Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người bệnh thận mạn lưu ý trong mùa Covid-19

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ Covid-19 ảnh hưởng đến thận như thế nào và làm sao để người bệnh thận mạn tính vẫn sống an toàn, vui khỏe vượt qua đại dịch mà vẫn điều trị bệnh được tối ưu và đầy đủ.

Bệnh thận mạn là gì?
Người mắc bệnh thận mạn khi bị giảm chức năng thận mạn tính với độ lọc cầu thận ước đoán nhỏ hơn 60 mL/phút/1,73m2 da, đồng thời gây tổn thương thận như tiểu albumin, cặn lắng nước tiểu bất thường, bất thường về cấu trúc thận kéo dài trên 3 tháng và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Tần suất bệnh thận mạn từ 10 - 15% dân số, ước tính có khoảng 850 triệu người trên thế giới đang mắc bệnh thận mạn.

Khi thận bị suy chức năng tiến triển, người bệnh sẽ mệt mỏi, kém tập trung, ăn kém, nôn ói, thiếu máu, tăng huyết áp, thậm chí hôn mê, co giật. Một khi tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối, người bệnh sẽ tử vong nếu không áp dụng các biện pháp điều trị thay thế thận như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận.

Bệnh thận mạn và Covid-19 có liên quan như thế nào?

Covid-19 là bệnh lý đường hô hấp nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến thận. Virus SARS-CoV-2 sẽ gây tổn thương trực tiếp làm hoại tử tế bào ở thận hoặc gián tiếp thông qua các đáp ứng viêm, tổn thương nội mạc mạch máu, tình trạng tăng đông, thiếu oxy cho mô, thiếu nước…
 Người bệnh thận mạn đang lọc màng bụng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Tất cả các yếu tố này gây nên tình trạng tổn thương thận cấp với nguy cơ 30 - 50% các trường hợp người bệnh nhập hồi sức tích cực, làm tăng tỉ lệ tử vong lên tới 40 - 60%. Một số người bệnh sống sót được cũng có thể dẫn tới suy thận mạn giai đoạn cuối, phải điều trị thay thế thận lâu dài. Ngược lại, nếu bạn mắc bệnh thận mạn, virus sẽ phát triển nhanh chóng. Bản thân bệnh thận mạn không làm tăng nguy cơ nhiễm virus. Tuy nhiên, người bệnh có thể dễ mắc bệnh hơn nếu hệ miễn dịch bị suy yếu do uống thuốc chống thải ghép khi ghép thận, chạy thận nhân tạo, suy thận mạn giai đoạn cuối.

Nếu nhiễm Covid-19, người bệnh thận mạn dễ bị bệnh nặng hơn người bình thường, chức năng thận càng bị sụt giảm nhiều hơn.

Người bệnh cần làm gì?

Người bệnh mắc bệnh thận mạn có nguy cơ diễn tiến nặng nếu nhiễm Covid-19. Vì vậy, cần áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ: Người bệnh cần tuân thủ chế độ điều trị, chế độ ăn kiêng đảm bảo đầy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng theo bác sĩ hướng dẫn. Nếu không thể đến bệnh viện tái khám do đang trong thời gian giãn cách, hoặc đang cư trú trong khu vực bị phong tỏa, người bệnh phải liên hệ với bác sĩ để thông báo về tình hình sức khỏe và tìm giải pháp để duy trì thuốc đang uống, đặc biệt đối với những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như ghép thận hoặc mắc bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ bằng các phương tiện như điện thoại, email, zalo, viber, messenger…

Dự trữ các thực phẩm, thuốc, vật dụng cần thiết: Nếu có thể, cần mua dự trữ những thức ăn kiêng mà người suy thận thường sử dụng cùng các gia vị, đồ gia dụng cần thiết. Người bệnh cần lên danh sách và lập kế hoạch mua dự trữ những thứ này. Nên có sẵn thuốc uống trong 30 ngày. Hiện nay, Bảo hiểm y tế có thể cho phép cấp thuốc trong 90 ngày nếu tình trạng bệnh lý cho phép.

Duy trì chạy thận nhân tạo: Được lọc máu đầy đủ sẽ giúp cho hệ miễn dịch mạnh mẽ và ít nguy cơ lây nhiễm virus hơn. Mặt khác, việc bỏ các cữ chạy thận có thể dẫn đến các biến chứng như phù phổi cấp, tăng kali máu làm nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh hoặc làm cho người bệnh phải nhập viện cấp cứu, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh tại bệnh viện, làm tăng gánh nặng cho nhân viên y tế. Hiện nay, tất cả các cơ sở chạy thận nhân tạo cũng áp dụng các biện pháp phòng tránh lây lan virus.

Chọn phương pháp lọc màng bụng: Lọc màng bụng là biện pháp điều trị thay thế thận thích hợp trong mùa dịch Covid-19 và được Bộ Y tế khuyến cáo ưu tiên áp dụng nếu không có chống chỉ định. Với phương pháp này, người bệnh có thể tự làm tại nhà, ít nguy cơ tiếp xúc với người bệnh khác, nhân viên y tế trong bệnh viện. Người bệnh có thể thăm khám bệnh từ xa, trao đổi với bác sĩ qua điện thoại.

Điều trị chống thải ghép: Sau khi được ghép thận là hết sức quan trọng, không thể bỏ qua. Tuy nhiên, các thuốc này có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, làm cho cơ thể mất sức đề kháng nên dễ bị nhiễm trùng và nhiễm virus hơn. Các thuốc này rất quan trọng, quyết định phần lớn đến hiệu quả điều trị nên người bệnh phải duy trì đều đặn theo hướng dẫn. Trong trường hợp có những thắc mắc về việc sử dụng thuốc, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được giải đáp.

Sống khỏe về thể chất và tinh thần: Cần xây dựng những thói quen lành mạnh về thể chất cũng như tinh thần. Không lo lắng thái quá, hoặc hoang mang sẽ làm cho tình trạng sức khỏe suy yếu, cũng dễ nhiễm bệnh hơn. Ngoài ra, các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch cũng là những yếu tố nguy cơ làm cho bệnh Covid-19 nặng lên nên không thể bỏ qua việc điều trị các bệnh lý này.
ThS. BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo 
Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh