Người chăn nuôi lợn, gà khóc ròng vì thua lỗ kéo dài

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá thành chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi, gà hơi giảm kéo dài khiến người chăn nuôi điêu đứng, thua lỗ nặng buộc phải treo chuồng. Nếu Nhà nước không sớm có các giải pháp đồng bộ, nhiều vùng chăn nuôi sẽ sớm bị xóa sổ.

Giảm đàn, treo chuồng vì thua lỗ triền miên

Để trống chuồng nuôi đã gần 1 tháng nay, anh Nguyễn Văn Tuấn (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) cho biết, tháng trước, gia đình anh chấp nhận bán 30 con lợn với giá 50.000 đồng/kg, lỗ khoảng 18 triệu đồng. Hiện tại, giá lợn hơi dù nhích hơn một chút nhưng vẫn ở mức thấp nên càng nuôi càng lỗ.

Nhiều hộ chăn nuôi lợn buộc phải giảm đàn vì giá thức ăn chăn nuôi cao. Ảnh minh họa
Nhiều hộ chăn nuôi lợn buộc phải giảm đàn vì giá thức ăn chăn nuôi cao. Ảnh minh họa

“Bây giờ nhiều hộ tại địa phương không còn mặn mà với chuyện chăn nuôi lợn thịt nữa. Bởi giá lợn hơi trên thị trường đang diễn biến khó lường, còn giá các loại vật tư đầu vào nhất là giá thức ăn chăn nuôi luôn duy trì ở mức cao. Nếu nuôi lợn sinh sản để bán con giống thì cũng không có người mua. Đó là chưa nói đến rủi ro dịch bệnh, nói chung người chăn nuôi vẫn là người chịu thiệt” - anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Tại thủ phủ chăn nuôi ở Đồng Nai, thời điểm này không khí chăn nuôi cũng rất ảm đạm khi hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn, gà giảm đàn, thậm chí treo chuồng vì thua lỗ nặng.

Theo tính toán của người chăn nuôi gà, giá thức ăn chăn nuôi hiện nay ở mức bình quân 13.500 đồng/kg, 1 kg gà công nghiệp cần khoảng 1,6 kg thức ăn. Như vậy con gà thương phẩm 2kg sẽ cần khoảng 43.000 đồng tiền thức ăn chăn nuôi cộng 5.000 đồng tiền con giống, thêm phí thú y, điện, nước, lao động từ 53.000 - 55.000 đồng, trong khi giá gà công nghiệp lông chỉ dao động ở mức 23.000 – 25.000 đồng/kg.

Chăn nuôi gà công nghiệp tại Đồng Nai. Ảnh minh họa
Chăn nuôi gà công nghiệp tại Đồng Nai. Ảnh minh họa

Mỗi con gà xuất chuồng người nuôi lỗ từ 4.000 – 5.000 đồng. Với nhiều trại có quy mô lớn, tổng đàn vài trăm nghìn con, mỗi lứa gà xuất bán, người nuôi thua lỗ hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Hùng (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Mong muốn của tôi là các công ty thức ăn chăn nuôi tính toán lại giá thành cám để chia sẻ với hộ chăn nuôi, tiến tới tái đàn và ổn định sản xuất. Bởi, những trang trại lớn mỗi lần nhập cám là kinh phí lên tới vài trăm đến cả tỷ đồng nên người chăn nuôi trở tay không kịp. Chính trang trại của tôi đã có thời điểm bất đắc dĩ phải cho gà ăn cầm chừng hoặc nhịn đói 1 - 2 ngày.”

Còn theo  phản ánh của nhiều hộ chăn nuôi lợn tại Đồng Nai, giá lợn giống từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/con, giá thức ăn trung bình 13.000 – 14.000 đồng/kg, cộng với chi phí điện, nước, thú y để có 1 con lợn 100 kg xuất chuồng phải tốn từ 5,2 – 5,7 triệu đồng, trong khi giá lợn hơi chỉ xung quanh 52.000 - 54.000 đồng/kg nên người chăn nuôi đang thua lỗ 600.000 – 800.000 đồng/con bán ra.

Cần thực thi sớm chính sách hỗ trợ

TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định, tình hình chăn nuôi khó khăn kéo dài hiện nay chủ yếu do giá thành chăn nuôi cao trong khi nguồn thịt lợn, gà từ các tập đoàn lớn nhiều, lượng thịt nhập khẩu rất cao, cung vượt cầu khiến giá rẻ kéo dài. Chưa bao giờ người chăn nuôi lại gặp khó khăn kép như hiện nay, khi giá thức ăn chăn nuôi luôn neo ở mức cao trong khi giá lợn hơi, gà hơi lại giảm mạnh.

 

Về tổng thể, ngành chăn nuôi nói chung phải theo quy hoạch, định hướng và bám sát nhu cầu thị trường nhằm tránh tình trạng phát triển nóng, được mùa mất giá hoặc khan hàng, tăng giá như đã từng xảy ra.

TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam

Thực tế cho thấy, ngành chăn nuôi luôn thu hút sự quan tâm của người dân bởi sự phổ biến của thịt lợn, thịt gà trong bữa ăn hằng ngày ở mỗi gia đình. Để bảo đảm hài hòa giữa sản xuất và nhu cầu tiêu dùng những mặt hàng thực phẩm thiết yếu này, hệ thống giải pháp phải đồng bộ, xuyên suốt, trong đó, nhiệm vụ quan trọng đã được các chuyên gia, nhà quản lý khuyến cáo nhiều lần là phát triển ngành chăn nuôi hiệu quả, bền vững.

Trước mắt, để tháo gỡ ngay khó khăn, cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm. Đặc biệt, cần tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu để từng bước chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi nội địa.

Về lâu dài, các cơ quan chức năng và địa phương cần bám sát, triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 6/10/2020).

Đề cập về giải pháp lâu dài, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, cần tổ chức hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn, gà gắn với các chuỗi liên kết. Theo đó, địa phương, trung tâm mua bán, siêu thị, chợ đầu mối và các chương trình bình ổn, xúc tiến thương mại ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần quản lý chặt hoạt động nhập khẩu thịt và phụ phẩm.

Cùng với đó, kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, nhất là ở các vùng chăn nuôi lợn , gà hàng hóa trọng điểm.