Người cán bộ cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Nguyễn Sĩ Đại
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rất nhiều cán bộ trong hệ thống chính trị của nước ta, kể cả cán bộ cấp cao, hàng ngày vẫn nói về cách mạng, về Nhân dân nhưng chưa hẳn đã hiểu về cách mạng; chưa hẳn đã coi phục vụ Nhân dân như một lý tưởng; thậm chí chưa từng đọc một cách nghiêm túc, chưa thấm sâu tư tưởng vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh về cách mạng, về tư cách của người cán bộ cách mạng.

Đó là một trong những nguyên nhân nảy sinh tiêu cực, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nhân kỷ niệm lần thứ 71 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh  2/9, báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Sĩ Đại về tư tưởng của Bác Hồ về đạo đức cách mạng.

Cách mạng là đạo đức

Thế hệ chúng tôi được sinh ra từ cách mạng và thường lấy làm hạnh phúc và tự hào về điều đó. Bây giờ thì không ai nói như vậy nữa vì chế độ mới của ta cũng đã 71 năm. Mọi thứ đề rất tốt đẹp nên người ta tưởng chừng tự nhiên đã như vậy. Vì lý do lịch sử, hai từ “cách mạng” máu thịt hàng ngày với đời sống chúng tôi. Những ngày ấy, từ thiếu nhi quàng khăn đỏ đến người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi thấy lý tưởng cách mạng giải phóng dân tộc; phụng sự Tổ quốc và Nhân dân là lý tưởng đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất trong mọi lý tưởng và ước vọng của con người. Cách mạng vốn mang ý nghĩa tích cực. Cuộc Cách mạng tháng Tám và sự tiếp tục của nó trên đất nước ta là một sự phát triển vượt gộp, không chỉ đánh đổ chế độ phong kiến người bóc lột người; đánh đuổi mọi kẻ thù xâm lược mà còn xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa chưa từng có trong lịch sử nước ta; một hình thái chính trị tiến bộ nhất của nhân loại.
Bác Hồ cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Trung đoàn 239 bắc cầu vượt sông Hồng đêm 5/2/1966. Ảnh tư liệu
Bác Hồ cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Trung đoàn 239 bắc cầu vượt sông Hồng đêm 5/2/1966. Ảnh tư liệu
Tuy chưa hiểu mấy về lý luận chính trị, nhưng chúng tôi nhất định rằng, cách mạng đồng nghĩa với cái đẹp, cái cao cả, cái anh hùng. Những tấm gương ngời sáng như Trần Phú, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu… như mới hôm qua và không bao giờ qua trong suốt cuộc đời. Ông, cha chúng tôi đi làm cách mạng bị đế quốc tù đày, đi làm cách mạng không có lương, không có phụ cấp. Sau này có lương thì cũng chỉ tiêu dùng trong đồng lương Nhà nước, chứ không bán đất Nhà nước, không bán chức vụ để lấy tiền. Cách mạng với chúng tôi trong hành động đơn giản là tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; là “mỗi người làm việc bằng hai”; là sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc: “Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết/Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”. Thời kháng chiến, thời “bao cấp” là như vậy đấy! Tôi có tính không biết hay hay dở, mà dở thì không biết dở đến mức nào, nhưng không sửa được, là có thể nhịn ăn chứ không thể nhịn lời. Nên tôi không chịu được và có khi nổi nóng vì người ta, thậm chí là nhà lý luận, cứ gọi thời kháng chiến, thời trước  Đổi mới là “Thời bao cấp” và sẵn sàng phê phán không tiếc lời. “Bao cấp” chỉ là một đặc điểm của quản lý kinh tế, đâu có thể gọi thay cho một thời kháng chiến hào hùng như thế. Đó là thời mỗi người và cả dân tộc đều thăng hoa, thời nồng nàn tình yêu cách mạng. Song, do ấu trĩ, không ít người coi cách mạng chỉ là việc thay bậc đổi ngôi mà đã phạm không ít sai lầm. Cộng vào đó cũng rất nhiều ảo tưởng, rất nhiều cơ hội chủ nghĩa, rất nhiều đố kỵ đã đẻ ra những sai lầm mang tính chất tội ác, xa rời đạo đức.

Chúng ta là những người theo chủ nghĩa xã hội, những người cách mạng phải thấu hiểu một cách sâu sắc rằng, cách mạng chính là đạo đức. Cuộc cách mạng nào có nhiều hành vi vô đạo đức, người lãnh đạo là người vô đạo đức  không bao giờ là cuộc cách mạng chân chính. Cách mạng là đạo đức; Đảng là đạo đức. Đây chính là một luận điểm căn bản trong học thuyết chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là con một vị Phó bảng, có Nho học uyên thâm, tư tưởng chính trị của Hồ Chí Minh thấm nhuần những yếu tố tích cực nhất trong thuyết vi chính của Nho giáo, đó là thân dân, dĩ dân vi bản (lấy dân làm gốc).  Người bình thường lấy trung hiếu tiết nghĩa làm đức; bậc chăn dân (người cai trị) còn phải biết lo cho bách tính trước; điều mà từ Nguyễn Trãi đến Hồ Chí Minh đều coi trọng, đó là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Pháp trị dễ đưa xã hội vào khuôn khổ, nhưng chính pháp luật cũng phải có đạo đức. Nhiều người coi pháp trị tiến bộ hơn đức trị là không thấu đáo, không phù hợp với truyền thống văn hóa. Đức trị, đạo đức  không chỉ là phương pháp mà còn là mục đích cho một xã hội tốt đẹp. Tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, Người hiểu rõ hơn tính quy luật trong sự phát triển xã hội loài người; hiểu rõ vai trò, sứ mệnh của giai cấp vô sản và chính đảng của nó; để vận dụng vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng một Nhà nước kiểu mới. Nhưng Người không tuyệt đối hóa đối kháng giai cấp. Người nâng cao luận điểm đại đoàn kết toàn dân. Đây cũng là đạo đức cách mạng, là nhân tố làm nên sức mạnh của dân tộc. Trong lịch sử, nhiều cuộc cách mạng khi thắng lợi, đã giết vua và truy sát con cháu của  hoàng gia. Cách mạng tháng Tám không thế, ngược lại Người còn mời ông Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại làm cố vấn cho Chính phủ mới. Đó là đạo đức, là tầm cao và sức hấp dẫn của một cuộc cách mạng thật sự chân chính.

Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.5). Nói về Đảng, đầu tiên là nói về đạo đức. Năm 1960, trong Diễn văn kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Người tổng kết và nhấn mạnh: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Một tác phẩm tâm huyết nhất, một di sản quý  báu về tư tưởng Hồ Chí Minh, chính là Di chúc. Trong lời nói cuối cùng ấy, Người đúc kết vấn đề cốt lõi nhất của một Đảng cách mạng, người cán bộ Đảng; đồng thời là vấn đề sống còn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.
Bắc Hồ đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh tư liệu
Bắc Hồ đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh tư liệu
Từ ngàn xưa, Nhân dân ta đã hiểu đức là gốc và vun đắp cho gốc đức, nền nhân. Câu đầu tiên trong mọi gia phả của tất cả các dòng họ đều viết cây có gốc, nước có nguồn; gốc vững thì cành xanh, nguồn sâu thì dòng mạnh. Tư tưởng cách mạng là đạo đức của Bác Hồ là một kết tinh, có nguồn gốc sâu xa và sức sống bất diệt.

Có lần tôi ngồi xem cụ Lê Xuân Hòa viết thư pháp cả ngày. Khi rảnh khách, cụ nói: “Sao dạo này người ta xin chữ “Đức” nhiều thế; chắc con họ cháu họ thất đức hết cả rồi”! Đó chính là hiện tượng suy thoái đạo đức mà các nghị quyết của Đảng đã đề cập và đấy là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra khủng hoảng.

Tư cách của người cán bộ cách mạng

Trong những bài giảng quan trọng của Nguyễn Ái Quốc tại trường Huấn luyện Quảng Châu những năm 20 của thế kỷ trước, bài giảng về “Tư cách người Kách mệnh” là bài giảng quan trọng nhất. Người nói: "Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo”. (Hồ Chí Minh toàn tập, T2, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.260).

 Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” viết tháng 6/1949, Người viết:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.

Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức, thì không thành người”.

Và Người nhấn mạnh: Liêm là trong sạch, là “luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của Nhân dân”; “không tham địa vị, không tham tiền tài”.

Cán bộ cách mạng xuất thân từ nhiều nguồn gốc khác nhau, để phù hợp với cán bộ xuất thân từ công nông binh, Bác viết một cách giản dị, dễ hiểu: “Chúng ta phải hiểu rằng: Các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” (Sđd, tập 4, tr. 56, 57).

Cuối cùng, trong Di chúc, Người khẳng định lại: Cán bộ, đảng viên là “người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Chữ “đầy tớ” ở đây cần được hiểu là người phục vụ, người phụng sự với những yêu cầu, những phẩm chất cơ bản là tận tụy, trung thành, cống hiến trước, hưởng thụ sau (tiên ưu, hậu lạc). Tư cách, đạo đức của người cán bộ cách mạng còn là nói đi đôi với làm, bản thân mình phải nêu gương trước; là thực hiện những điều cụ thể, thiết thực như cơm ăn, áo mặc, quyền học hành, quyền dân chủ, quyền con người. Bác tiếp thu Nho giáo và các học thuyết chính trị tiến bộ khác nhưng cao hơn là đề cao luận thuyết về sự bình đẳng đương nhiên; sự ngang nhau của tất cả mỗi người.

Đi tới, như lòng Bác ước mong

Khoảng cách của không ít cán bộ hiện nay so với những yêu cầu mà Đảng và Bác Hồ đề ra còn rất lớn, thậm chí ngược lại với yêu cầu đó. Và sự thoái hóa, thậm chí phản bội lý tưởng  của một số cán bộ cao cấp đã làm xấu đi hình ảnh của cách mạng, của chế độ. Nhưng cách mạng như mùa Xuân, luôn tràn đầy sức sống, sẽ lướt qua mọi gian nguy, thử thách; lịch sử sẽ quét sạch mọi tội nhân, tội ác để tiến lên.

Khi đánh đổ chế độ phong kiến, nhiều người, nhiều nơi đã đánh đổ, bỏ qua luôn cả những giá trị quá khứ. Một trong những giá trị đó là đạo của người quân tử, tức của người cán bộ lãnh đạo, người trí thức, người có nhân cách người, “Con Người” viết hoa như Gorki nói. Con đường tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là con đường căn bản để làm người, làm cán bộ. Cũng như công, dung, ngôn, hạnh không thể bỏ qua đối với người phụ nữ; các phẩm chất “phú quý không ham, không thể mua chuộc; lúc nghèo hèn không chuyển dời ý chí; trước uy vũ, bạo ngược không chịu khuất phục” của con người anh hùng, chính trực cần phải là phẩm chất căn cốt của người cán bộ. Sự tu dưỡng, nghiêm khắc, minh giám đối với bản thân cần được thực hiện hằng ngày. Có những việc không ai biết nhưng trời biết, đất biết, bản thân mình biết. Và trong thời đại ngày nay, khó có việc gì mà người khác không biết. Cho nên người cán bộ cũng phải còn biết sợ. Khi có quyền, điều sợ nhất là lạm quyền; là sợ mình sai đề ra việc sai làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người khác, tức là hại dân, hại nước. Còn những kẻ cố tình lạm quyền, cấu kết với nhau để vì lợi riêng, sớm muộn cũng bị trừng trị, dù trong bất cứ chế độ nào, thời đại nào.

Trong mùa Thu Cách mạng, và trong mọi thời khắc, nhớ tới Bác Hồ, là lòng ta lại thanh thản, vững tin ở tương lai như nhà thơ Tố Hữu viết trong “Theo chân Bác”:

Đời sẽ tươi hơn, xây dựng mới

Đàng hoàng to đẹp, sáng trời Đông

Tuổi xanh vững bước lên phơi phới

Đi tới, như lòng Bác ước mong.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần