Hà Nội:

Người cựu chiến binh cùng nỗi niềm phát triển mô hình giống lúa chất lượng cao

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trở về từ chiến trường Quảng Trị là thương binh 4/4, CĐHH 41%, ông Nguyễn Đình Lâm ở thôn Kim Bài thuộc thị trấn Kim Bài (Thanh Oai, Hà Nội) là nhân chứng của lịch sử hào hùng dân tộc, đồng thời là tấm gương để thế hệ trẻ học tập...

Hai lần vào sinh ra tử

Hướng tới kỉ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), chúng tôi tìm đến gặp ông Nguyễn Đình Lâm tại ngõ Đồng, thôn Kim Bài thuộc thị trấn Kim Bài (Thanh Oai, Hà Nội). Ông Nguyễn Đình Lâm tiếp chúng tôi tại trụ sở HTX nông nghiệp thị trấn Kim Bài. Mái tóc bạc trắng, thân hình nhỏ, gầy cùng với làn da đen do cháy nắng, ông Lâm giữ đúng hình ảnh người nông dân chân chất.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Lâm làm việc tại trụ sở HTX nông nghiệp thị trấn Kim Bài.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Lâm làm việc tại trụ sở HTX nông nghiệp thị trấn Kim Bài.

Tiếp đón khách trong sự hồ hởi như gặt hái thành quả lớn từ mùa vụ, giọng nói dõng dạc của lính từng 2 lần vào sinh ra tử tại chiến trường Quảng Trị khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.

“Tôi còn nhớ như in, tháng 8/1970 tôi vừa tròn 18 tuổi nhận được lệnh lên đường nhập ngũ vào Quảng Trị. Thời điểm đó tôi thuộc trung đoàn 18 và hiện nay khi vào Quảng Trị vẫn còn đơn vị này. Nhưng do bị viêm họng và buộc phải cắt amidam nên ở lại điều trị đến tháng 1/1971 thì lên đường nhập ngũ” – ông Lâm mở đầu câu chuyện.

Năm 1972, thị xã Quảng Trị nằm bên bờ sông Thạch Hãn đã phải hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn của giặc Mỹ. Hồi ức về 81 ngày đêm rực lửa khó quên tại Quảng Trị, ông Lâm ngậm ngùi cùng với ánh mắt đăm chiêu, giọng nói bỗng thay đổi để nhớ về những ngày đêm không ngủ, những đau thương mà người lính tận mắt nhìn đồng đội ngã xuống. Trong ký ức của người lính như ông Lâm, cuộc chiến đấu tại Quảng Trị diễn ra và kết thúc như một huyền thoại, những cán bộ và chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, vượt qua sông Thạch Hãn cũng như nằm lại chiến trường Thành cổ, trong đó người lính 18 tuổi có 2 lần tưởng như cũng sẽ nằm lại cùng đồng đội tại chiến trường này.

“Năm 1971 tôi nhập ngũ, mỗi năm có 4 đến 5 đợt vì huy động để làm nhiệm vụ. Khi làm nhiệm vụ, tôi vào trinh sát giáp ranh giữa vùng chi lưu thị xã Quảng Trị dùng pháo chụp thì dính thương. Lần thứ 2 khi giải phóng Quảng Trị xong thì lui về Thừa Thiên - Huế đến khu nhà thờ Thanh Hương (ranh giới của 2 tỉnh) bị phục kích. Sau đó tôi được đưa ra Bắc để điều trị và an dưỡng, có thể nói là may mắn được điều trị kịp thời rồi đưa miền Bắc và hồi phục được đưa đi học” – ông Nguyễn Đình Lâm chia sẻ.

Là người trở về từ chiến trường Quảng Trị đau thương nhưng đầy hào hùng của dân tộc, ông Lâm luôn ý thức và giành sự trân trọng cho những người đồng đội đã phải nằm lại đáy sông Thạch Hãn cũng như Thành cổ đầy hoa lửa. Hiện tại, trên cơ thể ông Lâm vẫn còn những “dấu tích” (thương binh 4/4, CĐHH 41%), trong đó mảnh đạn vẫn nằm trên cơ thể khiến ông phải đánh vật mỗi khi trái nắng trở trời.

Tấm gương cho thế hệ trẻ

“Trở về từ Quảng Trị để an dưỡng sau lần bị thương thứ 2, tôi được để cử đi học tại Việt Trì (Phú Thọ). Sau đó được cử về công tác tại nhà máy giấy Kim Long thuộc tỉnh Hải Hưng (Hưng Yên và Hải Dương ngày nay) từ năm 1978. Tuy nhiên, gia đình vất vả nên xin ra ngoài này và công tác từ năm 1988 từ đội viên sản xuất ghi sổ sách cho người dân” – ông Lâm cho biết.

Ông Nguyễn Đình Lâm luôn đau đáu về các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao cho người dân trên địa bàn thị trấn Kim Bài.
Ông Nguyễn Đình Lâm luôn đau đáu về các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao cho người dân trên địa bàn thị trấn Kim Bài.

Được biết, nói thâm niên làm việc tại HTX nông nghiệp thị trấn Kim Bài lúc này không có ai vượt qua được cựu chiến binh Nguyễn Đình Lâm. Theo Phó Giám đốc HTX nông nghiệp thị trấn Kim Bài Lê Đức Lộc khẳng định, những thế hệ sau này cần phải học hỏi người cựu chiến binh.

“Trong công việc, ông Lâm là người tâm lý trong mọi hoàn cảnh, là tấm gương cho tôi và mọi người trong tập thể HTX cần phải học hỏi. Trong công việc không có sự bảo thủ, độc đoán mà luôn chủ động học hỏi để kịp thời cập nhật với mỗi thời điểm” – ông Lê Đức Lộc nhận định. 


"Là cựu chiến binh, khi tham gia vào tập thể cần làm hết mình và đó là trách nhiệm đối với xã hội, quê hương của người lính. Góp phần ổn định tình hình địa phương và đạo tạo thêm cho thế hệ trẻ phát triển quê hương mỗi ngày" - Giám đốc HTX nông nghiệp thị trấn Kim Bài Nguyễn Đình Lâm.

Hiện tại, ông Lâm được phân công nhiệm vụ là Bí thư Chi bộ, Giám đốc HTX nông nghiệp thị trấn Kim Bài. Cùng với tập thể HTX nông nghiệp thị trấn Kim Bài đã mạnh dạn đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào thâm canh, sản xuất, xây dựng mô hình lúa hàng hóa tại khu vực dồn điền, đổi thửa thôn Kim Lâm với diện tích 42ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Đặc biệt, ông Lâm cùng gia đình đã vận động 30 người xung quanh thực hiện hiến đất mở rộng đường làng. Người cựu chiến binh năm xưa còn là gương sáng trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tiêu biểu trong phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới.

“Là Giám đốc của HTX nông nghiệp thị trấn, ông Lâm luôn tích cực tham gia các phong trào, nhiệt tình và năng nổ trong công việc. Cùng với đó ông còn đưa ra các sáng kiến, kế hoạch để vận hành HTX phát triển mang đến lợi ích cho người dân. Về giá trị sản xuất nông nghiệp đã liên kết với các nhà khoa học, công ty để tìm ra những mô hình phát triển tăng năng suất chất lượng giống lúa được trồng trên địa bàn, vận động ngừoi dân thay đổi mô hình cũng như các dự án xây dựng thị trấn đô thị sinh thái” Chủ tịch UBND thị trấn Kim Bài Hà Sỹ Lâm chia sẻ.