70 năm giải phóng Thủ đô

Người cho con tằm tự dệt lụa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, bà Phan Thị Thuận- Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (thôn Hạ, Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) luôn nói đến cái “tâm” chữ “tín” trong giữ nghề và phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa.

Từ cái “tâm” đau đáu giữ nghề …

Theo bà Thuận, nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa của Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội là nghề cha truyền con nối. Bà là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm nghề dệt lụa tơ tằm. Bà đã chứng kiến những thời kỳ hoàng kim của huyện Mỹ Đức những năm 70 của thế kỷ trước, có cả Xí nghiệp Tơ tằm Mỹ Đức phát triển với vùng nguyên liệu hàng chục nghìn héc-ta trồng dâu, với hàng ngàn hộ nuôi tằm, dệt lụa ven sông Đáy.
Bà Phan Thị Thuận chia sẻ với phóng viên bên tấm lua do tằm tự dệt.
Bà Phan Thị Thuận chia sẻ với phóng viên bên tấm lụa do con tằm tự dệt.
Nhưng khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế mới, các sản phẩm may mặc thời trang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam, với giá rẻ, dễ sản xuất nên đã đẩy ngành trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa đi đến bên “bờ vực phá sản”, toàn bộ diện tích trồng dâu phá bỏ và hàng loạt thợ bỏ nghề.

Sau khi các hộ gia đình đã bỏ nghề, chỉ còn lại gia đình bà “vật lộn” với nghề. Trong lòng bà có lúc rối bời như mối tơ vò không tìm được điểm nút. Với tình yêu, cái “tâm” tự hào với nghề dệt lụa tơ tằm của ông cha để lại, và luôn đau đáu muốn giữ lại nghề, bà Thuận đã đi khắp nơi để tìm kỹ thuật cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, đầu ra cho sản phẩm tơ tằm.

Nhiều người thấy bà nhọc nhằn bươn trải cùng con tằm, cái kén cũng ái ngại và cũng có người đã khuyên bà nên bỏ nghề. Với tâm huyết không chỉ có giữ nghề mà muốn cho sản phẩm lụa Mỹ Đức khác biệt với các sản phẩm lụa khác, không bị pha trộn nên bà vừa làm, vừa tìm hiểu thị trường, vừa nghiên cứu, đọc các tài liệu để cải tiến sản phẩm lụa cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng

Những năm đầu khi đất nước đổi mới đến năm 2010, sản phẩm lụa của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, chỉ thông qua những du khách, hoặc người Việt Nam đi nước ngoài để giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra nước ngoài, tiêu thụ đạt 70% sản lượng sản xuất ra thời kỳ này.

… đến sáng kiến đưa con tằm tự dệt

Suốt những năm làm nghề, để sản phẩm lụa đạt chất lượng, bà Thuận đã dạy nghề cho rất nhiều người trong xã. Ai muốn học và theo nghề bà đều giúp đỡ và nhận vào làm. Nhưng “...nuôi tằm ăn cơm đứng”, nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa vốn dĩ nhọc nhằn, và đòi hỏi người làm phải chịu khó, tỷ mỉ trong mọi công đoạn, thu nhập không cao. Do đó, nhiều người đến rồi lại bỏ nghề.

Bà Thuận chia sẻ, đến nay bà đã đào tạo nghề cho hơn 1.000 người. Nhiều người đã thành thục với nghề, nhưng vẫn bỏ với nhiều lý do, vì thế đã có lúc bà không chủ động được thời gian thực hiện các hợp đồng đặt hàng.
Bà Thuận chia sẻ với khách tham quan tấm lụa tằm tự dệt.
Bà Thuận chia sẻ với khách tham quan về tấm lụa do con tằm tự dệt.
Mặt khác, trước kia những nguyên liệu sau khi sử dụng dệt lụa xong bị loại bỏ, như: Lõi kén, xơ kén, né kén, kén hỏng bà đều thấy tiếc của, tiếc công. Bà Thuận đã tỷ mỷ vê và nối từng sợi tơ bằng tay. Dù mất công nhưng đã tiết kiệm được nguyên liệu cho dệt lụa. Chính đôi bàn tay khéo léo của bà đã tạo ra những chiếc khăn, áo bằng vải thô, vải đũi xốp, ấm về mùa đông và mát về mùa hè.

Với nguồn nhân lực cho nghề lụa quá ngặt nghèo, và nếu cứ để con tằm dệt theo kiểu truyền thống sẽ có nhiều phế phẩm, với cái “tâm” yêu nghề, nâng niu con tằm như con trẻ, yêu, và hiểu được đặc tính của chúng, bà Thuận đã nghiên cứu để đưa con tằm tự dệt thay cho người thợ.

Nếu không được chứng kiến mà chỉ nói con tằm tự dệt thành tấm lụa phẳng, ai cũng khó tin. Nhưng khi nhìn hàng trăm con tằm đang dệt trên tấm lụa phẳng đó là một sự kỳ lạ và đột phá trong ngành dệt lụa của Việt Nam. 
Lụa do tằm tự dệt tiết kiệm chi phí thuê nhân công, sợ tơ đẹp, hạn chế nguyên liệu phế thải.
Lụa do tằm tự dệt tiết kiệm chi phí thuê nhân công, sợi tơ đẹp, hạn chế nguyên liệu phế thải, sản lượng cao.
Bà Thuận cho biết: Năm 2010 bà bắt đầu nghiên cứu, đến năm 2012 sáng kiến đưa con tằm tự dệt thành hiện thực, và được Cục sở hữu trí tuệ đăng ký độc quyền sáng chế. Năm 2015, bà  được vinh danh nhà nông sáng tạo.

Ngoài việc giảm chi phí thuê lao động, với việc đưa con tằm tự dệt, bà Thuận  đã nâng cao sản lượng tơ trên số lượng tằm nuôi, vì hạn chế được kén hỏng, sợi tơ óng đẹp, chủ động được thời gian giao nộp sản phẩm theo hợp đồng đã ký.

Cùng với đó, bà Thuận đã đổi mới phương pháp dệt sợi sao cho không bị xô dạt, bông xốp, phối màu tự nhiên. Trước năm 2010, cơ sở dệt lụa của bà Thuận phụ thuộc vào khách mua nước ngoài, nhưng từ khi đưa con tằm tự dệt vào, đổi mới cách dệt lụa, tìm hiểu để tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước và lấy chữ “tín” làm đầu, đến nay doanh nghiệp Dệt lụa Mỹ Đức đã chuyển sang tiêu thụ trong nước tăng lên 70% sản lượng sản xuất, và tiêu thụ ở thị trường nước ngoài còn 30%. 

Sản phẩm của Công ty đã được đa dạng chủng loại, ngoài các loại khăn tơ tằm thô, gai, áo, quần, khi đưa con tằm tự dệt đã trực tiếp tạo ra những chiếc chăn tơ tằm, nhẹ, ấm, không xô. Đây chính là sản phẩm khác biệt của dệt lụa Mỹ Đức với các cơ sở dệt lụa khác. Ngoài ra, doanh nghiệp của bà còn cung ứng nguyên liệu dệt lụa cho một số doanh nghiệp trong nước. 

Đến nay, doanh nghiệp của bà thường xuyên giải quyết việc làm cho 15 lao động. Từ chỗ chi có gia đình bà làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, đến nay bà Thuận đã vận động mở rộng được 7 hộ gia đình cùng tham gia vào sản xuất. 

Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức được vinh dự nhận Huy chương vàng toàn quốc cho sản phẩm khăn tơ tằm thô làm từ kén phế thải, sản phẩm tiêu biểu 1000 năm Thăng Long … Làm nghề không mong nhận được những giải thưởng, chỉ mong được nhiều người biết đến, tin dùng,  góp công cùng doanh nghiệp dệt lụa Mỹ Đức khôi phục, đưa được sản phẩm truyền thống nổi tiếng của Hà Nội đến với mọi miền đất nước, và nước ngoài, bà Thuận chia sẻ./.