Nguyên do là địa điểm xây chung cư nằm trên địa bàn 2 quận Cầu Giấy và Tây Hồ nên dẫn đến tình trạng người một nơi, hộ khẩu một nẻo và mọi giao dịch hành chính, xin học cho con cái đều bế tắc.
Bài 1: Khi chủ đầu tư là “thượng đế”
Do chồng lấn ranh giới, không có đơn vị đứng ra quản lý, đến nay, hàng trăm cư dân sinh sống tại chung cư Đông Đô được ví như những “đứa con rơi”. Nghịch lý cũng từ đây mà xuất hiện, tuy đã đến nơi ở mới hơn một năm, người dân vẫn không có quyền thực hiện các giao dịch hành chính tối thiểu để đảm bảo đời sống.
Bất an vì không ai quản lý
Nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ chỗ diện tích đất xây dựng chung cư Đông Đô do Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng phát triển Đông Đô - BQP là chủ đầu tư hiện nằm trên địa bàn giáp ranh giữa 2 phường là Xuân La (quận Tây Hồ) và Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Tòa nhà cao 22 tầng, tổng diện tích xây dựng 1.146m2, trong đó diện tích đất thuộc phường Nghĩa Đô khoảng 315m2, diện tích thuộc phường Xuân La hơn 830m2. Hiện nay, chung cư đã có 120 hộ dân về ở nhưng vẫn không biết mình đang sống trên địa bàn của phường, quận nào.
Theo chị Nguyễn Thị Hồng Vân, sống tại tầng 12, do phải sống trong tình cảnh “vô thừa nhận” nên cư dân gặp nhiều phiền toái, khó khăn. Ở đây phần lớn là những hộ gia đình có con nhỏ trong độ tuổi đi học. Vì không nhập được hộ khẩu nên đầu năm học này, nhiều nhà phải vất vả, tốn kém lo cho con học trái tuyến hoặc các trường tư thục. “Từ khi chuyển về đến giờ, gia đình tôi cũng chưa biết đến đâu để khai báo tạm trú, tạm vắng. Trong khi hàng ngày xuất hiện nhiều người lạ mặt từ 5 tầng thương mại và những người đến thuê căn hộ để làm văn phòng tại các tầng ở. Cư dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nếu phát sinh tệ nạn xã hội” – chị Vân bày tỏ lo lắng.
Khi được hỏi, phần lớn người dân ở đây cho biết, khi mua nhà ít chú ý tìm hiểu phần quy hoạch và chủ đầu tư cũng không thông báo đến khách hàng về tình trạng “chung chiêng” của mảnh đất xây dựng. "Bằng mắt cảm quan, chúng tôi cứ nghĩ tòa nhà nằm trên phần đất phường Nghĩa Đô, nhưng khi ký hợp đồng mua nhà mới té ngửa sự việc” – chị Vân cho hay.
Cùng chung bức xúc, bà Bùi Thị Yến, sống tại tầng 20 giãi bày: “Vì địa giới hành chính nhập nhằng nên từ khi về ở đến đầu tháng 9 này, các hộ dân phải trả tiền điện, nước sinh hoạt theo giá kinh doanh cho Ban quản lý. Ngoài ra, tòa nhà chung cư này còn chưa được nghiệm thu, nên mọi vấn đề an toàn về phòng cháy chữa cháy, thang máy, hệ thống điện… đều rất bất an”.
Chủ đầu tư “mang con bỏ chợ”?
Qua tìm hiểu của phóng viên, những lo lắng của cư dân là hoàn toàn có cơ sở. Mặc dù có văn bản thông báo về việc bàn giao căn hộ cho cư dân vào cuối tháng 7/2015 nhưng chủ đầu tư đến nay vẫn không lập biên bản bàn giao nhà theo quy định?
Để có được câu trả lời về vấn đề này, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thành Hoan - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Đông Đô. Theo ông Hoan, với dự án này, Công ty bán nhà theo dạng hoàn thiện cơ bản. Do đó, sau khi đáp ứng các điều kiện của tòa nhà, Công ty tiến hành bàn giao kỹ thuật để các hộ dân hoàn thiện nốt căn hộ, khi đủ điều kiện mới bàn giao chính thức. Tuy nhiên, khi được bàn giao kỹ thuật, một số hộ dân đã tự động về ở với lý do sát Tết Bính Thân. Để tránh những phiền phức phát sinh, phía Công ty đã đề nghị những hộ vào ở có “đơn đề nghị” để được vào ở sớm.
Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết thêm, đã 2 lần tổ chức hội nghị với cư dân để thành lập Ban quản trị tòa nhà nhưng không thành công vì số cư dân tham dự không đủ theo quy định. Do vậy, việc nhanh chóng xác định địa giới hành chính tòa nhà không chỉ là mong muốn của cư dân, mà còn là của cả chủ đầu tư. “Khi đã thành lập được Ban quản trị tòa nhà, cư dân sẽ chủ động quản lý mọi hoạt động tòa nhà. Hiện, đơn vị quản lý chung cư Đông Đô là công ty thuê nhưng năng lực kém nên đã xảy ra một số va chạm với cư dân. Bắt đầu từ tháng 10/2016, Công ty sẽ chấm dứt hợp đồng với đơn vị này” – ông Hoan cho biết.
Trao đổi với phóng viên về trách nhiệm của chủ đầu tư, ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá: “Ở góc độ chuyên gia, nhìn thấy cảnh người dân “không được thừa nhận” như vậy, tôi rất đau lòng. Trách nhiệm này do chủ đầu tư chỉ chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến lợi ích của người mua. Đã đến lúc cần có chiến lược rõ ràng trong việc đảm bảo lợi ích cho khách hàng với tư duy “khách hàng là thượng đế” chứ không phải “chủ đầu tư là thượng đế” để bắt khách hàng chạy theo. Tòa nhà này phải sớm được công nhận địa giới để người dân có cơ sở pháp lý thực hiện các giao dịch hành chính chính đáng mà họ được hưởng”.
(còn nữa)