Người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) Chúng tôi về thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) vào một ngày cuối năm, thăm nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - nơi lưu dấu nhiều kỷ vật về Đại tướng mà lòng bồi hồi xúc động.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967)
Mái nhà xưa, đơn sơ, mộc mạc, chứa chan bao ân tình. Những ngày này, nơi đây tấp nập du khách đến viếng, tham quan và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của vị Đại tướng tài đức vẹn toàn của quân đội ta, hội tụ đủ phẩm chất "nhân, trí, tín, dũng, liêm, trung".

Từ Bình - Trị  - Thiên khói lửa

Sinh ra và lớn lên trong một làng quê nghèo, sớm nhận thức được lẽ sống, lý tưởng, trách nhiệm của mình đối với nhân dân, khi mới 14 tuổi, Nguyễn Chí Thanh đã tham gia đấu tranh chống áp bức, cường hào và hoạt động cách mạng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong phong trào Mặt trận Dân chủ bằng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Ông trở thành đảng viên của Đảng năm 1937 và từ đây bắt đầu cuộc đời của người chiến sĩ cách mạng.

Năm 1948, T.Ư quyết định thành lập Phân khu Bình - Trị - Thiên để thống nhất lãnh đạo, chỉ huy 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Nguyễn Chí Thanh được chỉ định làm Bí thư, rồi đảm nhiệm cương vị Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4.Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bình - Trị - Thiên vô vàn gian khó, lực lượng vũ trang còn non trẻ, thiếu thốn đủ bề, ông đã cùng Phân khu ủy lãnh đạo quân và dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách với tinh thần "mất đất chưa phải là mất nước; chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân; có lòng tin của dân là có tất cả". Từ đó, Phân khu ủy đề ra nghị quyết "phải nhanh chóng chuyển sang tiến công địch, kiên quyết luồn trở lại vùng đồng bằng đang bị địch chiếm đóng, bám đất, bám dân, phát động phong trào chiến tranh du kích, phá tan chính sách bình định của địch". Bình - Trị - Thiên đã trở thành mặt trận sôi động và anh dũng, góp phần chặn đứng âm mưu của thực dân Pháp hòng chia cắt chiến lược và mở rộng chiến tranh ra vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Từ thực tiễn chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa, sống, chiến đấu trong lòng nhân dân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đúc kết kinh nghiệm và góp phần xây dựng, khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của lý luận chiến tranh nhân dân Việt Nam với ba thứ quân gồm chủ lực, địa phương, dân quân du kích, với chủ trương cốt lõi: "Bám dân, bám đất, một tấc không đi, một ly không rời"; "Có dân, có đất là có tất cả". Đây thực sự là những đúc kết về lý luận rất mới, rất sáng tạo trong cuộc chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược, trong đó Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người phát hiện và có những đóng góp rất quan trọng.

 
Khách tham quan Triển lãm “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Cuộc đời và sự nghiệp” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.    Ảnh: TTXVN
Khách tham quan Triển lãm “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Cuộc đời và sự nghiệp” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Khi về làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông đã cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trương về mặt chính trị, giương cao hai ngọn cờ: "Con người là nhân tố quyết định" và "Cán bộ là tại chỗ". Cán bộ là tại chỗ, tức cán bộ phải từ cơ sở, am hiểu thực tế đơn vị, trưởng thành qua chiến đấu, được giáo dục đào tạo bài bản qua trường lớp. Cán bộ phải vừa có bản lĩnh, kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức tốt, vừa có trình độ theo công việc phụ trách. Nói ngắn gọn, cán bộ phải từ chiến sĩ mà lên, từ nhân dân mà ra.

Đến chiến trường miền Nam anh dũng

Năm 1964 - 1965, trong bối cảnh đế quốc Mỹ đưa không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, đưa quân đội trực tiếp vào xâm lược miền Nam, Bộ Chính trị điều động ông vào chiến trường đảm nhiệm cương vị Bí thư T.Ư Cục miền Nam, trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ở chiến trường, với tầm nhìn chiến lược sắc sảo, tư duy khoa học biện chứng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ ra: Nếu Mỹ là triệu phú về đô - la thì nhân dân chúng ta có triệu phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Câu khái quát thật mộc mạc, chính xác và dễ hiểu này đã thực sự góp phần củng cố thêm niềm tin cho quân và dân ta tiếp tục phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên định tư tưởng tiến công, "không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết đánh Mỹ, đấu tranh vì độc lập, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội”. Từ thực tiễn chiến đấu, với sự sáng tạo của các đơn vị và địa phương trên toàn Miền, với tư duy khoa học, biện chứng sắc sảo, Đại tướng đã tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến: "Nắm thắt lưng địch mà đánh" và phải chủ động "Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt"; đánh gần, đánh nhanh, di chuyển nhanh; đánh liên tục để hạn chế tối đa thương vong của bộ đội trước ưu thế hơn hẳn về hỏa lực của địch... Thực tiễn đã chứng minh, đó là những tổng kết vừa mang tầm chiến lược, vừa có giá trị chiến thuật góp phần đẩy lùi tâm lý thiếu tự tin trước ưu thế vượt trội về số lượng, trình độ và uy lực của vũ khí trang bị và phương tiện chiến tranh của quân đội Mỹ.

Phát hiện đế quốc Mỹ thay đổi thủ đoạn từ chiến lược "chiến tranh đặc biệt" sang "chiến tranh cục bộ", từ kinh nghiệm của các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề xuất với T.Ư: Phải xây dựng các đơn vị quân chủ lực tinh nhuệ, có khả năng và luôn cơ động (tức vận động chiến); phải thực hiện đánh tiêu diệt lớn đối với quân chiến đấu Mỹ ở những trận then chốt thì mới có thể giành thắng lợi. Đề xuất của Đại tướng đã nhận được sự đồng ý của Quân ủy T.Ư và T.Ư Đảng, các đơn vị chủ lực Miền đã phát triển nhanh chóng. Năm 1964, toàn Miền mới có 11 trung đoàn và 15 tiểu đoàn, thì đến cuối năm 1965 đã phát triển thành 5 sư đoàn và 11 trung đoàn bộ binh, nhiều trung đoàn và tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật; từ các tổ, đội đặc công, biệt động phát triển thành các trung đoàn, tiểu đoàn đặc công, biệt động.

“Đại tướng nông dân”

Năm 1960, khi vừa hoàn thành chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp thì thiên tai, dịch bệnh làm mất mùa, thu nhập kém khiến người dân phân vân không biết làm tập thể hơn hay cá thể hơn, tạo ra không khí vô cùng trầm lắng, có sự băn khoăn trong nhân dân. Cũng vào thời điểm đó, Đại hội toàn quốc lần thứ ba của Đảng họp vào tháng 8/1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Lúc đó, ai cũng nghĩ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ giữ những trọng trách trong quân đội. Thế nhưng, ngay sau Đại hội, Bác Hồ lại mời Đại tướng đến và giao nhiệm vụ: "Hiện nay, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trầm lắng vì thiên tai, dịch bệnh khiến nông dân mất mùa, chú phải tìm một điển hình tiên tiến để phát động phong trào thi đua yêu nước, xua tan bầu không khí trầm lắng ở nông thôn, đưa phong trào hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên".

Chỉ ít lâu sau, một điển hình trên mặt trận nông nghiệp xuất hiện. Đó chính là kết quả của nhiều tháng liên tục Đại tướng lội ruộng cùng với bà con nông dân, xem xét việc canh tác ở hợp tác xã Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Từ thực tiễn của sản xuất, Đại tướng đã viết bài “Hoan nghênh hợp tác xã Đại Phong” đăng trên báo Nhân Dân, giới thiệu những kinh nghiệm quý của một điển hình trong quá trình hợp tác hóa nông nghiệp. Đây là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân miền Bắc lúc bấy giờ. Theo đề nghị của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đảng đã phát động phong trào thi đua với hợp tác xã Đại Phong trong nông thôn miền Bắc. Và "Gió Đại Phong" đã cùng với "Cờ Ba Nhất", "Sóng Duyên Hải"... trở thành động lực, sức mạnh tinh thần cho cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là minh chứng sinh động nữa về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Đại tướng toàn tài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần