Người cựu quân nhân không có tuổi hưu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về nó còn hằn sâu trong trái tim những người lính. Để rồi khi hòa bình lặp lại, những người lính trở về với quê hương tiếp tục cống hiến phần đời còn lại cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Ẩn mình trong một con ngõ nhỏ trên đường Quán Thánh (quận Ba Đình) nhưng cũng không quá khó để tôi tìm đến trụ sở của Hội Cựu chiến binh (CCB) quận Ba Đình – nơi sinh hoạt của 5.970 hội viên CCB. Không phải chờ quá lâu để tôi gặp được bác Nguyễn Vĩnh An – Chủ tịch Hội nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được những tình cảm chân phương, giản dị của các bác CCB nơi đây.

“Đầu hàng” không có trong từ điển của chúng tôi

Khi biết tôi ngỏ ý muốn viết về mình, bác An có vẻ e ngại: “Những gì mà bác cũng như các bác CCB ở đây đã làm có đáng kể gì đâu. Ở ngoài kia còn rất nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, học tập tốt đáng để viết lắm”. Nhưng, khi thấy được sự nhiệt thành trong tôi, bác cũng dần cởi mở tấm lòng kể cho tôi nghe về chiến tranh, về đồng đội, về những ngày tháng chiến đấu ác liệt  tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng những năm 1965 – 1975.

 
Chân dung bác Nguyễn Vĩnh An.
Chân dung bác Nguyễn Vĩnh An.
Sinh ra và lớn lên tại thôn Đông Duy, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Là con trai duy nhất trong gia đình, mẹ mất trong kháng chiến chống Pháp khi bác An mới 3 tuổi, bố là chiến sĩ hoạt động cách mạng tại Vĩnh Phúc, gia tài duy nhất mà bác được thừa hưởng là dòng máu căm thù giặc sâu sắc và lòng dũng cảm, can trường.

Năm 1965, Nguyễn Vĩnh An nhập ngũ vào đơn vị C4 - D7 - E64 - F320 khi mới 19 tuổi với ước nguyện góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho cuộc kh
áng chiến chống quân xâm lược. Tháng 11/1965, bác lên đường hành quân vào chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, nơi được xem là chảo lửa chiến tranh khi địch xác lập một vành đai trắng bao quanh nhằm cô lập và đi đến tiêu diệt lực lượng du kích và các cơ sở cách mạng, ngăn chặn mọi hoạt động của lực lượng vũ trang của ta. Năm 1967, căn cứ vào tình hình của cuộc chiến tranh, tiểu đoàn của bác được  tách khỏi Trung đoàn 64, Sư 320 trở thành Tiểu đoàn 3 bộ đội chủ lực địa phương tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Trong suốt 10 năm gắn bó với chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, từ một chiến sĩ, với tài năng và mưu lược của mình, b
ác Nguyễn Vĩnh An được tín nhiệm lên làm cán bộ trung đội, Chính trị viên đại đội rồi Chính trị viên phó tiểu đoàn. Với vai trò là bộ đội nòng cốt của địa phương có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, chống lấn chiếm của địch, Tiểu đoàn 3 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã lập được nhiều chiến công oanh liệt, góp phần làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, bản thân bác Nguyễn Vĩnh An cũng tham gia rất nhiều trận đánh. 

Đời người lính nhiều niềm vui và cũng lắm nỗi buồn. Vui khi được nhìn thấy đồng đội mình trở về sống sót sau mỗi trận đấu. Hạnh phúc đến tột cùng khi được tin cờ của quân giải phóng đã tung bay trên nóc dinh
Độc lập, đất nước hoàn toàn được giải phóng khỏi ách thống trị của bọn đế quốc. Nhưng để đổi lấy niềm hạnh phúc lớn lao đó đã có không biết bao nhiêu chiến sỹ đã hy sinh, nhiều người lính phải mang thương tật suốt đời, bản thân bác cũng từng 7 lần bị thương trong 10 năm chiến đấu.

Tôi thấy sự khắc khoải và nỗi đau chưa bao giờ nguôi trong mỗi câu chuyện đứt quãng bác kể về những kỷ niệm thời chiến tranh, ngăn cho những giọt nước mắt không rơi, bác nghẹn ngào: “Không thể quên được các đồng đội đã hy sinh, nhiều đồng đội
do tôi tay chôn cất ngay dưới công sự… Có những trận đánh  không cân sức với quân địch nhưng không có bất kỳ người chiến sĩ nào có tư tưởng lùi bước, chịu khuất phục quân thù. Đầu hàng không có trong từ điển của chúng tôi!”.

Năm 1975, sau những ngày tháng chiến đấu ngoan cường tại chiến trường Đà Nẵng, bác Nguyễn Vĩnh An lúc đó đang giữ cương vị Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3 tham gia tuyên truyền, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền giao nộp vũ khí cho cách mạng và ra trình diện. Chỉ trong 3 ngày kêu gọi, ngụy quân, ngụy quyền đã giao nộp hàng ngàn khẩu súng các loại, góp phần đảm bảo an toàn cho cách mạng, cho nhân dân.

Còn sống thì còn cống hiến

Sau ng
ày hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, những người lính về lại quê hương nhưng bác An vẫn tiếp tục tại ngũ. Tháng 9/1975, bác Nguyễn Vĩnh An  được cử đi học lớp đào tạo chính ủy quân đội đầu tiên (1975 - 1977). Từ đó tới trước khi về hưu, bác Nguyễn Vĩnh An liên tục giữ những chức vụ quan trọng tại các đơn vị như: Chính trị viên tiểu đoàn – Chủ nhiệm chính trị E229 – Bộ Tư lệnh Công binh (1/1978 - 5/1980); Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Chính trị - Trường Kỹ thuật Công binh (1/1984 - 11/1989); Bí thư Đảng uỷ Cục chính trị, Phó Cục trưởng Chính trị Binh chủng công binh (9/1993 - 1998)...

Đến năm 2000, bác nghỉ hưu rồi về sinh hoạt tại Đảng bộ phường Cống Vị, quận Ba Đình giữ chức vụ Bí thư chi bộ 1B. Từ năm 2007, bác giữ chức Phó Chủ tịch Hội CCB quận Ba Đình và từ 2012 đến nay, được sự tín nhiệm của ban lãnh đạo và các hội viên, bác giữ cương vị là Chủ tịch Hội CCB quận Ba Đình, đại biểu Hội đồng Nhân dân phường Vĩnh Phúc.

Cùng với những hội viên khác, bác An luôn tận tụy hết mình trong các phong trào của Hội, luôn quan tâm, sâu sát đến đời sống, hoàn cảnh của từng hội viên, lắng nghe ý kiến đóng góp, những kiến nghị của các hội viên nhằm xây dựng và phát triển tổ chức hội ngày một vững mạnh. Nhờ vậy, các phong trào do Hội tổ chức đã thu hút mạnh mẽ các tổ chức Hội và hội viên, đưa đến kết quả toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng của quận, đáp ứng được niềm tin của cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân. Năm 2013, Hội CCB quận Ba Đình vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2009 và năm 2012 được T.Ư Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen; năm 2013 được tặng cờ thi đua và được UBND TP tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc của Thủ đô”. 

Khi được hỏi, tại sao bác không chọn một cuộc sống an nhàn lúc về hưu để an hưởng tuổi già? Bác trả lời: “Tôi may mắn được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi mới 20 tuổi. Từ đó tới nay đã 68 tuổi đời, 48 tuổi Đảng. Đối với một đảng viên, 1 khi đã bước chân vào con đường cách mạng thì cả đời cống hiến cho cách mạng, cho nhân dân. Còn sống, còn sức khỏe thì chúng tôi còn cống hiến cho quê hương, đất nước. Đó là trách nhiệm và cũng là niềm vinh dự và tự hào với chúng tôi”.

Với những thành tích đã đạt được trên các lĩnh vực công tác, bác Nguyễn Vĩnh An đã được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương chiến công hạng Nhì, 3 Huân chương chiến công hạng Ba, Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và nhiều bằng khen, giấy khen khác. Năm 2014, bác được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Hình ảnh về một Cựu chiến binh đã dành cả cuộc đời cho sự nghiếp đấu tranh giải phóng dân tộc và hết lòng vì tổ chức hội và phong trào ở địa phương như bác Nguyễn Vĩnh An sẽ mãi là tấm gương sáng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để thế hệ trẻ hôm nay noi theo.