Người dân chỉ được phép sử dụng pháo hoa chứ không phải pháo hoa nổ |
Nghị định 137/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11/1/2021, thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP, ngày 15/4/2009 của Chính phủ, với nhiều điểm mới khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Điều 17 của Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, tết, sinh nhật, đám cưới, hội nghị, khai trương và hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, DN được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, việc cho phép cá nhân tổ chức sử dụng pháo hoa là điều phù hợp với sự phát triển của xã hội nói chung. Mặc dù chúng ta có thể khẳng định việc sử dụng pháo hoa sẽ có rủi ro xảy ra liên quan đến hỏa hoạn, cháy nổ nhưng vẫn có thể phòng ngừa và ngăn chặn nếu tuân thủ đúng quy định về an toàn sản xuất và sử dụng pháo hoa.
“Quan điểm của tôi cần phải hiểu về Nghị định 137 cho phép cá nhân sử dụng pháo hoa cụ thể như sau: Nghị định quy định pháo được chia làm 2 loại là pháo nổ và pháo hoa. Trong pháo nổ có loại pháo tạo ra hiệu ứng màu sắc ánh sáng được gọi là pháo hoa nổ. Đây là loại pháo được bắn vào đêm giao thừa hằng năm mà chúng ta hay thấy trên tivi, có tên gọi đúng quy định là pháo hoa nổ, là một loại pháo nổ. Còn quy định cho phép người dân sử dụng pháo là nói đến pháo hoa chứ không phải pháo nổ hay pháo hoa nổ ở Hồ Gươm mỗi đêm giao thừa” - luật sư Bùi Quang Thu nêu quan điểm.
Luật sư Bùi Quang Thu |
Theo luật sư Bùi Quang Thu, pháo hoa nổ và pháo hoa khác nhau ở điểm cơ bản nhất là tiếng nổ phát ra khi sử dụng. Pháo hoa nổ khi sử dụng gây ra tiếng nổ hoặc tiếng rít còn pháo hoa không gây ra tiếng nổ và tiếng rít như vậy. Người dân chỉ được phép sử dụng pháo hoa mà không được phép sử dụng pháo hoa nổ cũng như pháo nổ. Người được phép mua và sử dụng pháo người từ đủ 18 tuổi trở lên, không mắc bệnh tâm thần dẫn đến mất nhận thức hay không bị hạn chế về khả năng nhận thức. Những đối tượng như vậy được mua và sử dụng pháo hoa.
Cá nhân tổ chức sử dụng pháo hoa chỉ được phép mua pháo hoa ở các cơ sở được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa. Đó là các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, được cơ quan công an cấp phép về sản xuất và kinh doanh pháo hoa. Ngoài những nguồn cung cấp này, tổ chức, cá nhân không được phép mua pháo hoa từ bất kỳ nguồn nào khác; và không cá nhân, tổ chức nào được phép tự chế tạo sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho rằng, Nghị định 137 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo có quy định cá nhân và tổ chức được quyền sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Như vậy, không phải trong mọi trường hợp công dân đều được sử dụng pháo hoa mà chỉ được sử dụng trong những trường hợp nhất định.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại |
Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa lưu ý chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa cần phân biệt giữa pháo hoa nổ và pháo hoa, vì người dân chỉ được phép sử dụng pháo hoa chứ không phải pháo hoa nổ.
Theo quy định, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
“Vì vậy, người dân khi sử dụng pháo hoa cần lưu ý các vấn đề sau để không vi phạm pháp luật: Chỉ được phép sử dụng pháo hoa trong một số trường hợp; Mua pháo hoa hợp pháp của các đơn vị được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa” - luật sư Nguyễn Hữu Toại nhấn mạnh.