy để bắt đầu hành trình”. Cùng đi với chị là một đồng nghiệp trẻ. Hai chị em chọn phương tiện đi lại là xe ôm. “Đi xe ôm, vừa rẻ, vừa cơ động. Cậu em trai đồng nghiệp xấu hổ vì ngồi chung xe ôm với chị. Tôi phải động viên em nó: Cái quan trọng nhất là được việc em ạ” - chị Hằng kể. Một hôm, chị hẹn gặp chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng - nguyên Phó Tư lệnh quân chủng hải quân vào chiều tối. Chị và đồng nghiệp đi chung một xe, đến gần nhà đi bộ vào. Đến nơi hai người bất ngờ và xúc động khi thấy cụ Nguyễn Dưỡng đã đứng chờ sẵn ở ngõ. Khi cụ hỏi vì sao không đi hai xe cho an toàn, chị đành ái ngại, thành thật trả lời: “Chúng con hết tiền”. Nghe vậy, cụ thương lắm mang cho bao nhiêu hiện vật, lại còn biếu cả bánh trái mang về. Những kỷ vật biết nói Hiện nay, Bảo tàng LSQS Việt Nam đang lưu giữ một chiếc đồng hồ được xếp vào loại bảo vật quốc gia. Đó là chiếc đồng hồ Thụy Sĩ mà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh được đích thân Bác Hồ tặng năm 1954, sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nó đặc biệt ở chỗ trên mặt đồng hồ có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ sự thuyết phục tài tình của Thượng tá Hằng mà gia đình ông Phan Anh đã hiến tặng bảo tàng kỷ vật vô giá này. Rồi một lần chị tìm đến nhà Đại tá Vũ Đình Thước ở Thanh Xuân. Ông vốn cùng quê với chị ở Hải Dương. Cụ Thước đã tặng chị chiếc mũ tai bèo còn mới nhưng loang màu máu đã khô cứng cùng một câu chuyện như là huyền thoại. “Năm 1965, Trung đoàn 66 lần đầu tiên xung trận đánh Mỹ ở Tây Nguyên. Tôi đứng chỉ huy đơn vị giữa muôn trùng tia chớp đạn. Một quả đạn cối nổ, tai tôi như điếc đặc, bất tỉnh. Khi tỉnh lại tôi thấy trên mình một chiến sĩ trinh sát đang nằm đè lên. Thì ra trong lúc súng nổ cậu ấy đã xô tôi xuống và nằm đè lên để che đạn cho tôi. Người lính ấy còn rất trẻ, nước da trắng như con gái. Tiếc là cho đến tận bây giờ không biết quê cậu ấy ở đâu để đi tìm lại gia đình. Kỷ vật ấy tôi mang theo suốt đời” - Cụ Thước kể. Ấy vậy mà ông đã trao cái kỷ vật máu thịt của đời ông cho Thượng tá Hằng. Lần khác, Thượng tá Trần Thanh Hằng tìm đến gia đình Trung tướng Lư Giang - nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô để thuyết phục gia đình Tướng Giang trao lại cho Bảo tàng tấm vải dù mà trước khi hy sinh người cận vệ của Tướng Giang tên là Thành (quê Bắc Ninh) đã đắp cho ông trong một đêm mưa phùn, gió rét như dao cắt vào thịt giữa chiến trường khi đơn vị đang hành quân. Tuy nhiên không phải công việc đi tìm kỷ vật của chị bao giờ cũng thuận buồm xuôi gió như vậy. Chuyến đi sưu tầm về các tướng hải quân chị gặp không ít trắc trở. Đến nhà Tướng Đoàn Bá Khánh, chị gặp vợ ông vốn là người quen, cô cháu thường gặp nhau ở cổng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Bà cung cấp cho tiểu sử, ảnh, kèm theo một khẩu súng của ông. Nghe thấy dưới nhà có tiếng cười nói, ông từ trên gác xuống. Ông không những không cho hiện vật mà còn nghi chị là kẻ gian, giả danh cán bộ quân đội đến lừa đảo. Ông cự nự bà rất dữ. Chị tìm cách thuyết phục ông, trình giấy giới thiệu do Giám đốc Lê Mã Lương ký. Tướng Khánh nói thẳng: “Bọn lừa đảo bây giờ làm giấy tờ giả nhiều, không tin được”. Đi họp cựu chiến binh, ông Khánh cảnh báo: “Dạo này có bọn lừa đảo, mang giấy tờ giả đến nhà các tướng xin hiện vật. Mọi người cẩn thận đề phòng”. Phải đến khi Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng (phụ trách Cựu chiến binh Hải quân), người biết rõ chị là cán bộ bảo tàng, giới thiệu và cam kết đảm bảo “người bảo tàng thật”. Lúc bấy giờ tướng Khánh mới tin. Chiều hôm sau, đích thân Tướng Nguyễn Dưỡng còn đưa chị đến nhà Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - người có nhiều công lao xây dựng Quân chủng Hải quân. Khi ấy ông Phát đã mất, con ông là Nguyễn Bá Tài đã lấy chiếc đồng hồ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cha anh năm 1957, đang đặt trên bàn thờ, trao tặng bảo tàng. Trên mặt đồng hồ có khắc ba chữ “Hồ Chí Minh” bằng chữ Hán. Đây là kỷ vật quý mà Tướng Phát đã cất giữ suốt cả đời. Còn nhiều, rất nhiều những kỷ vật của các tướng lĩnh QĐND Việt Nam, tỷ như những kỷ vật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Văn Tiến Dũng… mà chị Hằng dày công sưu tầm. “Lưu Gù” của Tướng Lương Có thể nói trong các đời Giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam thì Thiếu tướng Lê Mã Lương là người đã đưa Bảo tàng LSQS Việt Nam lên một tầm cao mới. Không chỉ đơn thuần ông là người đã kiên trì đề nghị (và cuối cùng đã đạt được) đưa một bảo tàng ở tầm quân đội lên thành một bảo tàng LSQS Việt Nam. Bảo tàng hiện có gần 200.000 hiện vật, mỗi năm đón 20.000 – 30.000 khách tham quan, có năm lên đến 60.000 lượt, đó là chưa kể trên website của bảo tàng rất nhiều độc giả trong và ngoài nước truy cập. Bản thân Tướng Lương cũng là một nhân chứng sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông đã rất nổi tiếng từ khi còn là một chiến binh với câu nói: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” đã được thế hệ trẻ Việt Nam những năm chống Mỹ chép cả vào sách lẫn ghi vào con tim. Tướng Lương là người đầy nhiệt huyết, quyết liệt nhiều khi đến mức cực đoan. Chính cái khí phách thẳng thắn, bộc trực và quyết liệt ấy đã làm ông đứng vững ngay cả khi gặp sóng gió của cuộc đời. Tuy nhiên, nhiều khi cái tính cách ấy lại làm cho nhân viên dưới quyền ông e dè. “Ở Bảo tàng có một người không bao giờ sợ và luôn thẳng thắn nói với Lê Mã Lương khi cần, đó là Thượng tá Trần Thanh Hằng” - Tướng Lương cười nói về chị như vậy khi tôi nói những nhận xét của nhiều người về ông. Thực tế trong mối quan hệ công tác và gia đình, Tướng Lương rất quý và tin tưởng thuộc cấp Trần Thanh Hằng. Ông luôn nói: “Đã giao việc gì cho Thanh Hằng là yên tâm”. Nhiều cán bộ bảo tàng gọi chị là “con dao pha của Tướng Lương”. Ngoài nhiệm vụ chính của một cán bộ nghiên cứu, sưu tầm của bảo tàng, thực hiện nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học chị còn là người thổi lửa cho các phong trào quần chúng. Là Chủ tịch Hội phụ nữ cơ quan 13 năm liền, chị có nhiều đóng góp trong phong trào văn nghệ, các hoạt động của hội, mở rộng liên kết với hội phụ nữ các bảo tàng T.Ư, các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng lực lượng vũ trang. Thực hiện xây dựng Website của Bảo tàng, chị mời người về huấn luyện nhân viên viết bài; rồi tự mình tìm tòi, học hỏi, biên tập, làm tin, bài, xuất bản lên trang web giới thiệu về Bảo tàng với những hiện vật quý giá. Ấy vậy mà mỗi tuần họp hội đồng khoa học chị đều đề xuất các vấn đề mới: Lúc thì đề nghị cải tiến cái này, lúc đòi thay đổi cái kia. Mọi người quen thế. Thậm chí có hôm kết thúc cuộc họp rồi mà không thấy chị nói gì, Tướng Lương nhìn xuống chỗ chị ngồi: “Thế nào, “Lưu gù” không có bản sớ nào tâu nữa à?”. Vâng, chị Hằng là như vậy. Cả cuộc đời chị chỉ làm mỗi một việc, đó là “đi tìm các kỷ vật và bắt chúng “cất tiếng nói” về cuộc đời của một con người, sự kiện cụ thể để các thế hệ không chỉ hôm nay mà mãi về sau ghi nhớ:
“Hỡi nhân loại Khi Trái tim còn đập Hãy nhớ rằng: Hạnh phúc phải trả giá đắt biết chừng nào - Xin hãy nhớ!” (R. Rozdextvenxki).