Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người cựu chiến binh trọn đời vẽ Bác Hồ

Hạnh Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tôi mong sao những lời ca, bài thơ và những bức chân dung tôi đã và đang vẽ về Bác Hồ kính yêu sẽ được giới thiệu, trình bày trước công chúng và lưu lại cho con cháu sau này”, cựu chiến binh Trần Ngọc - người dành trọn cuộc đời để vẽ về Bác chia sẻ.

Tấm lòng kính yêu Bác
Cựu chiến binh Trần Ngọc (SN 1946) sinh ra và lớn lên tại xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Xung phong nhập ngũ tháng 10/1966, khi tròn 20 tuổi, chàng thanh niên trẻ Trần Ngọc gia nhập Trung đoàn 57 từ Thanh Hóa ra diễn tập ở TP Nam Định, sau đó sáp nhập vào Trung đoàn 53 nhận nhiệm vụ cơ động vào chiến trường khu 5.
Theo lệnh cấp trên, đơn vị đã hành quân thần tốc suốt ngày đêm vào tuyến lửa miền Tây Quảng Bình, Vĩnh Linh mở đường 20 quyết thắng và làm nhà kho tập kết hàng quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam.
Cựu chiến binh Trần Ngọc khẳng định: Dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai thì tôi vẫn sẽ tiếp tục vẽ, sáng tác bài hát về Người - Hồ Chí Minh vĩ đại.
Năm 1969 khi đang trên đường hành quân cùng Trung đoàn 53 cơ động từ Nam Định ra Quảng Bình để tham gia mở đường 20 Quyết thắng thì nhận được tin Bác mất.
“Lúc đó, cả đơn vị của chúng tôi nén đau thương, dừng lại làm lễ truy điệu Bác với quyết tâm sẽ thực hiện được mong muốn của Bác là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, cựu chiến binh Trần Ngọc xúc động kể lại.
Đơn vị lập bàn thờ để truy điệu Bác, nhưng lại không có chân dung của Người. Nén nỗi đau thương, người chiến sĩ trẻ Trần Ngọc cầm bút vẽ tranh về Bác Hồ. Kể từ đó, mỗi lần vẽ về Bác, niềm cảm xúc cũng dâng trào trong ông.
Gần 10 năm tham gia chiến đấu trên chiến trường, người lính trẻ Trần Ngọc hễ có điều kiện là lại cầm bút vẽ chân dung Bác. Đây cũng được xem là cách anh góp sức mình để cổ vũ, động viên tinh thần cho các chiến sĩ và nhân dân tham gia sản xuất, chiến đấu, mở đường ra mặt trận trên khắp chiến trường Khu 4 và Khu 5.
Điều tiếc nuối nhất đối với chàng chiến sĩ trẻ năm đó có lẽ là chưa có cơ hội để gặp được Bác, nhưng những bức chân dung của ông vẽ về Bác đều rất đẹp, có hồn và rất chân thực. Thấm thoát cũng đã gần 50 năm trôi qua, người chiến sĩ năm nào vẫn cần mẫn vẽ những bức chân dung về Bác Hồ.
“Vẽ về Bác ngoài sự kính trọng, niềm say mê đó còn là trách nhiệm, là sự thôi thúc phải làm gì đó để thế hệ trẻ hiểu về cuộc đời cách mạng cao quý của Người” cựu chiến binh Trần Ngọc nói. 
 Cựu chiến binh Trần Ngọc bên những bức vẽ về Bác Hồ.
Mạch nguồn không bao giờ cạn
Những năm đầu sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông được Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 5, Thủ trưởng Cục Chính trị và Phòng Tuyên huấn Quân khu tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện việc trang trí khánh tiết, tuyên truyền trực quan phục vụ tất cả các lễ hội lớn do Quân khu và toàn quân tổ chức tại địa bàn Quân khu 5. Đây có lẽ là khoảng thời gian mà ông vẽ về Bác Hồ nhiều nhất, với đủ các chất liệu, thể loại... ở tất cả các dịp đại hội thi đua, hội thao quốc phòng, hội diễn nghệ thuật.
Lúc trước, tranh của ông được vẽ bằng sơn dầu, tuy nhiên sau này khi đã có tuổi ông chuyển sang vẽ bằng bút màu. Cuộc sống đời thường, giản dị của Bác được thể hiện rất chân thực qua các bức tranh như: Bác Hồ đọc báo, Bác Hồ thăm nông dân trên đồng, Bác Hồ trồng cây… Ngoài ra, ông còn vẽ các tranh cổ động, đối với thể loại tranh này ông vừa là người lên ý tưởng, bố cục và trực tiếp hoàn thiện. Có nhiều bức tranh cổ động vẻ về Bác kích cỡ lớn từ  6m2 đến 18m2, do ông vẽ vừa đảm bảo tính nghệ thuật và có tác dụng tuyên truyền cổ động rất lớn.
Không được học qua một khóa đào tạo nào về nghệ thuật hội họa, nhưng có lẽ chính bởi niềm tin yêu cùng sự kính trọng đối với Bác đã giúp cho những bức tranh của ông qua năm tháng càng trở nên gần gũi, chân thực hơn, thể hiện được một góc nhìn mới, sinh động, giàu tính nhân văn hơn.
“Hình ảnh Bác Hồ luôn in đậm tâm trí tôi từ lúc còn hành quân chiến đấu trên các chiến trường, đến những ngày đất nước thống nhất, và cho đến hôm nay khi đã về hưu, tôi vẫn luôn ghi nhớ khắc sâu và tiếp tục vẽ về Bác”, ông Ngọc tâm sự.
Ngoài vẽ tranh, cựu chiến binh Trần Ngọc còn sáng tác rất nhiều bài hát, bài thơ về Bác như các bài hát: Nhớ đường rừng Trường Sơn; Bài ca Bộ đội Cụ Hồ; Nhớ ơn Bác cùng hát bài Đoàn kết… Qua đây, ông mong muốn thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ hiểu và trân quí hơn nữa những thành quả mà ông cha ta, Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã gây dựng, để cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu mạnh, văn minh.
Giờ đây, người chiến sĩ trẻ năm nào đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những nét vẽ, lời ca, nốt nhạc về Bác Hồ, vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Là những nét vẽ tuy thô mộc nhưng có hồn, những lời ca, nốt nhạc tuy giản dị nhưng mang đậm tình cảm tin yêu, kính trọng mà ông dành cho Bác Hồ kính yêu.
Ngân nga câu hát: Muôn lòng sung sướng muôn lời hát ca/ Trời Việt nam hòa bình nở hoa… cựu chiến binh Trần Ngọc khẳng định: “Dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai thì tôi vẫn sẽ tiếp tục vẽ, sáng tác bài hát về Người - Hồ Chí Minh vĩ đại”.