Liệu các mức phí cao ngất mà một số nơi áp dụng có được hạ xuống, diễn biến nào cho giá dịch vụ chung cư trong thời gian tới... là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm.
Phí dịch vụ sẽ trượt theo lạm phát
Theo qui định mới ban hành, mức phí quản lý dịch vụ chung cư tối đa là 4.000 đồng/m2/tháng. Với mức phí này, hầu hết các tòa nhà chung cư cao cấp tại Hà Nội đều đã vượt trần, thậm chí vượt xa có nơi thu tới gần 20.000 đồng/m2/tháng. Thành phố cũng qui định, trần phí chung cư sẽ chỉ áp dụng tạm thời trong vòng 1 năm kể từ ngày 29/9/2011. Giải thích về việc này, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng phân tích, sở dĩ Hà Nội đưa ra thời hạn 1 năm vì một mặt vẫn đợi Bộ Xây dựng đưa ra một khung chung cho phí chung cư tại các địa phương. Mặt khác, đưa ra mức phí như vậy, nếu áp dụng vào thực tế có hiệu quả thì tiếp tục áp dụng chưa ổn, sẽ chỉnh sửa cho phù hợp. "Vả lại, phí phụ thuộc vào giá trị của đồng tiền, vào mức lương…, nếu lạm phát cao, lương của những người trực tiếp làm dịch vụ tăng lên thì phải điều chỉnh tăng phí" - ông Tuấn nói.
Theo qui định của UBND TP, Ban quản lý tòa nhà và người dân có thể thỏa thuận với nhau về mức giá dịch vụ. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, Nhà nước không can thiệp vào việc đàm phán, thống nhất giữa chủ đầu tư, đơn vị quản lý và người dân. Trên thực tế có rất nhiều loại nhà, nhà giá rẻ, nhà trung, cao cấp…, mỗi loại nhà khác nhau có những dịch vụ khác nhau. Ví dụ như việc trông xe, nếu người dân yêu cầu phải có camera theo dõi, có hút bụi thì phí quản lý sẽ phải khác. "Một chính sách khi đưa ra không thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu. Chắc chắn khi ban hành mức phí trần này, người dân sẽ ủng hộ, nhưng có thể một vài doanh nghiệp sẽ không đồng tình" - ông Tuấn nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong Nghị định 71 và các qui định liên quan đều tôn trọng các thỏa thuận giữa người bán và người mua. Trong hợp đồng mua bán nhà phải có phụ lục hợp đồng về vấn đề dịch vụ, quản lý, xác định rõ cái nào sở hữu riêng, cái nào sở hữu chung. Có những chủ đầu tư dùng diện tích kinh doanh để bù đắp vào không thu phí, hoặc có những chủ đầu tư thu phí rất ít. Đơn cử, hiện nay, Tổng Công ty HUD, Vinaconex vẫn chỉ thu 70 - 90.000 đồng/căn hộ/tháng. Trong trường hợp không thỏa thuận được, các bên phải thực hiện qui định của Nhà nước, tức là khung giá cho quản lý mà địa phương ban hành.
Mức trần chỉ là tương đối
Trên thực tế, nhiều chung cư đã thu phí với mức quá cao khiến người dân bức xúc. Gần đây nhất phải kể đến việc thu phí quản lý chung cư cao ngất ngưởng tại dự án Keangnam khi chủ đầu tư đưa ra mức 0.99USD/m2/tháng (hơn 20.000 đồng). Sau khi có sự phản đối quyết liệt của người dân, chủ đầu tư đã hạ xuống 18.600 đồng/m2, nhưng cư dân nơi đây vẫn chưa chấp nhận. Tháng 7 vừa qua, cư dân tòa nhà Kinh Đô 93 Lò Đúc (Hà Nội) rất bức xúc khi nhận được thông báo đóng tiền phí quản lý vận hành quí I và quí II năm 2011, tăng gấp đôi so với trước.
Như vậy, việc xảy ra xung đột quyền lợi giữa chủ đầu tư và người dân có hai mặt. Một là, bản thân chủ đầu tư chưa công khai minh bạch; Hai là, người dân chưa quan tâm hoặc chưa hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình trong mua bán nhà. Do vậy, người dân khi mua nhà phải tìm hiểu rất kỹ các qui định của pháp luật, phải xem rõ các cam kết của chủ đầu tư sau khi đi vào vận hành. Mặt khác, theo qui định, sau 12 tháng chung cư đưa vào sử dụng hoặc khi có 70% số căn hộ được bàn giao, có người đến ở, chủ đầu tư phải đứng ra để thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Ban quản trị có thể đứng ra để thuê, chọn lựa các dịch vụ cung cấp cho chung cư. Điều này đồng nghĩa với việc người dân có thể thỏa thuận về chất lượng cũng như giá cả dịch vụ.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản gửi các quận, huyện, chủ đầu tư vận hành nhà chung cư trên địa bàn thành phố yêu cầu, rà soát phí dịch vụ chung cư đã thu của các hộ dân, thông báo công khai, minh bạch việc sử dụng các khoản phí dịch vụ. Tổng hợp ý kiến của nhân dân, khó khăn, vướng mắc trong quản lí dịch vụ chung cư gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND TP. Ngoài ra, UBND các quận, huyện chủ động giải quyết tranh chấp về giá dịch vụ nhà chung cư giữa chủ đầu tư vận hành nhà chung cư và các hộ dân. |