Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị đã có bài phản ánh, phân tích về loại hình tội phạm gọi điện thoại đe dọa người dân để chiếm đoạt tiền và dùng thẻ giả để rút tiền thật từ máy ATM của ngân hàng. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, thiếu tá Lê Ngọc Trí - Đội trưởng Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) - Công an TP Hà Nội đã có nhiều phân tích, nhận định làm rõ hơn nội dung này.
Xin ông cho biết khái quát về tình hình tội phạm sử dụng thẻ giả, dùng điện thoại để lừa đảo trong thời gian vừa qua?
- Có thể nói, loại tội phạm này đang gia tăng trong thời gian gần đây. Riêng trong năm nay, trên cả nước đã phát hiện nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại tại rất nhiều tỉnh, TP như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Thái Nguyên... Còn riêng tại Hà Nội, trong tháng 5 và 6/2014 đã phát hiện 16 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản có cùng thủ đoạn, phương thức trên. Song song với thủ đoạn này, mới đây còn xuất hiện đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ ngân hàng bằng cách lập công ty "ma" và sử dụng thẻ giả. Mặc dù là loại hình tội phạm mới xuất hiện nhưng các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn rất tinh vi nhằm đối phó với sự phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng.
Vậy, ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này?
- Qua quá trình điều tra, chúng tôi nhận thấy, các đối tượng chủ yếu là người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo đường du lịch, sau đó dùng hộ chiếu và thẻ tín dụng giả mang tên người khác để hoạt động phi pháp. Chúng được phân chia theo nhiều công đoạn phạm tội, như nhóm hoạt động lắp đặt thiết bị sao chép dữ liệu, nhóm sử dụng thiết bị làm giả thẻ tín dụng, nhóm sử dụng thẻ giả để rút tiền... Điều này cho thấy, đây là loại tội phạm có yếu tố nước ngoài có tổ chức gắn kết chặt chẽ, thủ đoạn hết sức tinh vi nhằm đối phó với sự phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng.
Với những thủ đoạn như vậy, chúng đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Theo thống kê sơ bộ, từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6/2014, riêng trên địa bàn Hà Nội đã có 9 bị hại mắc bẫy, chuyển vào tài khoản của tội phạm gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, khi các đối tượng giả danh cán bộ công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì uy tín của cơ quan công an cũng bị ảnh hưởng.
Theo ông, nguyên nhân nào khiến loại tội phạm này gia tăng trong thời gian gần đây?
- Theo tôi, nguyên nhân là do thẻ từ không an toàn, công nghệ thẻ từ rất dễ làm giả. Những máy làm thẻ giả được coi là thiết bị để dự trữ (back up) dữ liệu và được bán công khai ở nước ngoài, gần đây tuồn vào Việt Nam bằng đường xách tay hoặc đường bộ. Phía công an đã có khuyến cáo với cơ quan hải quan lưu ý điều này. Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều chuyển sang dùng thẻ chip vì tính bảo mật cao hơn thẻ từ. Chỉ còn Việt Nam và một số nước ở Đông Nam Á vẫn dùng thẻ từ, và đây cũng là địa điểm tập trung xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao.
Một nguyên nhân nữa là do tại Việt Nam, việc quản lý sử dụng Internet và sim điện thoại còn lỏng lẻo. Ai cũng có thể mua được sim rác mà không cần đăng ký thông tin cá nhân hay ra truy cập internet công cộng với mục đích xấu mà hoàn toàn không có sự kiểm soát nào, đây chính là cơ hội cho tội phạm công nghệ cao gia tăng.
Vậy, ông có khuyến cáo gì cho người dân để tránh gặp phải tình trạng này?
- Công tác quản lý, chia sẻ thông tin giữa ngân hàng và cơ quan công an cần nâng cao hiệu quả, nhanh
nhạy và kịp thời hơn. Khi ngân hàng phát hiện thấy những giao dịch đáng ngờ, có sự chuyển giao liên tục giữa các tài khoản, thường xuyên chia nhỏ tiền ra nhiều tài khoản nhỏ, cần có sự phối hợp khẩn trương với cơ quan công an. Do tình trạng mở tài khoản ngân hàng khá dễ dàng, nhiều người mở tài khoản "vô tội vạ" và vô tư bán lại thông tin thẻ cho đối tượng xấu, và bị chúng sử dụng thành công cụ phạm tội. Vì vậy, theo tôi, các ngân hàng cần có ràng buộc đủ mạnh đối với những người mở tài khoản, chẳng hạn như khi chuyển cho ai đó sử dụng thẻ đứng tên mình thì cần thông tin cá nhân của người đó để xác minh, quản lý.
Về phía người dân cũng cần nâng cao ý thức quản lý thông tin cá nhân. Ở các nước khác, thông tin cá nhân cũng được coi là tài sản, không ai lại đồng ý để người khác tự ý sử dụng các tài khoản mang tên mình khi chưa rõ mục đích. Thế nhưng, nhiều người dân Việt Nam lại sẵn sàng đi mở thẻ ATM rồi bán lại cho người khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người mở thẻ mà vô tình sẽ tiếp tay cho bọn tội phạm.
Để phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng... Trường hợp có người tự xưng là công an thì người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó...
Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; không mua, bán, chuyển giao tài khoản cá nhân hoặc cho mượn giấy Chứng minh Nhân dân. Người dân cũng cần cẩn trọng khi chia sẻ những thông tin cá nhân trên internet, nhất là các trang mạng xã hội, nhằm tránh bị khai thác thông tin cá nhân để lừa đảo. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không có lý do chính đáng thì cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.
Xin cảm ơn ông!
Thiếu tá Lê Ngọc Trí - Đội trưởng Đội 5, PC50, Công an TP Hà Nội.
|
Thiếu tá Lê Ngọc Trí cho biết, khi cơ quan làm việc với người dân bao giờ cũng có giấy mời, giấy triệu tập làm việc tại trụ sở của cơ quan công an, nguyên tắc là không bao giờ làm việc qua điện thoại. Nếu người dân nào gặp phải tình trạng trên cần bình tĩnh, báo cho cơ quan công an và cố gắng thu thập thông tin từ đối tượng lừa đảo, phục vụ công tác điều tra. |
Tội phạm sử dụng công nghệ cao không phải dạng lưu manh, mà có trình độ nhưng không có công ăn việc làm nên sa ngã, ngả theo con đường tội phạm. Để giải quyết loại hình tội phạm này, chúng ta phải đưa vào chương trình quốc gia, có sự chỉ đạo của Chính phủ thì mới huy động được các bộ, ngành cùng vào cuộc, khi đó, công tác phòng ngừa mới có tác dụng...".
Trung tướng Trần Trọng Lượng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an |