Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người bị cách ly tập trung để phòng chống dịch Covid-19 đi bầu cử thế nào?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh có 68 khu cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Những ngày qua dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thêm nhiều khu dân cư bị phong tỏa. Vậy việc tổ chức bầu cử, bỏ phiếu bầu diễn ra như thế nào trong các khu cách ly tập trung và những điểm bị phong tỏa?

Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh gửi UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, đối với việc tổ chức bỏ phiếu ở các cơ sở cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19 trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, căn cứ vào công văn số 225/VPHĐBCQG-PL ngày 11/5/2021 của Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia (HĐBCQG).
 Những khu cách ly hay bị phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19, tổ bầu cử phải dùng thùng phiếu phụ. Ảnh minh họa.
Theo đó, tùy vào điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương và quy mô, số lượng cử tri tại cơ sở cách ly tập trung, UBND cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung vào khu vực bỏ phiếu thích hợp, bảo đảm sự thuận tiện và phù hợp với năng lực của tổ phụ trách bầu cử trên địa bàn; thực hiện rà soát, bổ sung thêm thành viên tổ bầu cử, bảo đảm đủ số lượng theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBQH&ĐBHĐND), trong đó chú ý bổ sung thành viên là những người đang làm nhiệm vụ trong cơ sở cách ly tập trung, có kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật về bầu cử tham gia và tổ bầu cử vào tổ chức tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho các thành viên mới được bổ sung theo đúng quy định.
Tổ bầu cử, thành viên tổ bầu cử được phân công nhiệm vụ tổ chức để cử tri trong khu cách ly tập trung thực hiện việc bỏ phiếu có trách nhiệm chuẩn bị thùng phiếu phụ, phiếu bầu cử, con dấu “Đã bỏ phiếu” và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác cho công tác tổ chức bỏ phiếu tại cơ sở cách ly tập trung. Đối với những nơi không thể chuyển ngay thùng phiếu về phòng bỏ phiếu do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh thì sau khi hết giờ bỏ phiếu, thành viên tổ bầu cử tại cơ sở cách ly tập trung được phép thực hiện việc kiểm phiếu theo quy định tại điều 73 Luật Bầu cử ĐBQH&ĐBHĐND (bao gồm việc thống kê, lập biên bản, niêm phong phiếu bầu chưa sử dụng, kiểm phiếu bầu có trong thùng phiếu phụ...) và báo cáo kết quả kiểm phiếu cho Tổ trưởng tổ bầu cử bằng cách thức phù hợp. Thành viên tổ bầu cử chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin về kết quả kiểm phiếu.
Sau khi thực hiện đầy đủ các biện pháp khử khuẩn, tiệt trùng, cách ly… cần thiết theo quy định, thành viên tổ bầu cử chuyển thùng phiếu phụ, phiếu bầu cử đã được niêm phong cùng biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử về tổ bầu cử. Trường hợp cơ sở cách ly tập trung, địa bàn phải thực hiện phong tỏa có số lượng cử tri quá lớn hoặc có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch cao thì UBND cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung, địa bàn bị phong tỏa cân nhắc, có thể quyết định thành lập bổ sung khu vực bỏ phiếu riêng tại cơ sở cách ly tập trung, địa bàn bị phong tỏa sau khi báo cáo và được sự phê chuẩn của UBND cấp huyện. Trên cơ sở đó, quyết định thành lập tổ bầu cử để chủ động phụ trách công tác bầu cử tại khu vực bỏ phiếu theo quy định.
Trường hợp các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương có thành viên là người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc Covid-19 (F1, F2) dẫn đến phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà thì tùy tình hình, điều kiện thực tế và nhân sự cụ thể, các địa phương chủ động rà soát, bổ sung, thay thế thành viên tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử để vừa đảm bảo đủ số lượng theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH&ĐBHĐND, vừa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn; khẩn trương tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử mới được bổ sung, nhất là thành viên các tổ bầu cử; có cơ chế, phương án sẵn sàng huy động, trưng tập thêm các nhân sự phù hợp, có kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật về bầu cử tham gia giúp việc, hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử.