Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ chuyển đổi số ngân hàng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong toàn bộ lĩnh vực của nền kinh tế, ngân hàng đang là lĩnh vực có sự đầu tư sớm, bài bản cũng như có tốc độ chuyển đổi số diễn ra khá nhanh. Đáng chú ý, quá trình số hóa này lại tập trung khá toàn diện cho trải nghiệm và nhu cầu của người dùng.

Nhân viên LienVietPostBank trao đổi với khách hàng các sản phẩm chuyển đổi số của ngân hàng. Ảnh: Công Hùng
Nhân viên LienVietPostBank trao đổi với khách hàng các sản phẩm chuyển đổi số của ngân hàng. Ảnh: Công Hùng

Tập trung cho người dùng

Tại sự kiện "Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng" được tổ chức mới đây, khi đánh giá chung về quá trình chuyển đổi số của toàn ngành ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: “Đã đạt được nhiều kết quả bước đầu rất đáng trân trọng. Nhiều ngân hàng đã dần chuyển toàn bộ các dịch vụ sang môi trường số, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, DN, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia”.

Có thể khẳng định ý kiến của người đứng đầu Chính phủ đã phản ánh khá sát thực trạng của quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Điểm ấn tượng nhất của quá trình thay đổi này là có trọng tâm, được đặt vào gia tăng sự tiện lợi cũng như trải nghiệm cho người dùng.

 

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế. Vì vậy, chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, khi đó mọi hoạt động chuyển đổi số phải hướng tới người dân, người dân là chủ thể và hưởng lợi. Chỉ có như vậy thì chuyển đổi số mới thành công.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Một trong những ví dụ tiêu biểu là máy giao dịch ngân hàng tự động Smart Teller Machine (STM) sẽ được KienlongBank triển khai trong thời gian tới. Có đầy đủ các chức năng tương tự một phòng giao dịch nhưng toàn bộ do máy móc vận hành, STM sẽ là giải pháp tiết kiệm tối đa chi phí để ngân hàng mở rộng mạng lưới. Đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, STM sẽ giúp cho nhiều người dân tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng.

Cụ thể, với STM, người dùng có thể thực hiện hầu hết các dịch vụ ngân hàng mà không phải đến phòng giao dịch như mở tài khoản, phát hành thẻ, rút tiền… cho đến các giao dịch đòi hỏi phải có chữ ký tươi (qua máy in và scan), và dịch vụ gặp mặt giao dịch viên (qua video call)… Đáng chú ý hệ thống này còn cho phép nhiều ngân hàng khác đấu nối dịch vụ của mình, từ đó giúp người dùng không phải của KienlongBank cũng có thể trải nghiệm những công nghệ hiện đại.

Hay như TPBank, ngân hàng có mức độ ứng dụng công nghệ vào hàng mạnh nhất và toàn diện nhất tại Việt Nam hiện nay. Tính tới thời điểm hiện tại, ngân hàng này đã có cả một hệ sinh thái số, từ cung cấp dịch vụ ngân hàng truyền thống cho đến hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ được thiết kế tập trung tối đa cho người dùng cũng như đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu tài chính của khách hàng.

Với việc liên tục đưa vào ứng dụng các công nghệ mới nhất như trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Blockchain… Hệ sinh thái số của TPBank đang cung cấp những dịch vụ nổi bật như: 500 điểm giao dịch ngân hàng tự động LiveBank 24/7; Ứng dụng TPBank Mobile và TPBank Biz nhằm hỗ trợ tài chính cho khách hàng với 50 đối tác và 2.000 dịch vụ thanh toán trải dài từ bảo hiểm, du lịch cho đến y tế hay dịch vụ công.

Theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, việc dần hoàn thiện hệ sinh thái số thông qua mở rộng và đa dạng hóa dịch vụ đang là một lợi thế lớn của ngân hàng. Hiện tại, số lượng khách hàng mới thông qua kênh số của TPBank đang có tốc độ tăng trưởng 50 - 60% mỗi năm, đóng góp hơn 60% số lượng khách hàng mới. Số lượng giao dịch qua kênh số chiếm đến 95% tổng số lượng giao dịch của ngân hàng, đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 150% so với năm trước đó.

Người tiêu dùng trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt
Người tiêu dùng trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán điện tử tăng mạnh

Trong quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng, những số liệu về thanh toán điện tử đã tạo ấn tượng khá mạnh khi có tới 90% giao dịch của khách hàng tại các ngân hàng lớn đều qua kênh số. Con số trên đã vượt xa so với mốc 70% mà kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đặt ra vào năm 2025.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị. Số lượng giao dịch qua internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%. Đối với thanh toán qua di động tăng lần lượt là 98,3 và 84,3%. Còn qua mã QR code đã tăng 86% và 127% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, số lượng thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile Money đã có mức tăng trưởng rất cao ở ngưỡng trung bình 20%/tháng. Tính tới thời điểm hiện tại, tổng số tài khoản Mobile Money đang hoạt động là 1,7 triệu tài khoản, chiếm 97,3% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.

Trong đó có hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Từ các chỉ số trên có thể thấy, thói quen của người Việt Nam đang có chuyển biến rõ rệt từ sử dụng tiền giấy chuyển sang thanh toán điện tử, một yếu tố kiên quyết của một nền kinh tế số mà nước ta đang hướng tới. Nguyên nhân của sự thay đổi từ nhận thức đến hành động này được Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng lý giải, nằm ở việc các ngân hàng đã chủ động đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm tối đa hóa nhu cầu của khách hàng.

Việc các ngân hàng liên tục cho ra mắt các sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ cao đã giúp người tiêu dùng có được trải nghiệm tốt hơn cũng như giải quyết nhu cầu chi tiêu một cách dễ dàng hơn. Điều này cũng giải thích cho việc Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á với khoảng 50 triệu người, chiếm gần 50% dân số, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, cơ quan này đã liên tục ban hành các quy định kịp thời, phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng như thanh toán không dùng tiền mặt, trung gian thanh toán, mở tài khoản và nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử… Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thanh toán điện tử đang ở mức cao.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành khác và chủ động rà soát thường xuyên khuôn khổ pháp lý, nâng cấp cũng như xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động chuyển đổi số cho ngành ngân hàng. Trong đó, phát triển ngân hàng số sẽ đặc biệt được chú trọng, ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

 

Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân và khách hàng ở vị trí trung tâm. Trong đó có đặt các mục tiêu đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động...

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần