Nghị định 137/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11/1/2021, thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP, ngày 15/4/2009 của Chính phủ. Theo đó, tại Điều 17 của Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, Tết, sinh nhật, đám cưới, hội nghị, khai trương và hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, DN được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa.
Nghị định với nhiều điểm mới khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người ủng hộ vì cho rằng, đây là nhu cầu thực tế của người dân. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ cháy nổ gây mất an toàn, ô nhiễm, an ninh trật tự, trong đó, không ít người đang hiểu nhầm thành sẽ được đốt tất cả các loại pháo hoa.
Anh Trần Minh Tuấn (quận Nam Từ Liêm) thể hiện sự vui mừng vì sinh nhật anh rơi vào giữa tháng 1, cũng là lúc Nghị định đã có hiệu lực thi hành, có thể tụ tập bạn bè đốt pháo hoa đón sinh nhật. “Tôi cho rằng, đốt pháo hoa là việc rất bình thường. Lâu nay, trong dịp Tết hay đám cưới nhiều nơi người dân vẫn đốt pháo hoa. Thậm chí, hiện tượng này vẫn diễn ra tự phát, người dân còn mua pháo lậu để đốt dịp giao thừa” – anh Trần Minh Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại, nếu người dân được phép đốt pháo hoa có thể gây bị thương hoặc xảy ra các vụ tai nạn do cháy, nổ... Cùng đó, pháo hoa đốt trong lễ cưới, tiệc sinh nhật... sẽ gây lãng phí tiền bạc. Ngoài ra, nhiều người băn khoăn, việc cho phép đốt pháo hoa trong các dịp lễ Tết, sinh nhật phải đi kèm theo các điều kiện như đốt ở đâu, lúc nào, ở không gian nào, bao nhiêu phút và người đốt phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, cần phải có quy định rõ để tránh gây hiểu nhầm.
Rất nguy hiểm nếu không hiểu đúngVề vấn đề đang gây nóng dư luận này, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh - giảng viên trường Đại học PCCC cho biết: Thời điểm Nghị định 137 có hiệu lực (11/1/2021) là dịp gần đến Tết Nguyên đán, nhiều người dân háo hức có nhu cầu sử dụng pháo hoa. Chính vì vậy, Nghị định 137 được ban hành đã tạo nên sự phấn khích của dư luận. Thực tế, trong những ngày qua, trên mạng xã hội, đã có rất nhiều diễn đàn chia sẻ nội dung quy định mới, kèm theo những hình ảnh minh họa về pháo (cả pháo hoa lẫn pháo nổ). Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu người dân không hiểu đúng và phân biệt giữa pháo hoa và pháo hoa nổ.
Nghị định 137 quy định rất rõ: Pháo gồm pháo nổ và pháo hoa. Trong đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc tiếng rít và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Loại pháo khi đốt gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian thì được gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m.
“Đáng chú ý, khác biệt với pháo nổ, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Như vậy, Nghị định trên chỉ cho phép cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân được sử dụng pháo hoa trong các dịp đã nêu ở trên, chứ không phải tất cả các loại pháo” - PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh khẳng định
Pháo hoa được sử dụng phải đảm bảo an toàn PCCCTheo đại diện Phòng Cảnh sát PCCC& CNCH - Công an TP Hà Nội, người dân khi tổ chức sinh nhật, cưới hỏi... muốn đốt pháo hoa không cần đăng ký với chính quyền, chỉ cần đủ 18 tuổi và có năng lực hành vi thì được phép đốt pháo hoa. Tuy nhiên, vấn đề là người dân phải hiểu pháo hoa được phép sử dụng là loại pháo mà người tổ chức tiệc, đám cưới đốt phát ra ánh sáng, không có thuốc nổ, không phải quả pháo hoa đốt lên trời phát nổ. Với pháo hoa được sử dụng phải đảm bảo an toàn về PCCC, đặc biệt phải đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển, lưu kho, kê trên bệ…
Đối với pháo hoa nổ vẫn cấm tuyệt đối vì loại pháo này có thuốc nổ, gây nguy hiểm, tiềm ẩn mất an toàn về cháy nổ. Trường hợp người dân sử dụng loại pháo hoa nổ vẫn bị quy trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính... Trong Nghị định 137 tách hẳn khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ, chỉ cho phép người dân sử dụng pháo hoa. Người dân khi sử dụng pháo hoa phải tuân thủ theo quy định, chỉ những tổ chức, DN thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa, phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về PCCC, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường… Cùng với đó, để đảm bảo an toàn về PCCC; nghiêm cấm các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt pháo hoa; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo hoa không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường…