Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người cựu chiến binh "vác tù và hàng tổng”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) thị xã Sơn Tây (Hà Nội), hiện thị xã đang chỉ đạo 6 xã xây dựng NTM, trong đó có xã Kim Sơn cơ bản hoàn thành việc lập đề án và quy hoạch NTM. Là một xã thuần nông nhưng trong những năm qua, xã Kim Sơn đã rất chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Đến xã Kim Sơn, ai ai cũng biết đến cái tên Nguyễn Thành Chung -  tấm gương cán bộ điển hình tập huấn xây dựng nông thôn mới. Một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, một trưởng thôn “vác tù và” tận tâm, tận lực với dân, một thầy thuốc luôn sẵn sàng trị bệnh cứu người...

Người cựu chiến binh "vác tù và hàng tổng” - Ảnh 1

Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung.

Từng là người lính, gắn bó với cuộc đời binh nghiệp hơn 30 năm, ông luôn có quan điểm đã là người lính thì phải biết hành động. Và khi trở về địa phương, trong tình cảnh gia đình không có nguồn thu nào khác ngoài tiền trợ cấp của mẹ, ông lao vào làm đủ mọi việc, xoay đủ mọi thứ nghề để kiếm thêm thu nhập.

Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông Chung thống nhất vay vốn để phát triển sản xuất ngay trên mảnh đất của mình. Thấy mô hình “vườn, ao, chuồng” thích hợp với điều kiện của gia đình, vợ chồng ông bước đầu nuôi 20 con lợn/1lứa, trồng 3 sào chè búp. Do chịu khó làm ăn, lại gặp nhiều thuận lợi nên đời sống kinh tế dần dần được cải thiện.

Hiện giờ ông đang nuôi hơn 500 con lợn, chuồng trại là một quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh. Mỗi năm xuất chuồng 2 lứa đạt khoảng 100 tấn lợn hơi. Từ năm 2002 đến nay, đã xuất chuồng được 22 lứa. Năm 2005 đã hoàn trả được vốn vay ngân hàng và bắt đầu tích lũy. Thu nhập bình quân từ vườn ao chuồng, trừ chi phí, mỗi năm đạt gần 200 triệu đồng. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động. Lương bình quân từ 2,5 đến 3 triệu đồng/ tháng.

Thăm vườn chè, ao cá, tôi mới thấy công sức của vợ chồng ông bỏ ra không phải là nhỏ. Ông cho biết, mỗi năm thu hoạch khoảng 7 lứa chè búp, khoảng 25 triệu đồng/năm. Còn nuôi cá, nuôi gà thu nhập chưa được nhiều nhưng bữa ăn thì chất lượng tăng rõ rệt.

Do trước đó, ông đã tốt nghiệp Trường Trung cấp Quân y và công tác tại Trường Sỹ quan lục quân 1 nên ít nhiều ông cũng có chút kinh nghiệm về ngành y. Nên có thời kỳ ông Chung cũng đã đi làm ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 Hà Nội. Trong thời gian này, ông đã “cắt cơn, cai nghiện” cho hàng trăm đối tượng. Vậy là cái nghề thầy thuốc, trị bệnh cứu người của ông vẫn còn phát huy tác dụng.

Không những làm kinh tế giỏi, tận tâm, tận lực với nghề thầy thuốc, ông Chung còn làm trưởng thôn, chi hội phó cựu chiến binh (CCB) thôn Lòng Hồ. Việc nào ông cũng làm rất tốt, được bà con tin tưởng, tín nhiệm, mến phục.

Ông Chung được bà con tín nhiệm, bầu làm trưởng thôn từ 2009 đến nay. Ông chia sẻ: “Làm trưởng thôn, không đi sâu đi sát thì làm sao nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của dân. Người dân cần sự thiết thực, cụ thể, không thể nói chung chung. Mọi việc đều công khai dân chủ”. Ông làm việc gì đều bàn bạc với các đồng chí lãnh đạo thôn để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao mới bắt đầu thực hiện các chương trình kế hoạch đã đề ra.

Là chi hội phó CCB, ông luôn gương mẫu tuyên truyền vận động hội viên thực hiện tốt các nhiệm vụ và chỉ tiêu trên giao. Tích cực hưởng ứng các  cuộc vận động do MTTQ và Hội phát động.  Sáu tháng đầu năm nay, ông đã vận động được trên 100 triệu đồng. Các cuộc vận động như đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học... đều đạt và vượt chỉ tiêu. “Mục sở thị” nhà văn hóa thôn Lòng Hồ, mới thấy công sức và sự ủng hộ của nhân dân, bộ đội đóng quân trên địa bàn rất lớn. Nhà văn hóa có thể chứa hơn trăm chỗ ngồi, có sân khấu ngoài trời, âm ly loa đài đều thuộc hàng “xịn”. Trong đó, bộ đội thông tin đóng góp 200 công tu sửa đường làng, ngõ xóm kênh mương, ủng hộ xây sân khấu (tại nhà văn hóa thôn) 30 triệu đồng. Nhiều việc dân đóng góp đều được bàn bạc công khai, dân chủ nên nhiều người đã ủng hộ tích cực. Nhờ làm tốt công tác dân vận nên mới có được thành quả như ngày hôm nay.

Từ năm 2009, thôn Lòng Hồ được công nhận đạt tiêu chuẩn Làng văn hóa. Trong các đợt bình xét hàng năm thôn, Lòng Hồ đều đạt tiêu chuẩn là lá cờ đầu trong phong trào thi đua của địa phương.

Trong thành tích chung đó có công lao đóng góp của người cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung.