Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người chơi đàn một chân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đàn ông có mái tóc muối tiêu lặng lẽ nốt nhạc của cuộc đời, mà số phận đã an bài ông ở góc phố X. Ông chơi guitar lão luyện và dường như thâm niên chơi đàn của ông còn nhiều hơn số tuổi của những hàng cây trên ngã tư này.

Sự ngột ngạt của căn gác nhỏ chật chội, với lối ngõ chỉ vừa người đi khiến ông muốn ra ngồi phố. Như thể nếu tiếng đàn phải cất lên từ căn gác đó sẽ không ngân được hết âm lượng mà khả năng nó có thể, hoặc ông muốn nỗi cô đơn của mình được tãi lên đoạn phố này. Là hàng xóm của ông, tôi biết ông đã tãi nỗi buồn suốt mấy mươi năm qua. Ai mà không có nỗi buồn, nhưng người chơi nhạc, mà rộng hơn là thế giới nghệ sĩ, luôn có cái buồn miên man, khắc khoải.

Ông Bốt để lại một bên chân ngoài chiến trường, và năm 1973, ông trở về thành phố rồi tham gia nhóm guitar. Ông là bộ đội xuất ngũ. Tiếng nhạc có chất lính tráng, sự cảm nghiệm về sự mong manh giữa sống và chết. Vậy nên, tiếng đàn của ông bao giờ cũng được đánh giá có chiều sâu, có cái đằm của một người điềm đạm. Mấy năm sau, ông may mắn lấy được vợ và mấy năm sau nữa, may mắn có con. Một cô con gái xinh xắn. Họ sống tằn tiện trên căn gác đó mà một thời gian, tôi cũng từng đến để xin ông chỉ cho mấy ngón đàn. Thời gian đó nếu phải ra ngoài, ông di chuyển rất chậm bằng chiếc xe lăn cũ kỹ. Sau này, ông tìm được nơi nhờ gắn chân giả, chuyện đi lại tiện lợi hơn. Trong số năm người cùng nhóm, ông là người thiệt thòi nhất, tuy cùng cảnh nghệ sĩ nghèo giống nhau nhưng vợ ông liên miên bệnh tật, sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Sau này, cô con gái oặt ẹo gầy còm cũng thường phải đi khám bác sĩ. Sự túng quẫn đôi khi khiến ông tiêu cực nghĩ mình là cái nốt nhạc gì ở giữa cuộc đời này mà nó cứ thống thiết đến thế?!

 
Minh họa: Hoa Quỳnh
Minh họa: Hoa Quỳnh
Vợ mất sớm, ông Bốt rơi vào cảnh gà trống nuôi con với những tiếng đàn dặt dìu và xa xót hiến dâng cho đời. Khán giả yêu tiếng đàn của ông và khuôn mặt phúc hậu ấy. Song ít người biết ẩn sâu sau tiếng đàn đó, nụ cười tươi trên khuôn mặt ông là nỗi buồn. Sáu dây guitar nức nở. Ông phải dạy kèm thêm nhiều học trò để có tiền nuôi cô con gái tên Lan. Ông thực lòng muốn Lan yêu các ngón đàn của ông và có thể tiếp nhận phần nào để làm giàu có tâm hồn nó. Cô bé có vẻ cũng chấp nhận điều đó. Song đôi lần tỏ vẻ không vui mỗi vì xin tiền bố đóng học mà cứ bị khất. Năm mười ba tuổi thì trong cô, mặc cảm về cuộc sống nghèo khổ dần trở nên sâu sắc. Cô coi thường tiếng đàn của bố và không muốn học bất cứ điều gì nữa. Ông Bốt không khuyên được con. Chỉ sau vài câu nói là bố con chát chúa to tiếng. Lan đi rửa bát thuê, tiền kiếm được cũng mang về giúp bố nhưng chất giọng chưa bao giờ nguôi ngoai sự coi thường. Tại sao bố không cho con no đủ? Con ghét tiếng đàn của bố, nó không cho con tiền. Con không muốn học nữa. Không muốn chút nào. Lòng ông Bốt nổi bão, nước chắt ra từ hai khóe mắt: Bố vẫn muốn con phải đi học. Đứa con chối từ, nói:

Con đi rửa bát cơ!

Nó dứt khoát đi. Một chị tạp vụ ở tòa nhà 7 tầng cách nhà ông hai dãy dắt mối. Con bé nghe ngay. Sáng nó đi làm, tối về nhà rồi lăn ra ngủ. Tiếng đàn ông Bốt bất lực rơi trong cô đơn.
  * 

*     *      
    
Năm Lan mười tám tuổi, nó rất ít khi về nhà với bố. Có hỏi, nó không nói rồi đến lúc ông bực mình gắt gỏng. Hai bố con cãi nhau. Lan đi biệt. Ông Bốt chẳng biết con có còn rửa bát thuê không, hay đã làm nghề khác. Làm sao ông biết. Ông chỉ biết tiếng đàn của mình vẫn ngân lên thê thiết, vẫn có ích cho một số người, vẫn đớn đau nơi con ngõ nhỏ hiện diện giữa một không gian phố sang trọng tại trung tâm của thành phố. Vậy mà có lúc, ông cảm thấy tiếng đàn của mình lạc lõng giữa phố. Nhóm chơi nhạc đã già nua, di chuyển chậm. Người ta thì chạy nhanh hơn với những toan tính mưu sinh. Tiếng đàn và ông làm bạn với lá vàng, những gốc cây nơi góc phố thân quen. Mấy gã xe ôm chỉ nghe mà không bao giờ biết biểu lộ cảm xúc. Những cô gánh hàng rong đi qua chỉ ném lại những cái nhìn thắc thỏm. Duy có một lần, cô bé bán bánh bao đưa cho ông một chiếc bánh bao ế vào cuối buổi sáng mời ông ăn.

- Cháu nghe bác đàn hay quá. Cháu mời bác ăn.

Ông Bốt đón lấy. Cảm ơn. Hay hả, hay như thế nào. Chắc chắn cô không giải thích được. Nhưng ông vẫn hỏi cô có thích bài "Phố xa" không? Thích ạ. Một câu trả lời có vẻ rất bản năng. Ông Bốt vẫn chơi trong tâm trạng phấn khích. Lần đầu tiên trong đời có cô bé cảm động trước tiếng đàn của ông mà tặng cho bánh bao. Tiếng đàn cất lên. Đúng là đàn gẩy tai trâu. Nhưng vị khách có vẻ rất thích thú vì được phục vụ. Cô đã cười rất tươi sau khi nghe xong, rồi quẩy gánh ra về.

Thực ra thì ông Bốt có rất nhiều khách giống như bé cô bán bánh bao. Họ sống kiếp nghèo và tù túng. Họ thuộc về đường phố bụi bặm khói xe và cách cư xử hè phố. Nhưng họ cố tỏ ra mình thích nghe đàn và có người thích thực sự. Đấy, cái bà Nhung tai biến đã nhờ nghe tiếng đàn của ông mà bệnh đỡ, thằng Mít con chị Hoài nghịch ngợm học dốt nhờ tiếng đàn ông đã thi đỗ vào nhạc viện, chị nhân viên tạp vụ Công ty Mỹ Hoàn nhờ tiếng đàn ông đã không tự tử nữa khi anh xe ôm phụ tình… Ông thấy tiếng đàn của mình có ích đấy chứ. Đời cũng là âm nhạc mà. Những con người ông đã giúp kia là những nốt nhạc trầm. Ông không biết nữa. Ông cũng chưa thực sự biết họ trầm đến đâu. Cũng như họ đã không biết ông là nốt nhạc trầm đến đâu, càng không biết rằng ông rất cô đơn.

Bên chân cụt ngứa ngáy nổi nốt, lại toét miệng chảy nước. Ông Bốt phải tháo chân giả, dùng nạng chống di chuyển ra góc đường làm bạn với phố. Lá trút vàng bậc thềm. Tiếng đàn lao xao, lao xao. Nhớ con gái, ông ứa nước mắt. Con ơi, con ở đâu? Tiếng đàn không giúp được số phận ông nghèo và buồn tủi, không đưa, ông đi tìm con gái, chỉ ru ông về miền trống vắng trong tâm tưởng, những hoài ức đẹp của thời trẻ trai. Ông lại giúp được một cô sinh viên bớt chán nản tình phụ vì những tình khúc bất hủ nước ngoài. Cô gái cảm thụ âm nhạc tốt, nhưng chắc chắn đã không đoán được lòng dạ gã người yêu có máu Sở Khanh. Cô dính bầu phải tự giải quyết hậu quả. Cô từng không muốn sống. Ngang qua phố, ông già ôm đàn bên thảm lá vàng vỉa hè, chẳng ăn nhập gì với cuộc sống hiện đại đã khiến lòng cô trầm xuống. Âm nhạc lan tỏa vào mạch máu. Cô thấy tia hy vọng và ngộ ra phải sống khác đi…

Chỉ ông lão là buồn. Tâm trạng trầm hơn. Dao sắc không gọt được chuôi. Biết bao người đã được ông giúp, đã tìm được cách sống khác đi, còn chính bản thân ông lại không thể làm đời mình khác được. Lan ơi, giờ này con ở đâu? Bao đêm, tiếng đàn ông khẩn thiết kêu gào...
             * 

*     *
Rồi một ngày, có cô gái ăn mặc sành điệu xuất hiện. Quần jean bó sát, áo sơ mi đóng thùng, cặp kính râm thời trang long lanh. Cô lắng nghe tiếng đàn. Tự nhiên thấy chân mình run quá. Chưa bao giờ, cô thấy tiếng đàn hay đến thế. Ông Bốt chơi một bản romance nước ngoài, cô không biết tên, nhưng nó thực sự rất thấm thía. Nó cho cô hồi tưởng lại cuộc sống của mình thuở ấu thơ và những ngày mưu sinh đầy tủi hờn, nước mắt. Nó khiến cô nghĩ lại rất nhiều điều. Từng tiếng đàn như từng mảnh pha lê, rắc vào tim cô nỗi tủi cực. Cô trào nước mắt và thấy mình đã từng quá nhẫn tâm với tiếng đàn. Ông lão không biết cô gái trước mặt mình là ai, càng không biết cô đang khóc. Ông chỉ nhận ra cô là người kỳ lạ. Chiếc túi xách điệu đà kia, được mang bởi cánh tay trắng ngần với những ngón đã được sơn đỏ điệu đà. Rất nhiều lần ông từng nghĩ những cô gái chỉ quen với giày cao gót sẽ không thích món âm nhạc bình dân đường phố. Nhưng hôm nay, ông đã thấy cô gái này nhập tâm.

Lan nhận ra ngay là bố mình. Bảy năm rồi còn gì. Ông già đi, tội nghiệp hơn. Tiếng đàn ông cũng đẹp đến tội nghiệp. Nhưng cái cách ông chơi suốt bao năm qua không thay đổi, nhập tâm, mê đắm. Tiếng đàn như cứ bật ra từ mười đầu ngón tay nhảy múa. Vậy mà trước đây cô không thể nhận ra điều đó. Cô đoán chắc ông chẳng thể nào nhận ra mình. Làm sao ông biết được là cô con gái ích kỷ ngày nào đang đứng trước mặt ông với một dáng vẻ hoàn toàn khác, được ngụy trang bởi thời gian và lụa là. Chính cô là người đã bỏ mặc ông cô đơn mà ra đi. Từ một con bé rửa bát thuê, cô đã trở thành một cô gái hư hỏng, sống đua đòi, buông thả để rồi sau đó hành nghề bán dâm hèn hạ. Tấm thân tàn tạ này đã là một cái giá quá đắt cho ước mơ ăn sung mặc sướng của đứa con gái nông nổi. Và giờ cô ân hận.

Hôm nay, Lan chỉ định về đây hỏi han tình hình của bố rồi sẽ lặng lẽ ra đi. Phải, đã chẳng giúp được gì, giờ về làm phiền bố làm chi. Cô nghĩ thế. Tiếng đàn đã ngân lên những giai điệu cuối cùng của bản nhạc không lời. Lan quay mặt đi, định bước.

Bất ngờ ông lão buông đàn, cầm nạng đu mình đứng lên.

- Này con gái, đã về rồi còn đi đâu thế? - giọng ông thảng thốt.

Lan đứng sững lại. Sao có thể thế được. Làm sao ông có thể nhận ra. Cô quay lại nhìn bố. Nước mắt đã chan chứa tự lúc nào. Ông lão nhìn con gái, giọng khẩn thiết:

- Con tưởng bố không nhận ra con sao? Bố vờ như vậy đó. Bố mừng là con về, con đã nghe tiếng đàn của bố. Giờ ở nhà thôi.

- Vâng, con xin lỗi bố…

Ông lão khóc, dang hai cánh tay ra. Cô con gái ôm chầm lấy ông.

- Con đã đi đâu thế? - ông hỏi trong nấc nghẹn - Bố đã rất nhớ con. Ngày nào cũng nhớ. Ngày con bỏ đi, bố đã đi tìm con rất nhiều. Bên chân này cũng vì thế mà mòn đi. Nhưng không thấy con. Nhiều lúc, bố tuyệt vọng vì không thấy con.

- Con xin lỗi bố - Lan nói - chính con cũng biết bố đi tìm và con đã trốn tránh. Con không muốn về. Con ích kỷ quá phải không ạ? Đã để bố cô đơn.

Hai bố con ôm nhau chặt hơn. Vai bố, vai con đã đẫm lệ tự lúc nào. Lan thấy mình cần phải sống khác đi. Cô nói điều đó với bố. Ông Bốt chỉ nói: "Con về với bố là mừng rồi, bố rất sung sướng khi lại tìm được con!"

Từ hôm đó, tiếng đàn của ông già cụt chân bớt cô đơn.